Hà Tĩnh: Mùa bẫy thú rừng
Mùa mưa là thời điểm các loài thú rừng quý hiếm thường xuất hiện. Do vậy, tại nhiều khu rừng ở Hà Tĩnh người dân đang lén lút vào rừng săn bắt, bẫy thú, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Mưu sinh từ nghề bẫy thú
Nắm bắt quy luật di chuyển của thú rừng, vào mùa mưa một số người dân sống gần rừng ở Hà Tĩnh đã vào rừng săn bắt, bẫy các loài thú quý hiếm. Câu chuyện bẫy thú rừng không có gì mới lạ, bởi đâu đó vẫn còn nhiều người quan niệm “sống gần rừng, phải dựa vào rừng”, bẫy thú cũng chỉ vì lợi ích kinh tế và công cuộc mưu sinh.
Gần 50 tuổi, nhưng anh Nguyễn Văn H ở huyện Kỳ Anh có đến hàng chục năm làm nghề bẫy thú rừng cho biết, bẫy thú chỉ cần dùng dây thép phanh xe đạp hoặc dây cáp thắt lòng gio và lắp đặt lẫy. Vòng bẫy được đặt trên miệng hố sâu khoảng 20cm, ngụy trang bằng cách phủ lá cây lên trên còn một đầu dây buộc chặt vào cành cây là thành bẫy thú.
Anh H kể, khi con thú dẫm chân vào vòng bẫy sẽ bị giật căng trong giây lát. Con thú giãy dụa càng mạnh thì dây bẫy càng siết chặt, không thể thoát ra được. Có những lần, đặt bẫy nhưng vì bận công việc không kịp đi gỡ nên khi đến nơi thú đã bị chết, phân hủy. Đôi khi vào rừng gỡ bẫy, nhưng tìm mãi không thấy vì có thể người đi rừng thấy mắc thú nên đã gỡ bẫy, lấy thú đưa về.
“Trước đây, trong rừng có rất nhiều chồn, cheo, khỉ, lợn rừng, mang… nhưng hiện nay số lượng sụt giảm đáng kể. Muốn bẫy được thú phải đi vào rừng sâu giáp ranh với huyện Hương Khê và tỉnh Quảng Bình, có khi hơn 1 tuần mới thăm bẫy được một lần. Nghề bẫy thú giờ không còn là thu nhập chính, nên tôi chỉ thỉnh thoảng đi đặt bẫy cho đỡ nhớ nghề”, anh Nguyễn Văn H bộc bạch.
Sinh ra, lớn lên ở huyện miền núi Hương Khê đầy nắng gió, từ khi biết đi rừng là anh Nguyễn Quốc Đ đã theo cha làm nghề săn bắt, bẫy thú. Đến tuổi trưởng thành, anh biết rõ "mồn một" quy luật di chuyển của thú, những vùng núi mà các loài thú quý hiếm thường xuất hiện, kiếm ăn. Biết là vậy, nhưng khi tiếp xúc với người lạ anh Đ vẫn dè dặt, chỉ khiêm tốn chia sẻ một vài kinh nghiệm trong nghề bẫy thú.
Theo anh Đ, mùa mưa là thời điểm thuận lợi để bẫy thú rừng. Nhưng hiện nay bẫy thú không còn công khai như trước, người săn thú phải vào sâu trong rừng theo dõi dấu chân, các loại thức ăn, phân thải của thú… rồi mới lén lút đặt bẫy. Khi phát hiện thú mắc bẫy, nhất là các loài thú lớn phải khéo léo mới có thể đưa về làm thịt hoặc bán cho các nhà hàng.
“Nghề bẫy thú rừng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, một phần do các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, mặt khác nghề bẫy là tận diệt, đôi khi điềm báo chẳng lành nên rồi đây cũng phải "rửa tay, gác kiếm" từ bỏ nghề bẫy thú”, anh Đ tâm sự.
Giải pháp nào ngăn chặn bẫy thú rừng?
Săn bắt, bẫy thú rừng tuy mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận người dân, nhưng việc làm này đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Bên cạnh đó, nghề bẫy thú còn hủy hoại, tận diệt nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và gây nên nhiều hệ lụy khó lường.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên cho biết, trước đây tình trạng người dân vào rừng bẫy thú vào mùa mưa thường diễn ra, đã có những trường hợp trâu của người dân thả trong rừng bị mắc bẫy, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
“Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết để người dân không vào rừng săn bắt, bẫy thú, khai thác lâm sản trái phép. Lực lượng công an xã tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và có phương án xử lý một số người đang có biểu hiện lén lút vào rừng bẫy thú”, ông Hà Huy Hùng thông tin.
Tại buổi làm việc với phóng viên, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Viết Ninh cho biết, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão đơn vị đã tiến hành tháo gỡ được khoảng 100 bẫy thú rừng, chủ yếu là bẫy dây rút, bẫy kẹp, số lượng bẫy thu được giảm hơn nhiều so với với trước đây.
“Đơn vị hiện quản lý, bảo vệ hơn 44.000 ha rừng và đất lâm nghiệp nhưng địa hình rừng núi, khe suối cách trở, lực lượng mỏng nên công tác kiểm soát, tháo gỡ bẫy thú vào mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù gần đây các trạm, tổ công tác đã tăng cường tuần tra, nắm tình hình, nhưng việc tháo gỡ bẫy thú chủ yếu vẫn đang dựa vào nguồn tin của người dân cung cấp”, ông Nguyễn Viết Ninh cho biết thêm.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, năm 2022 toàn tỉnh đã vận động người dân giao nộp 376 cá thể động vật hoang dã thả vào môi trường tự nhiên. Hầu hết số động vật hoang dã này do người dân đánh bẫy, nuôi nhốt, hoặc mua bán qua nhiều nguồn khác nhau. Điều đáng nói, đây là động vật hoang dã còn sống, số động vật bị mắc bẫy, bị chết và bán tại các nhà hàng thì rất khó có thể đo đếm được.
“Qua theo dõi, nắm tình hình thì nạn bẫy thú rừng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới Việt - Lào vẫn diễn ra. Mặc dù quy mô không còn như trước đây, song trách nhiệm của ngành sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền Luật Lâm nghiệp; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao; quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn bẫy thú rừng trái phép”, một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin.
Mùa mưa, khắp các vùng rừng núi ở Hà Tĩnh muôn loài thú quý hiếm vẫn nhởn nhơ tìm kiếm thức ăn, đón ánh nắng ấm áp tràn về. Tiếng chim rừng, muông thú vang lên những âm thanh nghe vừa quen, vừa lạ, như muốn báo hiệu hệ sinh thái sẽ mất cân bằng, đa dạng sinh học có nguy cơ suy giảm, nếu con người vẫn lén lút vào rừng bẫy thú.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-mua-bay-thu-rung.html