Hạ tầng giao thông nâng tầm đất nước
Bất kể quốc gia nào trong quá trình phát triển thì giao thông luôn phải được ưu tiên đầu tư.
Một mũi thi công gói thầu XL9 dự án Cam Lộ- La Sơn (chụp ngày 27/3). Ảnh: Duy Lợi
Bởi lẽ, hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Thực tế đã cho thấy, bất cứ con đường, cây cầu nào được xây dựng là nguồn lực của các vùng miền, địa phương nơi những công trình đó đi qua lập tức được khơi thông.
Tại lễ khởi công dự án thành phần Mai Sơn - QL45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: “Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước”.
Đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được đồng loạt triển khai, sau khi hoàn thành, công trình này sẽ tạo kết nối theo chiều dọc đất nước, chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển rất lớn đối với hàng chục tỉnh, thành.
Hiện tại, chi phí logistics của Việt Nam vẫn rất cao do giao thông chưa kết nối tốt, đường bộ đến đường sắt, cảng nước sâu chưa đủ năng lực cho vận tải container. Điều này khiến hàng hóa của Việt Nam bị đội giá cao, kém cạnh tranh. Nếu đầu tư được hệ thống cao tốc theo đúng quy hoạch, những bất cập này sẽ được giải quyết.
Trong giai đoạn trước mắt, việc khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước trực tiếp thi công xây dựng dự án... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án sẽ là sự chuẩn bị tốt để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Quá trình triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án sẽ tạo tác động lan tỏa, phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong trung và dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang tập trung mọi giải pháp để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Tương tự, với dự án sân bay Long Thành, khi hoàn thành, đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Ngoài việc hình thành những đường bay, trục bay kết nối trong và ngoài nước, theo tôi cần có phương án kết nối các loại hình giao thông khác với sân bay Long Thành một cách đồng bộ.
Những tuyến này cùng với sân bay Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới. Sân bay Long Thành khi đó sẽ không chỉ là cầu nối giao thông trong nước mà còn trở thành sân bay trung chuyển khu vực, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-tang-giao-thong-nang-tam-dat-nuoc-d500720.html