'Hạ tầng lòng Dân'

Với hơn 15.868 căn nhà được khởi công trong toàn tỉnh, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Tuyên Quang không chỉ là chính sách an sinh, mà còn là hành trình kiến tạo niềm tin, kết nối lòng dân bằng những hành động cụ thể, trách nhiệm và sẻ chia.

Căn nhà mới xinh xắn của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, xã Linh Hồ.

Căn nhà mới xinh xắn của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, xã Linh Hồ.

Chủ động, linh hoạt, sát thực tiễn

Tính đến ngày 13/7/2025, tỉnh Tuyên Quang đã khởi công được 15.868 căn nhà (đạt 100%), trong đó 12.882 nhà đã hoàn thành, đạt 81,18% kế hoạch, còn 2.986 nhà đang tiếp tục được triển khai đúng tiến độ.

Đây là kết quả nổi bật thể hiện quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo linh hoạt, đồng bộ, nhất quán từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến chính quyền cơ sở. Hệ thống chính trị đã phát huy tối đa vai trò, với 459 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành sát với thực tế. Sau sáp nhập, các địa phương đã nhanh chóng kiện toàn tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho từng nhóm đối tượng thụ hưởng.

Không chỉ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp, các địa phương còn tập trung vào những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn với phương châm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả. Hàng trăm nghìn ngày công, những nguồn lực được huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội… đã góp phần giảm chi phí, rút ngắn tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả ở cơ sở như giao vật liệu theo nhóm hộ, tái sử dụng vật tư cũ, bàn giao chìa khóa trao tay, hay tổ chức tổ thợ xây tập trung… tạo điều kiện cho người dân chủ động tham gia, tăng tính minh bạch và tiết kiệm chi phí.

Xã Tùng Bá có hơn 1.700 hộ dân với trên 26% hộ nghèo và cận nghèo, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai bài bản. 14 căn nhà được phê duyệt đều đã khởi công, nhiều căn nhà đã hoàn thiện trên 90%. Đây là minh chứng cho cách làm chủ động, coi xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là an sinh mà là nền tảng nâng cao chất lượng sống, phát triển sản xuất bền vững.

Sức mạnh từ Mặt trận và các tổ chức thành viên

Xã Khâu Vai có gần 24.000 dân, chủ yếu là người Mông, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, trên 57%, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát được thúc đẩy mạnh mẽ. Xã đã huy động hàng nghìn ngày công từ cán bộ, đảng viên và Nhân dân hỗ trợ người dân xóa nhà tạm. Địa phương còn chủ động định hướng sinh kế bằng cách vận động người dân mua và sử dụng máy nghiền bột luân phiên, vừa tiết kiệm, vừa tăng hiệu quả sau an cư.

Câu chuyện ở tổ dân phố Tân Hải Thành, phường Bình Thuận càng khắc họa rõ nét hơn sự vào cuộc từ cộng đồng. Bà Trần Thị Sinh, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 3 thế hệ cùng sinh sống hiện đã có nơi ở kiên cố sau khi cả thôn cùng Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể địa phương vận động được 30 triệu đồng và 30 ngày công, cùng 60 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước bà và con cháu đã có nhà mới để ở. Không dừng ở đó, Ban Công tác Mặt trận còn trực tiếp làm việc với các con của bà Sinh, động viên các cháu chăm chỉ làm ăn, hoàn trả chi phí công thợ theo phương án trả dần từng tháng, tạo điều kiện giúp gia đình an cư, yên tâm ổn định cuộc sống.

Những con số như 15.868 căn nhà khởi công hay gần 200.000 ngày công chỉ phản ánh một phần ý nghĩa của chương trình. Điều quan trọng hơn cả là một “hạ tầng lòng Dân” đã được hình thành, nơi cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng lòng đồng sức, sẻ chia trách nhiệm, chung tay vun đắp an sinh từ những viên gạch đầu tiên.

Mỗi căn nhà mới không chỉ là chỗ che mưa nắng, mà là minh chứng sống động của một chính quyền không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây không chỉ là nỗ lực giảm nghèo, mà còn là hành trình chấn hưng niềm tin, nền móng bền vững nhất của công cuộc đổi mới hôm nay.

Bài, ảnh: Hảo Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chung-tay-xoa-nha-tam--nha-dot-nat/202507/ha-tang-long-dan-96014f5/