Hạ tầng đồng bộ - động lực thu hút đầu tư vào Nam Định
Trong những năm gần đây, tỉnh Nam Định đã có những bước đi chiến lược trong việc quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp, góp phần tạo nên diện mạo kinh tế mới cho địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống, Nam Định đang dần chuyển mình mạnh mẽ trở thành trung tâm công nghiệp mới của phía Nam Đồng bằng sông Hồng.
Việc quy hoạch các khu, cụm công nghiệp được thực hiện bài bản, định hướng lâu dài, kết hợp đồng bộ với hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và xử lý môi trường cho thấy tầm nhìn chiến lược của Nam Định trong việc thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài khu kinh tế Ninh Cơ, 6 khu công nghiệp (KCN) lớn (Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Bảo Minh mở rộng, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận) và nhiều cụm công nghiệp đang hoạt động, tỉnh Nam Định sẽ phát triển thêm 10 KCN cùng nhiều cụm công nghiệp mới trên địa bàn các huyện, thành phố. Tổng diện tích quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2030 là 2.546ha.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiểm tra hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định, Khu công nghiệp Hòa Xá, TP Nam Định. Ảnh: QUANG NAM
Thực hiện định hướng phát triển, chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, Nam Định đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ khi chính thức phê duyệt quy hoạch các KCN trọng điểm: Nam Hồng (huyện Nam Trực), Xuân Kiên (huyện Xuân Trường), Minh Châu (huyện Nghĩa Hưng) và Hải Long (huyện Giao Thủy). Cũng chỉ trong vài tháng, từ cuối năm 2024 tới hết quý I-2025, UBND tỉnh Nam Định đã liên tiếp quyết định thành lập các cụm công nghiệp, gồm: Thắng Cường (huyện Ý Yên), Xuân Tiến 2 (huyện Xuân Trường), Nghĩa Phong (huyện Nghĩa Hưng), Mỹ Tân (TP Nam Định), Mỹ Thuận (TP Nam Định)... Tỉnh đang hoàn thiện thủ tục để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, với diện tích gần 14.000ha, bao gồm các KCN, khu đô thị, cảng biển và khu du lịch. Khu kinh tế này được kỳ vọng trở thành động lực phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư lớn trong tương lai.
Việc thành lập liên tiếp các khu, cụm công nghiệp phản ánh rõ nét nỗ lực của tỉnh trong việc mở rộng không gian phát triển, tạo ra cú huých lớn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các khu, cụm công nghiệp này được đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ bản đồng bộ, kết nối giao thông thuận tiện, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng thu hút doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ việc phân bố lại dân cư lao động, giảm tải cho các khu đô thị trung tâm.
Song hành với các KCN là hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ, tạo thành trục xương sống kết nối vùng và quốc gia. Những công trình tiêu biểu như: Tuyến đường bộ ven biển dài 65km-một phần trong tuyến đường bộ ven biển dài 550km đi qua 6 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa; đường trục phát triển nối TP Nam Định với vùng kinh tế biển; cầu vượt sông Ninh Cơ, cầu Thịnh Long-phá thế ngăn cách của các vùng ven sông, ven biển; dự án kênh nối sông Đáy-Ninh Cơ đi vào hoạt động từ tháng 7-2023 giúp kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang; tàu chở container tải trọng 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể rút ngắn về thời gian trong hành trình di chuyển từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại so với trước kia, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền đi qua kênh.
Cùng với việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, UBND tỉnh Nam Định cũng tiếp tục tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể như: Thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp giảm thiểu thời gian cấp phép đầu tư; chủ động phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản trong quá trình giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nam Định cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản...
Nhờ chính sách cởi mở, hạ tầng đồng bộ, chi phí hợp lý và nguồn nhân lực dồi dào, nhiều tập đoàn lớn đang chọn Nam Định làm điểm đến chiến lược. Năm 2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 81 dự án (gồm 47 dự án đầu tư trong nước, 34 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký hơn 11.523 tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm 2023. Tính riêng quý I-2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó cấp mới cho 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 121 triệu USD. Trong đó, có nhiều dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp địa phương với các tập đoàn lớn.
Với phương châm hạ tầng đi trước một bước để Nam Định "dọn ổ đón đại bàng", Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ, hoàn thiện các quy hoạch đô thị; triển khai quyết liệt các dự án giao thông, y tế, đô thị trọng điểm và công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển hạ tầng. Cùng với đó, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh.
Với tầm nhìn chiến lược, quyết sách linh hoạt và hành động thiết thực, Nam Định đang ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm công nghiệp mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Quý I-2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,86%, đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc. Nam Định đã và đang chứng minh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đạt mức tăng trưởng hai con số (GRDP từ 10,5% trở lên), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 15% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD... để chung tay cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.