Hạ tầng yếu kém, gầm cầu Vĩnh Tuy thường xuyên ngập úng
Hạ tầng yếu kém, công tác thoát nước phụ thuộc nhiều vào khả năng thoát nước của tuyến cống phố Minh Khai và mương Vĩnh Tuy… là những nguyên nhân khiến phố Minh Khai, đoạn gầm cầu Vĩnh Tuy thường xuyên rơi vào tình trạng ngập úng khi có mưa lớn.
Nhiều bất cập
Theo lãnh đạo Xí nghiệp 3, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hạ tầng thoát nước khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy là tuyến cống D1000 (bên số nhà lẻ) và tuyến cống D1000, BxH=0,75x0,75m (bên số nhà chẵn) và được chia thành hai hướng.
Trong đó, hướng 1 (hướng thoát chính): Thoát ra cống hóa mương Vĩnh Tuy (chạy ngang phố Vĩnh Tuy, dưới gầm cầu Vĩnh Tuy, đoạn phố Dương Văn Bé) - sông Kim Ngưu. Hướng 2: Thoát vào cống D800 trên phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy đến sông Kim Ngưu) rồi chạy vào sông Kim Ngưu. Song, tại vị trí đấu nối của tuyến cống D1000 với cống hóa mương Vĩnh Tuy (cống BxH=2x2m), cống D1000 ngập hoàn toàn trong nước do đoạn cống BxH=2x2m có cao độ thấp hơn.
Theo lãnh đạo Xí nghiệp 3, có nhiều nguyên nhân khiến khu vực này thường xuyên rơi vào tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ những bất cập của hạ tầng thoát nước. Cụ thể, trên phố Minh Khai, vị trí úng ngập cao độ mặt đường thấp hơn so với khu vực khoảng 0,3m (+5.44/5.74). Do đó, khi mưa, nước dồn về nhanh gây ra ngập úng.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước trong khu vực lại phụ thuộc vào khả năng thoát nước của tuyến cống Minh Khai và cống hóa mương Vĩnh Tuy. Tại đây, cống hóa mương Vĩnh Tuy đã thi công nhưng chưa bàn giao, lượng bùn trong lòng cống dao động từ 0,4 - 0,6m. Độ cao đáy cống hóa mương không đảm bạo độ dốc thủy lực, đặc biệt là vị trí qua gầm cầu Vĩnh Tuy (đáy cống đoạn qua gầm cầu Vĩnh Tuy chìm sâu hơn đáy cống thượng, hạ lưu khoảng 1,5m).
Tiếp đó, đoạn hạ lưu mương Vĩnh Tuy chảy ra sông Kim Ngưu (khoảng 29m) bị co hẹp dòng chảy dẫn đến giảm khả năng tiêu thoát nước trên toàn tuyến. Đồng thời, tuyến mương này hiện đang tiếp nhận nước từ các mương khác như: 108 Vĩnh Tuy, Vùng Cá, xóm 6 Vĩnh Hưng dẫn đến mực nước trên hệ thống dâng cao khi mưa.
Tăng cường năng lực thoát nước
Lãnh đạo Xí nghiệp 3 cho biết: Để hạn chế tình trạng ngập úng trong khu vực, đơn vị đã tăng cường nạo vét cống ngang tại điểm úng ngập và các khu vực xung quanh. Tổ chức thu dọn tấm chắn, vật cản trên các miệng ghi thu, hàm ếch trước mưa. Đồng thời, vận hành kịp xe bơm di động để tăng khả năng đưa nước ra sông Kim Ngưu. Phối hợp vận hành kịp thời cống quay sông Kim Ngưu nhằm hạ mực nước trên hệ thống.
Hiện tại, đơn vị đã đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư Xây dựng cấp nước, thoát nước và môi trường TP yêu cầu đơn vị thi công thanh thải bùn đất trong lòng cống hóa mương Vĩnh Tuy, gói thầu K5B. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công phần còn lại (khoảng 198m) mương hở dự án cống hóa mương Vĩnh Tuy, đoạn từ phố Minh Khai đến phố Vĩnh Tuy.
Trong khi đó, ông Phan Hoài Minh - Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cùng với các giải pháp duy tu, ứng trực, để giải quyết tình trạng úng ngập tại khu vực này, cần phải xem xét đến các biện pháp xây lắp. Cụ thể, các đơn vị chức năng cần xem xét lắp đặt cống hộp BxH=2x2m chiều dài 20m trên dốc Minh Khai, đoạn qua đường từ mương Vĩnh Tuy sang cống hóa mương Lạc Trung để phân lưu nước từ mương Vĩnh Tuy sang cống hóa mương Lạc Trung. Tiến hành lắp đặt cống hộp BxH2x2m chiều dài 7m trên phố Vĩnh Tuy để khớp nối 2 dự án của Ban Quản lý Dự án cấp thoát nước và môi trường TP. Lắp đặt bổ sung tuyến cống 3 D1000 phía trên đình cống hộp tại gầm cầu Vĩnh Tuy để giải quyết tình trạng chảy xi phông.
Ngoài ra, đề nghị Ban Quản lý dự án quận Hoàng Mai đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng đường Tam Trinh để cống hóa đoạn hạ lưu mương Vĩnh Tuy ra sông Kim Ngưu nhằm đảm bảo tiết diện thoát nước.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tang-yeu-kem-gam-cau-vinh-tuy-thuong-xuyen-ngap-ung.html