Hạ tầng ICT tuyệt vời nhưng làm sao được như Estonia đây?

Việt Nam có hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thuộc loại đứng đầu khu vực, giá dùng dịch vụ viễn thông hay Internet hàng tháng thấp nhất khu vực. Với các nước đang phát triển, đó là một lợi thế không nhỏ, hơn rất nhiều so với Timor Leste hay Estonia sau ngày độc lập. Nhưng chúng ta, hiện nay, chỉ biết nhìn Estonia với sự ngưỡng mộ.

ICT để làm gì nếu thiếu nền tảng pháp luật

Hồi năm 2003 người viết sang Timor Leste (Đông Timor), vừa độc lập khỏi Indonesia, phố phường vẫn còn khói chiến tranh và được lưu ý, dù quân đội Indonesia đã rút nhưng ngoài đường khá nguy hiểm. Đi lại chỉ bằng đôi chân hoặc một loại taxi dù, không nhãn mác, xe cũ kỹ như tài xế trông khô khổ thiếu ăn. Xăng thì đắt nhưng xe cứ lòng vòng trong phố, đi xa gần đều có giá 1 đô la Mỹ vì thủ đô Dili cũng bé tí, chỉ dài vài ki lô mét theo bờ biển.

Hạ tầng ICT không có và điện thoại cũng không. 12 năm sau quay lại thì mọi chuyện đã khác. ICT phát triển chóng mặt, bạn trẻ đi chơi đều có điện thoại thông minh và Facebook. Trung tâm Dili có wifi miễn phí, Viettel để lại dấu chân ở đây. ICT đã mang lại cơ hội cho phát triển, Timor Leste đã khác nhiều.

Tại Việt Nam, vụ ồn ào giữa Grab và taxi truyền thống vẫn còn tiếp diễn bởi miếng mồi béo bở là hàng triệu khách hàng dùng dịch vụ xe bốn bánh. Grab sẽ chết nếu không có điện thoại thông minh và taxi truyền thống cũng toi nếu không có điện thoại, quay lại thời như Timor Lester hơn chục năm trước. Thay vì dùng ICT để cùng phát triển thì hai ông “công nghệ” và “truyền thống” lại quay sang “đả” nhau trước tòa.

Kinh nghiệm Estonia

Grab sẽ chết nếu không có điện thoại thông minh và taxi truyền thống cũng toi nếu không có điện thoại, quay lại thời như Timor Lester hơn chục năm trước.

Năm 1993, Estonia độc lập được hai năm do Liên Xô sụp đổ năm 1991, quốc gia này cũng ở trạng thái không có điện thoại. Cả nước phụ thuộc vào một điểm gọi đi quốc tế cài đặt tại vườn nhà của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, được kết nói với Phần Lan. Thế mà Thủ tướng Estonia, khi đó là ông Mart Laar, đã có tầm nhìn về nền kinh tế phẳng (flat-lining economy) và cho rằng, ICT là chìa khóa phát triển trong tương lai, giúp cho chính thể minh bạch, khó tham nhũng.

Sau hai thập niên, Estonia trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng và phát triển ICT. E-Estonia bắt đầu từ đó và hiện là một trong những chính phủ điện tử tốt nhất thế giới. Cả nước dùng chứng minh thư số và điện thoại di động để vào dịch vụ công, khai thuế, đăng ký doanh nghiệp, khai sinh, khai tử.

Triết lý thật đơn giản, quốc gia trực tuyến thay đổi đất nước, văn phòng không giấy thay đổi cách điều hành chính phủ, smart e-citizen thay đổi xã hội. Nền tảng công nghệ và pháp lý giúp cho ba thay đổi trên.

Ngay từ năm 1997, quốc gia này đã đưa ra khái niệm e-Governance - quản trị điện tử - một bước đi chiến lược để Estonia nâng cao tính cạnh tranh, tạo cơ hội cho dân chúng làm giàu dựa vào những dịch vụ công trực tuyến hiện đã đạt 99% mà không cần có mặt ở cơ quan công quyền để “xin” - vốn là nguồn cơn của hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Sau đó ba năm thì e-Tax được đưa vào sử dụng, thay vì vác tiền đi nộp với những mẫu biểu dài ngoẵng, thì doanh nghiệp và người dân lên mạng khai với “cán bộ ảo” và hiện nay chỉ cần 3-5 phút là khai xong thuế, 95% khai thuế được dùng trên mạng.

Năm 2001, X-Road ra đời như một trục liên thông văn bản quốc gia, nơi liên kết và chia sẻ các dịch vụ trực tuyến, cơ sở dữ liệu của nhiều ngành bộ khác nhau, tạo ra sự tiện lợi với dịch vụ 24/7 mà người ta tính tiết kiệm tổng cộng 800 năm làm việc mỗi năm.

Để giao dịch thuận tiện, người dân cần có Digital ID (e-ID), một kiểu chứng minh thư thông minh, vào dịch vụ công hay trả tiền ngân hàng, được bảo mật rất cao, thông tin chính xác hơn cả ảnh và vân tay, từ bộ trưởng đến dân đều dùng như nhau khi đi khám bệnh hay ký kết văn bản.

Khi có e-ID rồi thì bầu cử trực tuyến có thể thực hiện. Từ năm 2005, dân Estonia không cần đến hòm phiếu mà ngồi đâu cũng bỏ phiếu được. Mấy hôm trước tôi gặp anh Urmas Rosenberg, chuyên gia Estonia sang giúp hệ thống e-Cabinet Việt Nam. Dùng e-Vote và e-ID với vài thao tác đơn giản, anh đăng nhập thành công và nhấn chuột chọn một ứng viên, bầu cử chỉ mất vài phút mà không cần trống giong cờ mở, khẩu hiệu rợp trời.

Ngoài ra họ mở rộng ra y tế, giáo dục, dân cư; e-Cabinet trong họp chính phủ trước kia mất cả ngày nay mất 30 phút, cái gì cũng “e” và thành e-Estonia nổi tiếng thế giới.

Dân Việt xa nhà chắc ai cũng biết Skype, phần mềm ứng dụng Internet, bao gồm audio, video, nối mạng toàn cầu, miễn phí nếu là máy tính nối với máy tính. Năm triệu người Việt khắp năm châu gọi về gia đình, nói chuyện với người thân cả tiếng mà không mất xu nào, là bởi một trong những dịch vụ do Skype cung cấp.

Ý tưởng Skype bắt nguồn từ dịch vụ chia sẻ file trên Internet, do cậu học trò bỏ học là Janus Friis (Đan Mạch) 20 tuổi và Niklas Zennström (Thụy Điển) gần 30 tuổi cùng hợp tác. Nhưng viết phần mềm cho Skype lại do Ahti Heinla, Priit Kasesalu và Jaan Tallinn, người Estonia. Bản đầu tiên của Skype đưa ra công chúng vào năm 2003, hơn chục năm sau ngày độc lập của quốc gia Baltic nhỏ bé này với sự tham gia đẳng cấp thế giới của nhóm chuyên gia công nghệ thông tin ở thủ đô Tallinn.

Năm 2005, Skype được bán cho eBay với giá 2,5 tỉ đô la Mỹ, và Microsoft mua lại với giá 8,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2011. Dù rằng trụ sở chính của Skype ở Luxembourg nhưng nhóm lập trình gạo cội phát triển vẫn ở Tallinn và Tartu thuộc Estonia.

ICT là mũi nhọn của Estonia, nhưng nền tảng pháp luật, tự do sáng tạo, là những điều căn bản tạo nên e-Estonia ngày nay.

Vài lời cuối

Việt Nam có hạ tầng ICT thuộc loại đứng đầu khu vực, giá dùng dịch vụ di động hay Internet hàng tháng thấp nhất khu vực và so với các nước đang phát triển, đó là một lợi thế không nhỏ, hơn rất nhiều so với Timor Leste hay Estonia sau ngày độc lập.

Để cho hạ tầng ICT đơm hoa kết trái vào dịch vụ công, vào cách điều hành của chính phủ, và biến thành tiền như dân công nghệ thông tin Estonia làm ra Skype giá trị 8,5 tỉ đô Mỹ thì chiến lược và chính sách dùng ICT vô cùng quan trọng.

Khi đó taxi truyền thống và Grab không kiện nhau mà họ sẽ nghĩ cách áp dụng ICT để mang lại sự thuận tiện và giảm giá thành cho khách hàng, vậy là “bất chiến tự nhiên thành” thay vì muốn thời kỳ không ICT để chạy lòng vòng như Timor Leste cách đây 20 năm.

Số liệu tham khảo _ Giá dùng mobile theo tháng

Nguồn ITU. https://www.itu.int/en/ITU-D/Statistics/Pages/default.aspx

Hiệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289992/ha-tang-ict-tuyet-voi-nhung-lam-sao-duoc-nhu-estonia-day-.html