Hà Nội xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, phiền hà để cải thiện chỉ số 'Chi phí không chính thức'
Để cải thiện chỉ số 'Chi phí không chính thức', Hà Nội sẽ xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho người dân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp...
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 1 1/4/2023, Chỉ số PCI năm 2022 của Hà Nội đạt 66,74 điểm (giảm 1,86 điểm so với năm 2021), xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2021). Kết quả chỉ số PCI năm 2022 chưa đạt mục tiêu đề ra là phấn đấu trong nhóm có thứ hạng cao so với cả nước tại Chương trình số 02 của Thành ủy.
Chỉ số PCI năm 2022 của Hà Nội có 7/10 chỉ số thành phần giảm hạng so với năm 2021 là: “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” xếp thứ 53, giảm 24 bậc; “Chi phí không chính thức” xếp thứ 59, giảm 15 bậc; “Chi phí thời gian” xếp thứ 15, giảm 10 bậc; “Tiếp cận đất đai” xếp thứ 59, giảm 9 bậc; “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” xếp thứ 9, giảm 5 bậc; “Đào tạo lao động” xếp thứ 3, giảm 2 bậc.
Năm 2022, VCCI lần đầu tiên công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Hà Nội đạt 12,52 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố. Các chỉ số thành phần PGI xếp khá thấp.
Đặt mục tiêu nâng hạng với nhiều chỉ số, Hà Nội nêu loạt nhiệm vụ cụ thể để tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số thành phần PCI.
Với chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để nâng cao Chỉ số; Rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết trong nội bộ nhằm phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất, giảm thời gian doanh nghiệp hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Thực hiện có hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”.
Với chỉ số “Tính minh bạch", UBND TP yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố... cho công dân, doanh nghiệp. Các thông tin phải đầy đủ, kịp thời, rõ ràng đến người dân, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, cập nhật.
Liên quan đến chỉ số “Chi phí thời gian”, UBND TP giao Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của các cấp, các ngành khi thi hành công vụ; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính.
Để cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức”, UBND TP Giao Thanh tra Thành phố chủ trì đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để nâng cao Chỉ số; Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho người dân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp;
Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát kết quả thủ tục hành chính; Vận hành có hiệu quả website về giải quyết khiếu nại tố cáo; Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra trên môi trường mạng. Việc thanh tra, kiểm tra tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, giảm thiếu số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn giữ được chất lượng, đảm bảo chất lượng giám sát, kiểm tra hiệu quả, cố gắng nâng cao thứ hạng đối với chỉ số chi phí không chính thức ở những năm tiếp theo.
Hà Nội cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để tập trung thực hiện nâng cao chỉ số PGI: giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2050.
Tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; kiểm tra thường xuyên công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.... Tổng hợp danh mục các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; đề xuất giải pháp di dời các cơ sở này ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội theo quy hoạch.
Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai các chương trình bảo vệ môi trường; Xây dựng chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường...