Hà Tĩnh: Gấp rút chuẩn bị nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam
Trước thực trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) để phục vụ cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), hiện các cơ quan chức năng đang gấp rút tháo gỡ, để dự án về đích đúng tiến độ đề ra.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng phía Đông là công trình trọng điểm Quốc gia. Thế nhưng, vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn vật liệu để thi công dự án đang gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ xây dựng dự án kịp tiến độ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 6/7/2023 về việc phê duyệt bổ sung khu vực khai thác vật liệu xây dựng thông thường vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh.
Theo đó, mỏ cát bãi bồi (thuộc thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) được khoanh định quy mô 3,48 ha với trữ lượng dự kiến khai thác gần 90.000 m3.
Tại Quyết định số 1602, UBND tỉnh Hà Tỉnh tiếp hành cấp phép mỏ cát bãi bồi thuộc thôn Mỹ Yên nhằm phục vụ dự án trọng điểm Quốc gia thuộc công trình cao tốc Bắc Nam, không sử dụng để thực hiện cho bất kỳ mục đích nào khác.
Trước việc UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định phê duyệt mỏ cát tại thôn Mỹ Yên làm vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam, người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã lo lắng về đánh giá tác động môi trường, xác định các mức độ ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng và vấn đề dân sinh.
Tuy nhiên, tại văn bản số 1804/SNN-TL ngày 30/6/2023, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Thủy lợi tỉnh này xác định mỏ khai thác cát cách tràn xả lũ hồ Kẻ Gỗ 1,5km về phía hạ du, nằm ngoài hành lang bảo vệ tràn Dốc Miếu, hồ Kẻ Gỗ; trong khu vực lân cận mỏ cát không có công trình thủy lợi và công trình đê điều nào khác.
Trong khi đó, tại văn bản số 1476/SGTVT-KH2 ngày 30/6/2023, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh thẩm định, xác định vị trí khai thác mỏ cát nằm ở bờ phải tuyến sông Ngàn Mọ, có khoảng cách xa chân đường Quốc lộ 8C, không có ảnh hưởng đến hành lang Quốc lộ này.
Bên cạnh đó, quá trình khảo sát, cơ quan chức năng thuộc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành thẩm định, thống nhất các biện pháp để chống sạt lở như khai thác theo phương án giật cấp mái taluy, đóng hệ thống cọc tre sâu 5-6m, đóng dày dọc tuyến khai thác, những điểm xung yếu thì sử dụng rọ đá, cọc bê tông để gia cố.
Đồng thời, văn bản xác nhận của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thể hiện rất rõ và khẳng định nếu quá trình khai thác có dấu hiệu sạt lở, không an toàn thì bắt buộc phải dừng thi công, đến khi có biện pháp đảm bảo, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới được tiếp tục.
Quá trình khai thác chỉ cho phép lấy độ sâu ngang với đáy sông hiện trạng, vì vậy sẽ chỉ mở rộng dòng sông, không tạo thành vực sâu. Mức độ khai thác ngang đáy sông hiện trạng, vì thế cũng không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm sinh hoạt của người dân.
Trong quá trình khai thác, cơ quan chức năng cũng quy định thời gian khai thác từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày, không khai thác ban đêm. Thời gian khai thác bắt đầu từ ngày 1/12 đến hết ngày 30/9 năm sau. Khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến hết ngày 30/11, ngừng mọi hoạt động khai thác theo quy định; đồng thời phải thu dọn, vận chuyển máy móc, thiết bị phục vụ khai thác trên khu vực mỏ để tránh mùa mưa lũ và việc xả lũ của Hồ Kẻ Gỗ.
Về lộ trình và khối lượng khai thác, cơ quan chức năng cũng quy định trong năm 2023 khai thác khoảng 11.490m3; năm 2024 khai thác khoảng 68.940m3; năm 2025 khai thác khoảng 8.766m3.Về biện pháp bảo vệ môi trường, quy cách vận chuyển cũng được giám sát rất chặt chẽ từ vị trí khai thác vật liệu đến chân công trình.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình theo sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thì nhu cầu vật liệu cát phục vụ cho Dự án xây dựng đường bộ cao tốc hiện tại đang rất cần thiết.
“Đến thời điểm này, đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý để đưa mỏ cát tại thôn Mỹ Yên vào khai thác phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam Vì vậy, việc tiến hành khai thác là vấn đề cấp bách, người dân cần phải đồng thuận với chủ trương của Đảng và Nhà nước, tránh bị xúi giục, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật không đáng có”, ông Hà nói.
Dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua huyện Cẩm Xuyên có tổng chiều dài là 30,5 km; trong đó, tuyến chính Cao tốc có chiều dài 27,03 km, đi qua địa bàn 8 xã (Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc, Cẩm Minh); đường kết nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Cẩm Quan và thị trấn Cẩm Xuyên có chiều dài là 3,2 km. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án là 2.318 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng Dự án đoạn qua huyện Cẩm Xuyên xem như đã hoàn thành, chỉ còn lại hơn 20 hộ dân đang còn một vài vướng mắc, sẽ xử lý hoàn thành và bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 10/2023.