Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm

Ngày 11/2, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về việc triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT (Thông tư 29) trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.

Các đơn vị phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29.

Các đơn vị phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29.

Văn bản số 362/SGDĐT-VP của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ: Thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT đề nghị Phòng GD&ĐT, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29.

Các đơn vị, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư 29; đồng thời báo cáo, thông tin kịp thời về Sở những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện.

Thông tư 29 do Bộ GD&ĐT ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp….

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng do đó Bộ GD&ĐT không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, việc ban hành Thông tư 29 là để phù hợp với rất nhiều chính sách, quy định hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Liên quan đến nội dung này, Bộ GD&ĐT mới có văn bản gửi UBND cấp tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông (GDPT); trong đó nhấn mạnh nội dung: các địa phương tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường...

UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-yeu-cau-thuc-hien-nghiem-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them.html