Hà Tĩnh chủ động phòng trừ sâu bệnh cuối vụ trên lúa hè thu
Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, chính quyền địa phương, bà con nông dân Hà Tĩnh cần chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh cuối vụ như rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn.
Chủ động phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cuối vụ
Đến thời điểm này, sâu cuốn lá nhỏ trên lúa hè thu Hà Tĩnh đã không còn nhiều khả năng gây hại nhưng hơn 10.000 ha (chiếm gần 25% diện tích) tiếp tục nằm trong “tầm ngắm” của rầy nâu, rầy lưng trắng.
Tại huyện Cẩm Xuyên, cách đây hơn 1 tuần, một số chân ruộng tại xã Cẩm Dương cục bộ xuất hiện các ổ rầy với mật độ cao. Xã đã gấp rút tổ chức bổ cứu, chỉ đạo bà con nông dân tổ chức phun trừ đối với số diện tích này.
Ông Hoàng Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) cho biết: “Hiện nay, qua thăm đồng, chúng tôi đã cơ bản khống chế các ổ rầy này. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ như thế này thì rầy vẫn có thể nhân nhanh về số lượng chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhất là ở các vùng gieo cấy sau, đang vào cuối giai đoạn làm đòng - trổ bông”.
Trên thực tế, tập đoàn rầy tiếp tục gia tăng và thường gây hại trong giai đoạn lúa trổ, đặc biệt hại nặng khi lúa vào chắc xanh - chín. Trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cao, dễ có nguy cơ bùng phát diện rộng và gây cháy rầy cuối vụ đặc biệt tại các vùng sâu trũng thấp, gieo cấy dày và tại những vùng rầy đã phát sinh gây hại từ đầu vụ.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Qua điều tra cho thấy, rầy có mật độ trung bình 500 - 700 con/m2, phân bố ở Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh,… Vào giai đoạn này, rầy tiếp tục tích lũy, tập trung từng ổ cục bộ trên đồng ruộng; sẽ còn phát sinh gây hại từ nay đến cuối vụ, có thể gây cháy cục bộ ở một số diện tích nếu bà con nông dân không chú trọng phòng trừ kịp thời”.
Cũng theo ngành chuyên môn, thời điểm này, bà con nông dân cần thăm đồng, theo dõi diễn biến, chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời với các vùng nhiễm trên 1.000 con/m2 để diệt trừ tận gốc, hạn chế sự phát sinh ở lứa tiếp theo. Vào giai đoạn lúa đã chín sáp đến chín, gốc lúa già, không có khả năng vận chuyển các chất từ ngọn xuống nên khi phun trừ, người dân cần vạch gốc theo hàng và phun trực tiếp vào các gốc lúa có rầy để đảm bảo hiệu quả phòng trừ.
Theo dõi sát bệnh khô vằn
Thời điểm này, bà con nông dân nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang “đau đầu” đối phó với bệnh khô vằn tấn công lúa hè thu trên những diện tích còn lại ở giai đoạn làm đòng - trổ. Anh Trần Văn Minh (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) cho biết: "Tôi gieo cấy 7 sào thì 5 sào bị nhiễm bệnh khô vằn. Một số diện tích nhiễm nặng tôi đã phun thuốc nhưng vẫn chưa hết lo khi các chân ruộng vụ này phát triển rậm rạp, ẩm độ bên trong tán lá tăng cao, bệnh rất dễ lây lan”.
Can Lộc hiện là địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn đứng tốp đầu của tỉnh (trên 900 ha), tỷ lệ gây hại 7 - 10%, nơi cao 20 - 25%, tập trung nhiều ở các xã Xuân Lộc, Vượng Lộc, Thuần Thiện, Tùng Lộc…; đặc biệt là trên những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm.
Ông Phạm Ngọc Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc thông tin: “Năm nay lúa hè thu của huyện phát triển tốt, dày rậm, ẩm độ bên trong tán lúa tăng cao. Khi gặp trời mưa giông, nóng ẩm thích hợp cho nấm bệnh phát sinh và lây lan. Huyện tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân theo dõi đồng ruộng, phun thuốc đối với số diện tích chưa trổ thoát (hơn 1.500 ha)”.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, toàn tỉnh có hơn 2.450 ha lúa đã bị nhiễm bệnh khô vằn. Bệnh xuất hiện trên những chân ruộng sâu trũng, gieo cấy bón thừa đạm, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh (tỉ lệ trung bình 3 - 7%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 25 - 35%). Dự báo thời tiết tiếp tục nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa giông từ nay đến cuối vụ hè thu rất thuận lợi cho quá trình phát sinh, gây hại của bệnh khô vằn. Các địa phương cần theo dõi tình hình thời tiết, thời điểm trổ bông của từng loại giống và cơ cấu giống để quyết định các phương án phòng trừ phù hợp, đúng lúc.
Ngoài ra, hiện nay, bệnh bạc lá cũng đã gây hại cục bộ một số diện tích ở Nghi Xuân, Lộc Hà, Đức Thọ trên giống BT09, Thái xuyên 111; tiếp tục phát sinh và có xu hướng lây lan gây hại nặng, đặc biệt sau các đợt mưa kèm theo gió lớn, trên các chân đất lầy thụt, diện tích bón phân không cân đối (bón thừa đạm).
Vừa qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Thọ đã đi kiểm tra tiến độ trổ và tình hình sâu bệnh trên lúa hè thu ở một số địa phương. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý, lúa hè thu cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt, đang bước vào đợt trổ bông tập trung. Đây là giai đoạn sinh trưởng đặc biệt quan trọng của lúa, quyết định cơ bản đến năng suất cuối vụ. Trong khi đó, thời tiết còn diễn biến thất thường, một số đối tượng sâu bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, bệnh bạc lá tiếp tục có nguy cơ cao gây hại.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các địa phương tiếp tục chỉ đạo hệ thống chuyên môn theo sát, kiểm tra sát đồng ruộng, đặc biệt là đối với các trà lúa trổ muộn; xác định thời gian trổ của từng trà lúa, cánh đồng, vùng sinh thái, loại giống để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân phun phòng bệnh, đảm bảo thắng lợi vụ lúa hè thu 2024.