Hạ tầng xanh và chiếu sáng xanh – hướng đi của đô thị tăng trưởng xanh, bền vững
Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong đó, những giải pháp về quy hoạch hiệu quả có quan hệ mật thiết với chiếu sáng xanh.
Ngày 3.5, tọa đàm "Hạ tầng xanh và chiếu sáng xanh – Hướng đến đô thị tăng trưởng xanh và bền vững” diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), phối hợp cùng Hội Chiếu sáng Việt Nam, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) tổ chức.
Qua buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, đại biểu đề xuất giải pháp về chiếu sáng xanh, trong đó xoay quanh việc ứng dụng công nghệ LED nhằm phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam.
Vướng mắc trong “LED hóa” đô thị
Đề cập tới lợi ích trong việc sử dụng đèn LED chiếu sáng đô thị, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, chia sẻ: “Đèn LED (Light Emitting Diode) là một trong những sản phẩm của công nghệ chiếu sáng xanh, khác với đèn dây tóc, đèn huỳnh quang… Tuổi thọ của đèn LED dao động từ 30.000 đến 50.000 giờ giúp cho chi phí thay thế được giảm đáng kể. Đồng thời, đèn LED có khả năng tái chế cao và giảm 1/3 lượng carbon thải ra môi trường so với các loại đèn khác”.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cũng nhấn mạnh vai trò của đèn LED trong đời sống đô thị, có thể giảm 65-70% điện năng tiêu thụ, giảm phát thải khí carbon, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Lấy dự án chiếu sáng đô thị thông minh thí điểm tại thành phố Hội An (Quảng Nam) làm minh chứng, PGS-TS. Lưu Đức Hải nhận định, thành phố tiết kiệm được khoảng 52.533 kWh mỗi năm bằng đèn LED 80W, thiết bị điều chỉnh độ sáng thông minh theo thời gian cùng lưu lượng giao thông, được giám sát và điều khiển trực tuyến tại một số tuyến chính, thay thế đèn chiếu sáng công nghệ cũ.
Đóng vai trò quan trọng trong việc “xanh hóa” đô thị, tuy nhiên, hiện nay chiếu sáng xanh còn một số thiếu sót về vấn đề quản lý và văn bản pháp luật. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, dịch vụ chiếu sáng đô thị là dịch vụ công ích, được xác định theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10.4.2019 về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
“Thế nhưng, Nghị định chưa đề cập tới tính chất đặc thù của một số dịch vụ công, đặc biệt đối với các dịch vụ mang tính hệ thống, mạng lưới như thu gom, vận chuyển thoát nước và chiếu sáng công cộng,… cần phải được quản lý, khai thác, vận hành thống nhất, đồng bộ chứ không thể cắt khúc hay phân chia để quản lý theo đơn vị hành chính cơ sở”, ông Hải chia sẻ, đồng thời cho rằng yếu tố này dẫn đến bất cập trong quản lý và vận hành chiếu sáng công cộng ở các đô thị nước ta.
Ngoài lý do trên, PGS-TS. Lưu Đức Hải còn đưa ra một số nguyên nhân khác như vấn đề kinh phí đầu tư cho dịch vụ chiếu sáng công cộng còn hạn chế. Bên cạnh đó, khoảng 50% các loại hình chiếu sáng tại Việt Nam được “LED hóa” nhưng còn mang tính chất tự phát, thử nghiệm vì chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm chiếu sáng LED để đưa vào quản lý.
Theo TS. Lê Hải Hưng, Ban Khoa học công nghệ, Hội Chiếu sáng Việt Nam, Hà Nội là nơi có tỉ lệ “LED hóa” thấp nhất cả nước: “Hiện tại Hà Nội có 229.272 bộ đèn chiếu sáng công cộng trong đó có 27.280 bộ đèn LED, đạt tỷ lệ 11,9%. Tổng công suất điện: 29.995 kW” .
Trình bày về đặc điểm hệ thống chiếu sáng công cộng tại thành phố Hà Nội, ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị - Hapulico) cũng nhắc tới tỉ lệ đèn LED phủ khắp thành phố còn chênh lệch khi tuyến chiếu sáng ngõ xóm gặp khó khăn trong công tác quản lý so với tuyến chiếu sáng đường phố. Cụ thể, hiện tượng câu móc điện trái phép còn diễn biến phức tạp khi nhiều hộ dân sử dụng hệ thống cáp cấp điện đi nổi, đèn treo sát ban công… Trước vấn nạn ấy, việc “LED hóa” khắp các đô thị Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng còn gặp không ít trở ngại.
Cần phải có quy định của Nhà nước về hệ thống chiếu sáng công cộng giữa đầu tư theo hình thức PPP? Ảnh minh họa. Nguồn: HQ Online
Lý giải vấn đề Hà Nội chưa “LED hóa” toàn thành phố, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Hapulico, cho rằng quy mô thành phố quá lớn nên không thể chuyển sang đèn LED toàn diện trong một thời gian ngắn. Thay vào đó, từng bước thay mới đèn LED là giải pháp hiện nay đang được vận hành. Ông Tuấn cũng kiến nghị cần phải có quy định của Nhà nước về hệ thống chiếu sáng công cộng giữa đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) sao cho hài hòa lợi ích giữa đôi bên.
“Chiếu sáng xanh là một quá trình, không phải một thời điểm”
Hiện nay, các đơn vị trong nước vẫn đang nỗ lực tiệm cận với chiếu sáng xanh, điển hình bằng cách số hóa hệ thống chiếu sáng công cộng. Dưới góc độ là một đơn vị thực hiện chuyển đổi số hệ thống này trên 22 quận tại thành phố Hà Nội, ông Lê Trung Kiên cho biết, trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố kết nối với các tủ điều khiển ngoài trời qua mạng 3G, 4G, kiểm soát toàn bộ hoạt động tắt, mở đèn…
Đồng thời, qua ứng dụng Hapulico - Smart trên điện thoại, chính quyền, người dân hay các đơn vị điện lực có thể đối chiếu các dữ liệu điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, ông Lê Trung Kiên còn đề xuất mô hình trung tâm không chỉ điều khiển hệ thống chiếu sáng mà còn tích hợp hệ thống giao thông, giám sát mức nước...
Theo TS. Trần Ngọc Linh (Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng), Việt Nam đang từng bước xây dựng phát triển đô thị thông minh. Ông đề xuất làm rõ các thành phần của chiếu sáng xanh, có thể là nguyên vật liệu để sản xuất bóng đèn, hệ thống điều khiển, cảm biến, dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị chiếu sáng, chất lượng ánh sáng. Đồng thời, TS. Trần Ngọc Linh đưa ra giải pháp tham khảo tiêu chuẩn ISO 37122 về “Cộng đồng và đô thị bền vững – Các chỉ số cho đô thị thông minh” do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, trong bối cảnh nước ta chưa có tiêu chí về chiếu sáng xanh.
Nhận định hiện nay khái niệm và quy chuẩn về tăng trưởng xanh, chiếu sáng xanh còn sơ lược và rất cần được hoàn thiện trên văn bản pháp luật, ông Đỗ Quốc Khánh (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) nêu quan điểm: “Chiếu sáng xanh gồm hai nhóm chính: Quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng và sản xuất thiết bị chiếu sáng. Vì vậy, hệ thống văn bản pháp luật cần song hành với các nhóm này”.
“Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong đó, những giải pháp về quy hoạch hiệu quả có quan hệ mật thiết với chiếu sáng xanh. Ngoài ra, dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị có một chương đề cập tới hạ tầng đô thị, trong đó lồng ghép các yếu tố về chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, trong quyết định số 1874/QĐ-TTg Phê duyệt Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 ngày 11.10.2010, chúng tôi dự kiến sẽ sửa đổi một số giải pháp sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, nhất là việc sử dụng đèn năng lượng mặt trời, vì trên thực tế, hoạt động này ít được thực thi. Do đó, để hướng tới chiếu sáng xanh, cần cả quá trình chứ không phải thời điểm”, ông Đỗ Quốc Khánh chia sẻ.
TS. Nguyễn Đức Thắng, nguyên Phó Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bày tỏ băn khoăn: “Khi nào Việt Nam mới có chiếu sáng xanh”. Dựa trên phân tích dữ liệu, ông dự đoán sau khoảng 10-15 năm nữa Việt Nam mới có chiếu sáng xanh vì nước ta còn chi nhiều cho nhập khẩu than và hệ số phát thải carbon vẫn còn cao.
Tuy nhiên, sự “cất tiếng” của các nhà khoa học, những đề xuất về luật hóa từ khái niệm đến công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng sẽ rút ngắn khoảng cách nước ta tiến tới “Hạ tầng xanh và chiếu sáng xanh – Hướng đến đô thị tăng trưởng xanh và bền vững”, giống như chủ đề mà tọa đàm đã đặt ra.
Bài và ảnh: Minh Trang