Hà Nội yêu cầu siết chặt việc đi lại ngay từ gia đình, ngõ xóm
Nhận định dịch bệnh diễn biến rất khó lường, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp, chưa xác định nguồn lây, Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc các giải pháp cấp bách.
Ngày 3/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kết luận số 31-KL/TU về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tổ chức thực hiện việc giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ gia đình, từng ngõ, phố, thôn, xóm, khu chung cư, tòa nhà, cơ quan, đơn vị...
Cùng đó, huy động các lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, đội tự quản, công an, Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, thanh niên, sinh viên tình nguyện và người dân cùng vào cuộc tham gia giám sát; tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt những trường hợp ra khỏi nhà không cần thiết theo đúng quy định.
Ban Thường vụ Thành ủy giao các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo thành lập các tổ liên ngành và các lực lượng chức năng của thành phố thực hiện kiểm tra ngay việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kể cả cơ quan, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn.
“Cương quyết yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố; chỉ bố trí cán bộ trực cơ quan và xử lý tài liệu mật, các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền mới đến làm việc tại cơ quan, còn lại làm việc trực tuyến,” Kết luận số 31/KL-TU nêu rõ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp F1, F2, F3; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Các đơn vị phải chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội với một khu vực có nhiều ca F0: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn... để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ban Thường vụ Thành ủy lưu ý Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã duyệt phương án và siết chặt hoạt động của từng doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh..., bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định, không để tập trung đông người dẫn đến lây lan dịch bệnh; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu.
“Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh,... để đề xuất các chính sách khác, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội,” Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lưu ý thêm.
Xây dựng phương án chống dịch ở mức cao hơn
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, trong đó thành phố đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng lớn, nhiều ca bệnh trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, vì vậy, để siết chặt hơn, quyết liệt hon, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai nghiêm túc các biện pháp cấp bách.
Trước hết, toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cần quyết liệt, đồng bộ triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo của Thành phố, nhất là Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy…
Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị ủy, Sở chỉ huy phòng chống dịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, nắm chắc tình hình, thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định về tình hình trên địa bàn; chỉ đạo, điều hành khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống, không để bị động, lúng túng, chậm trễ.
Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh phân cấp, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch bảo đảm rõ đầu mối, đơn vị chủ trì, phối hợp, rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo trong các khâu, các lĩnh vực, tránh đùn đẩy, né tránh, chậm trễ; huy động các nguồn lực, kể cả xã hội hóa, các doanh nghiệp, cơ sở y tế tư nhân... tham gia công tác phòng, chống dịch.
“Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, Sở Chỉ huy thành phố tổng hợp, phân tích, đánh giá, nhận định chính xác tình hình để chỉ đạo đúng, trúng, kịp thời công tác phòng, chống dịch; chủ động dự báo tình hình, xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức cao hơn, báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy,” Kết luận số 31 nhấn mạnh./.
Tính từ 18 giờ ngày 2/8 đến 18h ngày 3/8, Hà Nội ghi nhận 66 trường hợp mắc mới.
Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngày thứ 11 giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 17, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 1.417 trường hợp vi phạm phòng chống dịch với số tiền 1.980.400.000 đồng.
Như vậy, tính từ thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 17 của thành phố (6 giờ ngày 24/7) đến nay, cơ quan chức năng xử phạt khoảng 13 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.