Hạ tầng cấp nước xanh: Ưu tiên đầu tư công và gắn với phát triển đô thị bền vững
Đầu tư hạ tầng xanh nói chung và đầu tư hạ tầng cấp nước xanh nói riêng là đầu tư công cần được ưu tiên. Do đó, cần bổ sung khung pháp lý quy định cụ thể về quy hoạch, xây dựng hạ tầng cấp nước xanh, đặc biệt là các chính sách ưu tiên đầu tư công cho hạ tầng cấp nước xanh.
Ngày 15.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phối hợp với Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam tổ chức tọa đàm chủ đề Hạ tầng xanh và cấp nước xanh hướng đến phát triển đô thị bền vững. Tham dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ một số trường đại học, viện nghiên cứu, hội xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp liên quan đến hạ tầng kỹ thuật cấp nước…
Đại diện Ban tổ chức, PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, bày tỏ mong muốn tọa đàm sẽ góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh và các thành phần của hạ tầng xanh, trong đó có cấp nước xanh. Đồng thời, dần gợi mở những chủ đề mới cho nghiên cứu khoa học và cho các luận văn, luận án để từ đó, đưa nội dung hạ tầng xanh vào các văn bản quy phạm pháp luật về đô thị trong tương lai.
Ưu tiên đầu tư công cho hạ tầng cấp nước xanh
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày một số tham luận, tập trung vào việc làm rõ nội hàm khái niệm, thực tiễn phát triển và một số đề xuất, khuyến nghị trong lĩnh vực hạ tầng xanh, cấp nước xanh tại Việt Nam.
PGS-TS. Đỗ Hoài Nam đến từ Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, trình bày tham luận với chủ đề Một số thách thức và định hướng các giải pháp trong quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước ở Việt Nam. Trong đó, một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước được chuyên gia này gợi mở, đó là mô hình thể chế trong quản lý nguồn nước.
PGS-TS. Đỗ Hoài Nam chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến quản lý nguồn nước ở Việt Nam còn nhiều bất cập là do phân mảnh về trách nhiệm và quản lý giữa các Bộ ngành ở trung ương và chính quyền địa phương. Sự phối hợp lỏng lẻo ở cấp trung ương và thiếu nguồn lực tài chính đã dẫn đến hiệu quả kém trong quản lý nguồn nước và thiếu trách nhiệm của các bên liên quan.
Khi tham chiếu đến mô hình quản lý nguồn nước ở hai quốc gia phát triển trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, PGS-TS. Đỗ Hoài Nam nhìn nhận, hai quốc gia này đều cho thấy sự tương đồng và thống nhất về mặt quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước.
Theo đó, tại hai quốc gia này, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch được giao làm đầu mối trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến quy hoạch, phát triển và bảo tồn nguồn nước. Các Tổng công ty nước Nhật Bản (JWA) và Hàn Quốc (K-Water) là hai thực thể chính đảm nhận trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng ngành nước theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Cùng với đó, Bộ Môi trường có thẩm quyền về sinh thái và ô nhiễm nước, Bộ Nông nghiệp có thẩm quyền về nước tưới, Bộ Y tế có thẩm quyền về cấp nước sinh hoạt, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp có thẩm quyền về thủy điện và cấp nước công nghiệp. Các địa phương có thẩm quyền quản lý và vận hành hạ tầng cấp nước đô thị và cơ sở vật chất hiện có.
PGS-TS. Đỗ Hoài Nam gợi mở, đây có thể là mô hình phù hợp để Việt Nam tham khảo và tiếp cận, giải quyết bất cập trong quản lý nguồn nước hiện nay.
Với tham luận về Cấp nước an toàn, cấp nước thông minh, cấp nước xanh nhìn từ góc độ pháp lý, PGS-TS. Lưu Đức Hải đề cập việc cần tạo một hành lang pháp lý cho cấp nước xanh, trong đó phải có tiêu chuẩn môi trường rõ ràng, đồng bộ và thống nhất để yêu cầu tất cả các đối tượng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định.
Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến cấp nước an toàn và cấp nước thông minh, bởi cơ sở để xây dựng các chính sách cấp nước xanh là cấp nước an toàn và thông minh.
Theo PGS-TS. Lưu Đức Hải, đầu tư hạ tầng xanh nói chung và đầu tư hạ tầng cấp nước xanh nói riêng là đầu tư công cần được ưu tiên. Vì vậy, cần bổ sung khung pháp lý quy định cụ thể về quy hoạch, xây dựng hạ tầng cấp nước xanh, đặc biệt là các chính sách ưu tiên đầu tư công cho hạ tầng cấp nước xanh.
Cấp nước xanh gắn với quy hoạch phát triển đô thị bền vững
Qua tham luận Cấp nước xanh trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững, ThS-KS. Trương Minh Ngọc, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, nêu quan điểm nên hiểu “cấp nước xanh” là một cách tiếp cận để quản lý nguồn nước, bảo vệ, phục hồi, hoặc bắt chước các chu trình tự nhiên của nước, tuần hoàn nước.
Nêu lên một số đề xuất về cấp nước xanh, ThS-KS. Trương Minh Ngọc cho rằng, cần khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm, tuần hoàn nước với tiêu chuẩn trung bình là dưới 120 lít/người/ngày. Cấp nước xanh sẽ mang lại các hiệu quả kinh tế, tăng cường tính an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và đảm bảo phát triển đô thị bền vững.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc sử dụng nước mưa và nước thải sau xử lý như là nguồn cung cấp bổ sung bên cạnh các nguồn nước truyền thống như nước mặt hay nước ngầm. Cùng với đó là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế và quản lý mạng lưới cấp nước.
Đóng góp tham luận về Tái sử dụng nước thải trong phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, PGS-TS Đoàn Thu Hà, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Thủy lợi, đề xuất việc áp dụng phương án tái sử dụng nước thải gián tiếp để đảm bảo an toàn chất lượng nước cấp, giảm thiểu chi phí đầu tư và chi phí vận hành công trình xử lý nước cấp.
Với phương án này, nước thải sau khi xử lý đạt yêu cầu được đưa trở về tự nhiên, được lưu ở nguồn một thời gian nhất định trước khi tái sử dụng.
Theo PGS-TS. Đoàn Thu Hà, việc áp dụng tái sử dụng nước thải cho mục tiêu cấp nước sinh hoạt và sản xuất sẽ góp phần giảm căng thẳng nguồn nước, chủ động nguồn nước cấp cho các nhu cầu sử dụng, góp phần đảm bảo yêu cầu cấp nước ngày càng tăng trong điều kiện nguồn nước khan hiếm, đảm bảo ổn định bền vững trong cả điều kiện có ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu hay rủi ro nguồn nước thượng lưu.
Trong khi đó, với đề tài Chuyển đổi mô hình quản lý nước lũ, bà Pavithra - Chuyên gia thiết kế đô thị đến từ Công ty TNHH Giải pháp Không gian Việt Nam, đề xuất mô hình Vườn “bọt biển” cộng đồng như tại thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).
Mô hình này áp dụng cách tiếp cận dựa trên sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển một khu vườn đa chức năng, trong đó tập trung vào khả năng chống chịu khí hậu, kiểm soát lũ lụt đô thị và dòng chảy nước mưa trên bề mặt.
Bà Pavithra lý giải, ý tưởng này sẽ bao gồm việc sử dụng 40% diện tích khu vực để cải thiện khả năng phục hồi khí hậu bằng cách lát nền thấm nước và cải tiến hệ thống thoát nước kiểm soát lũ. 40% diện tích khác sẽ dành để tăng cường sự hòa nhập xã hội và giới tính thông qua vườn bếp và các khu vực trồng hoa, cây trồng địa phương. Đồng thời, khuyến khích sự gắn kết xã hội với môi trường để phụ nữ, trẻ em và người già có thể cùng nhau tụ tập, vui chơi. 20% diện tích còn lại được sử dụng để giảm lượng khí thải carbon và tạo ra phân bón tự nhiên.
Dự án cũng nhằm mục đích cung cấp đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức và nhận thức cho cộng đồng địa phương, nhằm mở rộng và quản lý hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cuối Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng thảo luận để làm rõ hơn một số nội dung liên quan.
Theo báo cáo tại tọa đàm, hạ tầng xanh được một số nhà khoa học trên thế giới đề cập từ đầu thế kỷ XXI, tuy nhiên hệ thống lý luận mới ở bước khởi đầu, các thành phần của hạ tầng xanh chưa được đề cập một cách cụ thể, hệ thống.
Đại diện Ban tổ chức, PGS-TS, Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho biết chuỗi tọa đàm về hạ tầng xanh trong đô thị dự kiến có 8 tọa đàm, trong đó tọa đàm 1 với chủ đề “Giao thông xanh” đã được tổ chức vào tháng 9.2023, tọa đàm 2 với chủ đề “Thoát nước xanh” đã được tổ chức vào tháng 10.2023.
Sau tọa đàm với chủ đề “Cấp nước xanh” lần này, sẽ là 5 tọa đàm khác với các chủ đề: Chiếu sáng xanh, Công viên xanh, Quản lý chất thải rắn xanh, Nghĩa trang và an táng xanh, Môi trường xanh.
Theo Ban tổ chức, kết thúc chuỗi 8 tọa đàm như nêu trên, dự kiến sẽ có một hội thảo cấp quốc gia, tổng hợp chủ đề của 8 tọa đàm; cùng với đó là kế hoạch xuất bản một cuốn sách về hạ tầng xanh trong đô thị và tổ chức một hội thảo mang tầm quốc tế về hạ tầng xanh.