Hà Tĩnh: Khi châu chấu hoành hành

Châu chấu tre lưng vàng là sinh vật nguy hiểm bởi khả năng tàn phá khủng khiếp. Từ cuối tháng 6/2025 đến nay, châu chấu tre đã gây hại khoảng 10 ha cây trồng vùng ven rừng và đang có nguy cơ lan rộng tại Hà Tĩnh, trong khi việc phòng trừ nạn châu chấu đang gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 6, lần đầu tiên ngành chức năng tại Hà Tĩnh phát hiện châu chấu với mật độ dày đặc, gây hại nặng trên một số loại cây trồng như tre, giang, ngô, cỏ voi, mía… ở khu vực rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, vùng ven rừng thuộc các xã Cẩm Duệ, Cẩm Lạc, Cẩm Hưng... Thống kê ban đầu, số diện tích bị châu chấu tre “đánh phá” khoảng 10 ha. Trong khi đó, thời điểm này lúa hè thu ở tỉnh Hà Tĩnh đang trong giai đoạn đẻ nhánh, là môi trường ưa chuộng của loài sinh vật gây hại này.

Hà Tĩnh ra quân đồng loạt diệt nạn châu chấu tre gây hại trên cây trồng. Ảnh: H.N.

Hà Tĩnh ra quân đồng loạt diệt nạn châu chấu tre gây hại trên cây trồng. Ảnh: H.N.

Đầu tháng 7, từng đàn châu chấu mật độ dày đặc ồ ạt “tấn công” 2 sào ruộng của bà Nguyễn Thị Ngọ (ở thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Duệ, tỉnh Hà Tĩnh) cắn phá. Trước đó, toàn bộ cây trồng trong vườn của gia đình bà Ngọ đã bị châu chấu phá hoại tan tành. Hằng ngày, bà Ngọ cùng con gái làm vợt bắt không xuể nên phải mua thuốc bảo vệ thực vật về phun. “Sau một đêm châu chấu bắt đầu ngấm thuốc. Sáng nay tôi đã thấy chúng chết nhiều từ trên bờ đến dưới ruộng. Một số khác lờ đờ, yếu hẳn” - bà Ngọ cho biết.

Chung tình trạng trên, hơn 1 mẫu đất đang trồng mía, ngô, cỏ voi của gia đình ông Cao Văn Hùng (trú tại thôn Hòa Trung, xã Cẩm Hương, Hà Tĩnh) cũng bị châu chấu tre cắn phá. “Khoảng một tuần trước trên diện tích cỏ voi bắt đầu xuất hiện châu chấu và số lượng tăng lên chóng mặt. Sau khoảng 5 ngày, toàn bộ 3 sào ngô đang kết hạt bị ăn trụi lá. Chúng cũng đang bắt đầu cắn phá 1 sào mía và hơn 10 sào cỏ voi khác” - ông Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, châu chấu tre thường phát sinh tại các bụi tre, nứa,... ở rừng, khi cạn nguồn thức ăn chúng sẽ di chuyển thành đàn xuống đồng bằng, tấn công cây trồng với tốc độ nhanh. Hiện nay, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra thực địa, hướng dẫn biện pháp ứng phó bước đầu và báo cáo lên cấp trên để được hỗ trợ khi cần thiết.

Trong khi đó, ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh lo ngại, khi cạn nguồn thức ăn ven bìa rừng, châu chấu sẽ dịch chuyển xuống vùng đồng bằng gây hại cho lúa hè thu, các diện tích ngô, rau màu. Hơn 45.000 ha lúa hè thu của Hà Tĩnh đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, bộ lá non của lúa là nguồn thức ăn lý tưởng thu hút châu chấu tràn xuống. “Chính quyền cấp xã và người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động theo dõi diễn biến và khuyến cáo của ngành chuyên môn để ngăn chặn sinh vật hại này, không để lan ra diện rộng” - ông Hùng nói.

Để chủ động phòng trừ dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ hè thu 2025. UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND các xã, phường; các sở, ngành chức năng khẩn trương tổ chức, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ hè thu. Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh đã phát động toàn tỉnh ra quân dẹp nạn châu chấu.

Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo địa phương, cán bộ chuyên môn và người dân tập trung thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu bệnh vụ hè thu nói chung, diệt trừ châu chấu tre lưng vàng nói riêng nhằm bảo vệ mùa màng. Quan điểm là khi mật độ, diện tích châu chấu gây hại còn thấp thì càng phải làm nhanh.

Trường hợp châu chấu gia tăng thì phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phun trừ. Thời điểm phun vào sáng sớm hoặc chiều mát vì đây là thời điểm chúng ít di chuyển. Khi phun trừ nên tổ chức phun tập trung, phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt, tránh để châu chấu phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát. Đặc biệt lưu ý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.

Ngoài các giải pháp trên, chính quyền địa phương, các ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng cần tiến hành điều tra, phát hiện sự xuất hiện, phát sinh gây hại của châu chấu tre để cảnh báo người dân, trong đó chú trọng các khu vực ven rừng, trên diện tích có cây tre, mét, giang, ngô, mía, cỏ voi…

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-tinh-khi-chau-chau-hoanh-hanh-10310414.html