Hà Tĩnh đề nghị công nhận 3 bảo vật quốc gia
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật cổ, gồm: Kiệu rước tiến sĩ vinh quy, Sập dạy học Trường học Phúc Giang và Ấn triện của tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh.
Kiệu rước tiến sĩ vinh quy được làm vào năm 1748 để rước Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) khi ông đỗ Đình nguyên Thám hoa, sau đó là rước Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) vào năm 1772 khi ông đỗ Tiến sĩ vinh quy bái tổ. Về sau, kiệu được dùng để rước các vị Thiên thần và Nhân thần trong các lễ Kỳ phúc của làng Trường Lưu.
Kiệu được làm bằng gỗ dổi, dài 3,22m, rộng 1m và cao 1,06m (cả lọng tháo rời là 1,71m); nặng 28kg. Kiệu có đòn khiêng dài 3,22m được chạm trổ tinh vi hình mắt và hình rồng; ở giữa có ghế ngồi 84cm x 76,5cm và lọng tháo rời khi không sử dụng cao 0,65m. Tình trạng kiệu được bảo quản nguyên vẹn, là hiện vật độc bản có nhiều giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung ở thế kỷ XVIII.
Sập dạy học ở Trường học Phúc Giang là hiện vật được Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh dùng để phục vụ cho việc dạy học. Đây là nơi ông ngồi để giảng bài cho học trò từ năm 1732, khi mới đỗ kỳ thi Hương. Tiếp sau, sập còn được nhiều nhà giáo tại Trường học Phúc Giang và nhiều danh sĩ khác sử dụng khi về đây dạy học. Sập được làm bằng gỗ lim, dài 1,51m, rộng 1,45 m, cao 0,33 m, nặng 95 kg. 4 trụ của sập được chạm khắc hình thú tinh xảo. Sập là hiện vật độc bản gắn liền với Trường học Phúc Giang, nơi đào tạo hơn 30 tiến sĩ cho đất nước trong chế độ phong kiến.
Ấn triện của tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh chất liệu bằng ngà voi, hình lục giác cao 1,2cm, diện tích 2,6cm x 2,4cm, nặng 20g. Theo tục lệ thời xưa, các nhà nho đều có dấu để in vào các tư liệu liên quan, các vị đỗ đạt, làm quan thường có ấn riêng. Cụ Nguyễn Huy Quýnh đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn 1772, tham gia quan trường làm đến chức Trực giảng ở Quốc Tử Giám. Mỗi khi có giao dịch, ông thường dùng ấn triện của mình. Ấn triện Nguyễn Huy Quýnh là độc bản được con cháu bảo quản tại nhà thờ ông ở xã Kim Song Trường (Can Lộc).
Cả 3 hiện vật kể trên đều là những cổ vật độc bản, có tuổi đời hàng trăm năm, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương Hà Tĩnh nói riêng và dân tộc nói chung, được con cháu dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu bảo quản nguyên vẹn.
Làng Trường Lưu (trước thuộc xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang; nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ngôi làng cổ có tuổi đời hơn 600 năm này được biết đến với dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng cả nước với những tên tuổi đỗ đại khoa và đều có sự nghiệp thơ văn nổi tiếng. Ngôi làng còn nổi tiếng với các di sản tư liệu. Cuối tháng 6/2023, 3 di sản của làng cổ này đã được UNESCO ghi danh là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình dương, là Mộc bản Trường học Phúc Giang, sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ và Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm.
Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt, tới nay nhiều di sản văn hóa vẫn được bảo quản rất tốt, và nhiều di tích được công nhận cấp quốc gia. Ngay sau khi có Nghị quyết TW5 (khóa VIII), Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TU của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa.
Riêng về di sản văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được đặc biệt quan tâm. Trong đó có ca trù, chèo Kiều ở Nghi Xuân; hát sắc bùa ở Kỳ Anh; ví phường vải ở Can Lộc; hát giặm ở Thạch Hà; ví đò đưa ở Đức Thọ; lễ hội cầu Ngư ở Cẩm Xuyên… Các lễ hội truyền thống như đua thuyền ở xã Trung Lương, thị trấn Hương Khê, xã Cẩm Nhượng; lễ hội Báo ân Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ ở Hồng Lĩnh; lễ hội Chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc; lễ hội Đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu ở Kỳ Anh; lễ hội Đền Chiêu Trưng, chùa Chân Tiên ở Lộc Hà… được khôi phục và phát huy.
Việc thực hiện tốt quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng chính là lưu giữ và trao truyền những giá trị nhân văn cho đời sau.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-tinh-de-nghi-cong-nhan-3-bao-vat-quoc-gia-10269167.html