Hà Tĩnh mời chuyên gia tìm phương án xử lý sinh vật 'lạ' phá rừng ngập mặn
Gần 2 tháng xuất hiện, sinh vật 'lạ' vẫn đang tiếp tục phá hại nhiều diện tích rừng ngập mặn ở xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh). Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang xúc tiến mời chuyên gia về tìm phương án xử lý.
Hơn 13 ha rừng ngập mặn ở TP Hà Tĩnh bị sinh vật “lạ” phá hại vẫn chưa có phương án xử lý
Theo ông Hoàng Dũng Lê - cán bộ kỹ thuật BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh, từ khi phát hiện cây bần chua ở thôn Tiền Tiến (xã Thạch Môn – TP Hà Tĩnh) bị loại giáp xác chân đều đục thân phá hại hơn 13ha gần một năm tuổi cho đến thời điểm này đã gần 2 tháng (từ ngày 26/8/2019).
Dù đã có nhiều biện pháp “cứu rừng”, song, đến nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu để cứu các diện tích rừng ngập mặn nói trên. Loài giáp xác này vẫn tiếp tục “tấn công” cây bần chua và diện tích thiệt hại đã tăng lên so với trước.
Hiện chưa xác định được loại giáp xác chân đều đục thân là loại vật gây hại để công bố dịch bệnh nên còn khó khăn trong xử lý
Cũng theo ông Lê, nguyên do Hà Tĩnh chưa có phương án xử lý loại giáp xác chân đều đục thân bởi chưa xác định được đây là loại vật gây hại nên không thể công bố dịch bệnh.
Mặt khác, việc xử lý phải đảm bảo môi trường, hệ sinh thái xung quanh nên phải được các cơ quan chức năng cho phép.
Sau khi lấy ý kiến của một số sở, ngành liên quan, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh đang tham mưu cho UBND tỉnh mời các chuyên gia thuộc các lĩnh vực lâm nghiệp, môi trường và thủy sản tìm phương án xử lý triệt để.