Hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước; khắc phục vướng mắc, bất cập, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Sáng nay, 22.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Hạn chế việc tăng chi phí của doanh nghiệp

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật đã thể chế hóa khá đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước; khắc phục vướng mắc, bất cập, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông phải xuất phát từ thực tiễn bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng giao thoa hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, phát thanh truyền hình, điện ảnh ngày càng gia tăng; bổ sung đầy đủ hơn để đánh giá tác động của các chính sách mới trong dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, việc bổ sung các loại hình dịch vụ này nhằm quản lý kịp thời các dịch vụ ứng dụng mới xuất hiện hoạt động trên nền tảng internet mà không sử dụng tài nguyên số, phụ thuộc vào kết nối viễn thông. Mặt khác, các dịch vụ mới này được sử dụng phổ biến nhưng vẫn chưa được điều chỉnh đầy đủ trong pháp luật hiện hành, do đó cần có chế tài để quản lý, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, an toàn an ninh. Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tính toán thật hợp lý vì nếu quy định quá chặt sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích phát triển các dịch vụ mới.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cần cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí của doanh nghiệp và phù hợp với cam kết quốc tế.

Quy định rõ tiêu chuẩn quốc gia của hạ tầng kỹ thuật viễn thông

Góp ý về công trình viễn thông có sự chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, đại biểu Vương Quốc Thắng nêu rõ, tại Điều 3 dự thảo Luật quy định “Công trình viễn thông là công trình xây dựng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà, trạm, cột, cống, bể) và thiết bị mạng được lắp đặt vào đó”. Chính vì vậy, công trình viễn thông và việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động viễn thông.

Theo đại biểu, chính sách về nội dung này đã được đề cập và quy định tại Điều 45 của Luật Viễn thông năm 2009, tuy nhiên thực tiễn hiện nay, nhất là ở các khu chung cư, tòa nhà cao tầng, khu đô thị, đang xảy ra tình trạng người dân phải sử dụng giá cước cao mà không có cơ hội sử dụng dịch vụ viễn thông của nhà mạng khác vì không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Để tháo gỡ vấn đề này, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng, cụ thể về: tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của hạ tầng kỹ thuật viễn thông trong các tòa nhà chung cư, khu đô thị; trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư trong thiết kế, xây dựng các công trình xây dựng.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng đề nghị bổ sung vào điểm b, khoản 2, Điều 15 dự thảo Luật nội dung “không được phép tự thiết lập, lắp đặt hạ tầng viễn thông để kinh doanh dịch vụ viễn thông” vì trong thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng người dân tự ý thiết lập, lắp đặt hạ tầng không bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện nhằm bán lại dịch vụ viễn thông và khi phát hiện đều giải trình là không bán dịch vụ mà chỉ dùng chung theo gia đình. Hiện tượng này đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Cũng tham gia thảo luận, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu rõ, tại khoản 25 Điều 3 dự thảo Luật quy định “Phương tiện thiết yếu là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông sở hữu hoặc sở hữu phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật”. Đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu hơn đối với những nội dung “sở hữu hoặc sở hữu phần lớn”, “việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này”.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng đề nghị bỏ nội dung “Chính phủ quy định việc xác định danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý; việc xác định danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý” tại Điều 18 của dự thảo Luật.

Bởi, nội dung này chưa phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018 về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dựa trên các tiêu chí: sức mạnh thị trường đáng kể và thị phần trên thị trường liên quan. Các tiêu chí, yếu tố này được áp dụng nhằm xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả lĩnh vực viễn thông. “Vì vậy, bỏ quy định này để bảo đảm thống nhất với Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nói.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/ha-tang-so-la-thiet-yeu-bao-dam-an-toan-thong-tin-mang-la-then-chot-i333431/