Hạ tầng giao thông - đi trước một bước, dẫn đường cho phát triển
Kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của mỗi địa phương. Xác định giao thông phải đi trước một bước, tỉnh Long An chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư nhiều công trình từ thành thị đến nông thôn.
Động lực cho phát triển
Đối với các khu vực nông thôn, các huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng giao thông thay đổi rất lớn. Khoảng 10 năm trở lại đây, bên cạnh các tuyến đường liên xã, liên ấp, nhiều công trình kết nối vùng được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo động lực cho sự phát triển. Trong đó, có thể kể đến là một số tuyến đường tỉnh (ĐT) được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng như ĐT819 từ huyện Mộc Hóa về Tân Hưng, ĐT818 từ Thủ Thừa về Đức Huệ, ĐT838 ở Đức Huệ, ĐT827 từ TP.Tân An về Châu Thành,... Qua thời gian đưa vào khai thác, sử dụng, những tuyến đường này góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở địa phương, tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các địa bàn trọng điểm, phát triển công nghiệp của tỉnh là Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An. Như ĐT830 là tuyến huyết mạch kết nối các huyện phát triển công nghiệp: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc; đồng thời, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng khác như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ (QL) 1, QL50. Tuyến đường này được đầu tư nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo thuận tiện cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn kéo theo sự phát triển đô thị, hình thành các khu dân cư tập trung, làm tiền đề phát triển đô thị trong tương lai.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, trên lĩnh vực giao thông, tỉnh đề ra Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm với danh mục dự án 14 công trình, tổng mức đầu tư gần 5.900 tỉ đồng và 3 công trình giao thông trọng điểm.
Theo Giám đốc dự án Khu công nghiệp Hải Sơn - Phạm An Vững, nhiều công trình giao thông lớn, kết nối vùng được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, thu hút đầu tư tại địa phương. ĐT830 được đưa vào khai thác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp đi các tỉnh, thành phố khác hoặc đến Cảng Quốc tế Long An thuận tiện hơn, giảm được chi phí.
Gần đây, nhiều danh mục các dự án, công trình giao thông đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 đã được tỉnh thông qua để đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ. Trong đó, có nhiều dự án lớn mang tính kết nối liên vùng và phục vụ phát triển KT-XH. Đặc biệt,
Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh xác định đó là động lực cho sự phát triển KT-XH tỉnh.
Theo đó, Nghị quyết Đại hội xác định Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. 3 công trình giao thông trọng điểm trong nhiệm kỳ: Đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; ĐT830E; ĐT827E.
Tiếp tục đầu tư những công trình kết nối với TP.HCM
Đến đầu tháng 7/2021, dự án Đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ 1.459/1.680 hộ (đạt 86,8%), với tổng số tiền hơn 974 tỉ đồng/hơn 1.220 tỉ đồng, còn lại 212 hộ dân và 1 tổ chức chưa chi hỗ trợ. Những vướng mắc về bồi thường và giải phóng mặt bằng đang được TP.Tân An quan tâm giải quyết, đối thoại.
Tuyến đường này khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ chuyển hướng lưu thông vận tải ra ngoại thành, góp phần giảm áp lực cho tuyến QL1, tuyến tránh QL1 qua nội ô TP.Tân An và đường Hùng Vương, tạo trục giao thông liên hoàn nối liền các xã, phường; kết nối vùng giữa các huyện, thành phố; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển.
Còn dự án ĐT827E có ý nghĩa chiến lược, nâng tầm hệ thống giao thông - vận tải của tỉnh và cả vùng. Dự kiến, tuyến đường dài khoảng 55km, qua tỉnh Tiền Giang, Long An và TP.HCM. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 35km, qua các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc. Đến nay, 3 địa phương đã tiến hành xác định hướng tuyến và đang hoàn tất các thủ tục để triển khai đầu tư. “Tuyến ĐT827E khi được đầu tư hoàn thành sẽ tạo sức bật giúp huyện xóa thế độc đạo, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung nhìn nhận.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, dự án ĐT830E, Sở đã thỏa thuận hướng tuyến với các địa phương, lựa chọn nhà thầu tư vấn, kiểm tra phê duyệt phương án khảo sát xây dựng và đang lập dự án đầu tư.
Ngoài những công trình đã và sắp được đầu tư, tỉnh còn quan tâm khơi thông giao thương với TP.HCM, thúc đẩy phát triển KT-XH cho 2 địa phương và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này là rất cần thiết, bởi với lợi thế, vị trí cửa ngõ miền Tây Nam bộ nhưng vẫn còn một số tuyến đường kết nối với TP.HCM còn nhỏ, hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phát triển KT-XH.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung cho biết: "Từ những yêu cầu đặt ra, tỉnh và TP.HCM đã rà soát, lập thủ tục pháp lý để tiến tới thực hiện nhiều điểm kết nối công trình giao thông từ nay đến năm 2030. Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ thực hiện đầu tư một số điểm kết nối tuyến đường giao thông có vị trí đặc biệt quan trọng, cấp bách với kinh phí dự kiến hàng ngàn tỉ đồng để thúc đẩy phát triển KT-XH".
Bên cạnh đầu tư thi công, mở rộng các công trình giao thông, tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng để sử dụng công trình lâu dài. Đồng thời, tỉnh còn kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng và sửa chữa kịp thời những tuyến đường QL1, QL50, QL62, QLN2. Đặc biệt, tuyến QL62 đang xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường quá nhỏ, hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông nên tỉnh mong muốn Trung ương sớm triển khai đầu tư./.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải) - Nguyễn Minh Hậu, trong thực hiện các công trình giao thông, ngoài vốn ngân sách còn có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp và đặc biệt là sự đồng thuận hiến đất của người dân.
Để các dự án, công trình giao thông nhanh chóng được thi công thuận lợi, các cấp, các ngành rất quan tâm đến tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong nhiều giải pháp thực hiện thì công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại được các cấp, các ngành tăng cường thực hiện để người dân hiểu về chủ trương, ý nghĩa công trình để có được sự đồng thuận cao.