Hà Tĩnh: Cần chú trọng triển khai chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu theo tinh thần Nghị quyết
Nghị quyết số 113/2023 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn trong 2024-2025 đã đưa ra 5 chính sách trong đó duy trì 2 chính sách và bổ sung 3 chính sách mới. Tuy nhiên, hiện nay công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics còn nhiều hạn chế, chưa khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế và hiệu quả còn thấp chưa đáp ứng được chính sách hỗ trợ mà Nghị quyết đề ra.
Theo quy hoạch, cảng Vũng Áng là khu bến tổng hợp cho tàu trọng tải 3 - 5 vạn DWT, tàu container sức chở 4.000 TEU; có bến chuyên dùng nhập than phục vụ trung tâm nhiệt điện cho tàu trọng tải 3 - 10 vạn DWT, bến tiếp nhận sản phẩm lỏng của tổng kho xăng dầu cho tàu trọng tải đến 3 vạn DWT. Theo quy hoạch giai đoạn hoàn thiện với 17 bến (11 bến cảng tổng hợp, container; 06 bến chuyên dùng).
Hiện nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào khai thác 6 bến, trong đó 2 bến thương mại, năng lực xếp dỡ 1,32 triệu tấn/năm, 2 bến chuyên dùng sản phẩm dầu của Tổng kho xăng dầu, 2 bến chuyên dùng nhập than của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1; 04 bến cảng tổng hợp đang được đầu tư xây dựng (các bến số 3, 4, 5, 6). Chuẩn bị đầu tư bến chuyên dùng của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2.
Bên cạnh đó, cảng Sơn Dương được quy hoạch là khu bến chuyên dùng, có bến cho tàu trọng tải đến 30 vạn DWT nhập than, quặng, dầu thô, bến cho tàu trọng tải 3 - 5 vạn DWT xuất sản phẩm và hàng khác phục vụ trực tiếp cho liên hợp luyện thép, lọc hóa dầu và cơ sở công nghiệp; có bến tổng hợp, container và bến trung chuyển than nhập khẩu dự phòng phát triển phục vụ các trung tâm nhiệt điện trong khu vực.
Ngoài đường biển, Khu kinh tế Vũng Áng có điều kiện thuận lợi về đường bộ: Nằm trên trục giao thông quốc gia, Quốc lộ 1A chạy qua trục trung tâm khu kinh tế với chiều dài 30km, Quốc lộ 12A với khoảng cách từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Lào ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác (đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Quảng Bình 143km, đến cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh 180km) và đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan là 310km (bằng 2/5 tuyến đường bộ ra biển phía Nam Thái Lan). Đây cũng là cửa ngõ ra biển ngắn nhất của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Vũng Áng là khu vực có vị trí trung tâm kết nối của đường biển và hệ thống đường bộ quốc gia đối với các khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ và cả nước.
Theo định hướng phát triển, Khu kinh tế Vũng Áng được quy hoạch xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương là trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, trung tâm logistics tại Vũng Áng công suất khoảng 16,3 triệu tấn/năm. Khi trung tâm logistics tại Vũng Áng bão hòa công suất thiết kế, tiếp tục xây dựng trung tâm logistics tại Sơn Dương công suất khoảng 22,5 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, hiện nay công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics còn nhiều hạn chế, chưa khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế nói trên. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để tăng cường công tác thu hút đầu tư, phối hợp tích cực xây dựng chương trình hợp tác giữa các hiệp hội logistics/hiệp hội ngành nghề của các địa phương, thông qua đó thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp.
Khẩn trương xây dựng cơ chế khung để thu hút nhiều doanh nghiệp logistics lớn đầu tư và hoạt động tại khu vực, đồng thời thúc đẩy hình thành đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung bộ với cả nước, khu vực và thế giới.