Hà Tĩnh: Các lực lượng chức năng đội nắng, trắng đêm cứu rừng

Những ngày vừa qua, vùng đất 'chảo lửa' Hà Tĩnh nóng gay gắt dao động từ 37 - 42 độ C. Liên tiếp nhiều vụ cháy rừng xảy ra do nắng nóng, người dân và các lực lượng chức năng đã trắng đêm để dập tắt các đám cháy.

Các lực lượng chức năng và người dân đã trắng đêm để dập tắt các đám cháy.

Tập trung cao độ, ứng trực 24/24

Nắng nóng gay gắt vẫn đang diễn ra trên diện rộng, nền nhiệt độ luôn ở mức cao, nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm về cảnh báo cháy rừng.

Trước nguy cơ cháy rừng ở Hà Tĩnh đang ở cấp độ cao, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát PCCCR; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, kiểm soát người ra, vào các khu vực trọng điểm dễ cháy; chủ động “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng cứu chữa cháy rừng khi mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCCR. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm nắng nóng… Các ngành chức năng có liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và xem xét trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị chủ rừng dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp không đảm bảo an toàn PCCCR ở các khu rừng trọng điểm, nguy cơ cháy cao; phối hợp điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, việc phòng chống cháy rừng phải là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Xảy ra cháy rừng còn ảnh hưởng đến tổng thể môi trường trước mắt và lâu dài. Việc cháy rừng và trồng lại rừng phải mất nhiều năm. Việc quản lý chặt chẽ người vào rừng, chủ động dọn thực bì, đồng thời làm ngay đường băng cản lửa và phải có trực gác 24/24 ở tại các khoảnh, tiểu khu ngay tại các gia đình, Ban quản lý rừng. Ở những khu rừng đang cháy hiện nay, khoanh tạo ra đường băng cản lửa, tuyệt đối không để cháy trở lại.

Cháy rừng diễn ra ở nhiều nơi

Vào khoảng 13h chiều ngày 28/6, tại khu vực rừng thông tiểu khu 92A thôn 7, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) xảy ra một vụ cháy rừng lớn. Từ điểm phát cháy ban đầu, ngọn lửa sau đó lan rộng sang các khu rừng thuộc tổ dân phố 2, 3 thị trấn Xuân An.

Ngay khi nhận được tin báo cháy rừng, huyện Nghi Xuân đã huy động hơn 400 người gồm các lực lượng: Kiểm lâm, bộ đội, công an và bà con nhân dân địa phương cùng các phương tiện tập trung dập lửa.

Ngọn lửa quá lớn và gió thổi mạnh nên lực lượng tham gia chữa cháy phải di chuyển về phía Bắc để phát quang mở rộng đường băng cản lửa, ngăn chặn không cho đám cháy lan rộng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng cho biết: Đám cháy lan rộng, vượt qua đường băng cản lửa. Đến cuối chiều đã có khoảng 1.000 người thuộc các đơn vị Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh… và các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực tham gia chữa cháy cũng như hỗ trợ di dời tài sản của 80 hộ dân, tránh những thiệt hại về người và tài sản.

Đến 19h cùng ngày, vụ cháy càng trở nên phức tạp, khó lường. Ngoài việc huy động các phương tiện trong tỉnh, Nghệ An đã hỗ trợ thêm 5 phương tiện chữa cháy hiện đại giúp Hà Tĩnh ứng cứu.

Liên quan đến vụ cháy rừng ở huyện Nghi Xuân, cơ quan điều tra đang tạm giữ một người đàn ông trú ở thôn 7 xã Xuân Hồng để điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Trong khi đó, tại khu vực núi Bụt xã Phú Lộc (huyện Can Lộc) cũng đã xảy ra cháy lớn. Lực lượng chức năng huyện Can Lộc cùng người dân địa phương đã tiến hành các biện pháp chữa cháy. Ước tính thiệt hại gần 3ha chủ yếu là tràm, thông.

Tại đồi thông Linh Cảm xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ) cũng đã xảy ra một đám cháy lớn, một số diện tích rừng thông bị thiêu rụi và ảnh hưởng tới trạm điện hạ thế 6 KVA.

Vào khoảng 12h ngày 27/6 tại xã Sơn Trung (huyện Hương Sơn) do thời tiết nắng nóng, gió lại thổi mạnh nên trong một thời gian ngắn, ngọn lửa bùng phát khắp quả đồi. Sau đó cháy lan xuống sàn phần đất khu dân cư đang sinh sống. Để tránh nguy hiểm cho người dân, chính quyền địa phương đã cho sơ tán một số hộ sống cạnh quả đồi, đồng thời huy động toàn thể lực lượng tại địa phương tham gia dập lửa.

Tại huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Huy Đông - Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh cho biết: Trên địa bàn liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy từ chiều 26/6 đến rạng sáng 27/6, thiêu rụi hơn 50ha rừng keo từ 1-3 năm tuổi.

Thời tiết nắng nóng kéo dài, trong hơn 1 tháng qua, Hà Tĩnh có hơn 30 điểm phát lửa, trong đó nhiều vụ cháy rừng, làm hư hại hàng chục ha rừng các loại.

Các vụ cháy lan ra 2-3 điểm rừng trong đêm gây khó khăn trong việc huy động, phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đã liên tiếp xảy ra 10 vụ cháy với quy mô lớn nhỏ khác nhau, gây thiệt hại đáng kể về diện tích rừng.

Chiều 29/6, địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng xảy ra cháy lớn tại khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Được biết, trong hơn 1 tháng qua, Hà Tĩnh có hơn 30 điểm phát lửa, trong đó nhiều vụ cháy rừng, làm hư hại hàng chục ha rừng các loại.

Phương Dung - Phi Long

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-tinh-cac-luc-luong-chuc-nang-doi-nang-trang-dem-cuu-rung.html