Hà Nội yêu cầu người dân đến làm việc cần quét mã QR code chống dịch
Người dân khi đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị của Hà Nội cần quét mã QR, để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết.
Ban Chỉ đạo chống dịch TP Hà Nội (BCĐ) chiều nay (26/2) tiếp tục họp trực tuyến với 30 quận, huyện dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.
Phó GĐ Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội hiện còn 2 điểm phong tỏa ở khách sạn Somerset và 5 hộ gia đình ở thôn Do Hạ (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh), dự kiến 28/2 sẽ hết phong tỏa.
Phó GĐ Sở Y tế đánh giá, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, 11 ngày TP không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn do với đặc thù là thủ đô , trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đầu mối giao thông của cả nước, đặc biệt là trong thời gian tới khi sinh viên các tỉnh trở lại học tập nhiều hơn, trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh, thành có dịch.
Các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh mặc dù đã được cách ly 14 ngày nhưng vẫn có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các chuyên gia này như trường hợp ca bệnh số 2229.
Với bối cảnh hiện nay ông Hạnh cho rằng, cần giám sát trọng điểm, lấy mẫu ngẫu nhiên ở một số khu vực có nguy cơ cao như khu công nghiệp có chuyên gia nước ngoài.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo dán mã QR code ở tất cả các cơ quan đơn vị, người đến làm việc phải quét mã check in và check out. Sở đã có văn bản chỉ đạo, các đơn vị y tế trên địa bàn TP phải thực hiện ngay, hoàn thành từ nay đến ngày 5/3.
Mọi người dân khi đến các cơ quan đơn vị phải thực hiện quét mã để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết. “Thông tin về cá nhân sẽ được bảo mật, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch. Người dân nên phối hợp thực hiện”, ông Hạnh nói.
Tại phiên họp, các quận huyện báo cáo đã sẵn sàng các phương án để đón học sinh trở lại trường vào ngày 2/3 (là thời điểm 14 ngày Hà Nội không có ca mắc mới trong cộng đồng) như: phun khử khuẩn, chuẩn bị sẵn nhiệt kế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.
Quận Hoàn Kiếm đề xuất mở lại phố đi bộ quanh hồ Gươm cũng từ thời điểm đó.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.
“Học sinh, sinh viên sẽ đến trường theo từng thời điểm chứ không phải tất cả đi một lúc. Ưu tiên trước là cấp học mà học sinh chủ yếu trên địa bàn TP như mầm non, tiểu học... sau đó mới đến học sinh trường nghề, sinh viên đại học, cao đẳng…”, ông Dũng cho hay.
Với các trường nghề của TP, có lượng học sinh, sinh viên đến từ các tỉnh thành khác khá đông, Sở LĐ-TB&XH cần có phương án phân luồng, giám sát chặt chẽ, nhất là với các trường hợp về từ vùng dịch.
Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, thời gian tới TP sẽ nới lỏng để các hoạt động trở lại bình thường, nhưng phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát, kiểm tra, vì vậy các quận huyện phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và TP.
Trước phản ánh của người dân khi có cửa hàng kinh doanh không đảm bảo điều kiện phòng dịch nhưng vẫn hoạt động, có nơi cách trụ ở UBND phường mấy trăm mét… Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm vi phạm.
“Lúc nào được mở cửa trở lại TP sẽ có chỉ đạo. Lúc này vẫn phải thực hiện nghiêm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trần Thường