Hà Tĩnh: Kênh thủy lợi 'ngập rác'
Hiện nay, hệ thống kênh thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang mở nước tưới cho cây lúa vụ hè thu. Theo đó, tại rất nhiều tuyến kênh rác thải tràn ngập, ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Video: Rác thải tràn lan, ùn ứ trên kênh thủy lợi ở Hà Tĩnh
Sau nhiều đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, các công trình thủy lợi ở tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung mở nước tưới, phục vụ nhu cầu tỉa dặm, bón thúc cho cây lúa hè thu của Nhân dân. Mỗi đợt mở nước tưới thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày, do vậy tại nhiều tuyến kênh chính, kênh nhánh rác thải trôi nổi dập dềnh dưới lòng kênh, ùn ứ hai bên bờ và tấp đầy các miệng cống.
Tại địa bàn xã Gia Hanh, huyện Can Lộc nơi có hệ thống kênh chính Ngàn Trươi- Linh Cảm đi qua với chiều dài khoảng gần 3km. Ghi nhận dọc tuyến kênh này có ít nhất 4 vị trí ứ đọng rác thải với khối lượng lớn. Rác ở đây chủ yếu là bao bì, chai lọ, túi ni long, thậm chí có cả xác động vật phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hanh Phan Đình Thành cho biết, rác theo nước trôi dạt về ngày càng nhiều, gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường tại một số khu dân cư dọc kênh mương. Việc quản lý, khai thác và vận hành tuyến kênh thuộc về Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh.
“Sau mỗi đợt tưới lúc đó phía công ty mới huy động lực lượng, phương tiện tiến hành trục vớt, xử lý rác một lần. Việc xử lý rác chỉ đốt thủ công tại bờ kênh, địa phương cũng đã nhiều lần đề xuất công ty xây dựng điểm tập kết rác và có phương án phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ môi trường để xử lý nhưng chưa có kết quả cụ thể”, ông Phan Đình Thành thông tin.
Không riêng gì địa bàn huyện Can Lộc, vào vụ mở nước tưới cũng là thời điểm trên các tuyến kênh, nhất là ở khu vực vùng hạ du các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…rác thải sinh hoạt từ thượng nguồn trôi dạt về với khối lượng lớn. Điều này không chỉ gây ách tắc, cản trở dòng chảy cục bộ mà còn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
“Mỗi đợt ra thăm đồng, chăm sóc lúa đều phải đeo khẩu trang để đỡ hôi thối vì rác thải. Ngoài ra, chúng tôi còn phải tiến hành vớt rác, khơi thông dòng chảy lấy nước từ một số tuyến kênh nhánh vào đồng ruộng, giúp cây lúa hè thu sinh trưởng, phát triển”, ông Nguyễn Quang ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà cho biết.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay việc quản lý, khai thác và vận hành hệ thống các công trình thủy lợi thuộc về Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh và Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 200 công trình thủy lợi chịu tác động do hành vi xả rác thải sinh hoạt, chất thải trang trại chăn nuôi và của các cơ sở sản xuất kinh doanh gây nhiều áp lực đến môi trường.
Mặc dù trên thực tế, chính quyền các địa phương và các công ty khai thác vận hành công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân không vứt rác xuống kênh mương đầu nguồn, nghiêm cấm các hành vi vứt trộm rác không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên rác thải sinh hoạt vẫn tràn lan trên các tuyến kênh chính, kênh nhánh, nhất là vào vụ mở nước tưới.
“Đơn vị đã nhiều lần huy động lực lượng, phương tiện trục vớt, xử lý rác, bèo tây, tạo dòng chảy thông thoáng cho đồng ruộng. Tuy nhiên, do ý thức của người dân còn hạn chế, hiện tượng vứt trộm rác sinh hoạt, xác chết động vật xuống kênh đang diễn ra, điều này gây không ít khó khăn, trở ngại trong công tác quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi”, ông Đặng Hòa Bình- Trưởng phòng Quản lý khai thác, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết.
Nhiều tuyến kênh thủy lợi ở Hà Tĩnh rác thải tràn ngập. Trong khi đó, các biện pháp thu gom, xử lý rác không kịp thời đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của Nhân dân. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các công ty thủy lợi thì mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm không vứt rác bừa bãi xuống kênh, gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-kenh-thuy-loi-ngap-rac.html