Hà Tĩnh: Người dân 'bật' chế độ tiết kiệm điện giữa mùa nắng nóng
Trước dự báo nắng nóng kéo dài với nền nhiệt phổ biến từ 39 - 41°C, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh chủ động 'bật' chế độ tiết kiệm điện để giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất.
Cảnh báo tiêu thụ điện tăng đột biến
Những ngày cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, Hà Tĩnh bước vào đợt nắng nóng gay gắt, nhiều nơi ghi nhận nền nhiệt vượt ngưỡng 39°C.
Ông Mai Thanh Tùng – Trưởng phòng Điều độ, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) cho biết, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh dao động từ 5,6 – 5,7 triệu kWh/ngày, tăng mạnh so với mức trung bình 4,0 – 4,5 triệu kWh/ngày, trong điều kiện thời tiết bình thường.

Cán bộ điện lực tuyên truyền cho người dân có ý thức tiết kiệm điện.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời gian tới, vùng Bắc Trung Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng, nhiều nơi có nhiệt độ lên tới 41- 42°C. Nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt điện, tủ lạnh… tăng cao, gây áp lực lớn lên hệ thống điện. Hệ quả tất yếu là sản lượng điện tiêu thụ tăng mạnh, kéo theo hóa đơn tiền điện có thể tăng cao.
Một số hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh cho biết: Nắng nóng trong tháng 5 và tháng 6 khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, kéo theo hóa đơn tiền điện "nhảy vọt" so với các tháng trước.
Chị Nguyễn Thị Hợi (trú phường Trần Phú) cho hay: "Hóa đơn điện tháng 6 nhà tôi lên tới 3,5 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nếu không thay đổi thói quen dùng điện thì khả năng tháng tới tiền điện còn tăng hơn nữa. Gia đình tôi đã hạn chế dùng điều hòa cả ngày, chỉ bật vào ban đêm và buổi trưa, còn lại mở cửa lấy gió trời, kết hợp quạt điện".

Hộ cá nhân và những hộ kinh doanh đều “bật” chế độ tiết kiệm điện trong những đợt nắng nóng cao điểm.
"Từ khi con nghỉ hè, mức tiêu thụ điện của gia đình tôi tăng chóng mặt. Không chỉ dùng điều hòa thường xuyên, mà các thiết bị điện khác như quạt, máy giặt, bếp từ, máy tính cũng hoạt động gần như cả ngày", chị Nguyễn Thị Mai (phường Bắc Hà) nói.
Để tránh "choáng" với hóa đơn tiền điện, gia đình chị Mai đã thống nhất "phạt" nội bộ nếu phát hiện ai dùng điện lãng phí. Các mẹo tiết kiệm điện được khuyến cáo như: Tắt thiết bị khi không sử dụng, tận dụng ánh sáng tự nhiên, đặt nhiệt độ điều hòa hợp lý… đều được gia đình chị áp dụng triệt để.
Không chỉ ở thành phố, phong trào tiết kiệm điện còn lan tỏa mạnh mẽ đến các xã Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê… Nhiều mô hình thiết thực được triển khai như "Gia đình tiết kiệm điện", "Khu dân cư an toàn - tiết kiệm", với hình thức tuyên truyền đa dạng: Loa phát thanh, họp tổ dân cư, phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng điện hiệu quả.
Hưởng ứng phong trào, nhiều hộ dân đã thay đổi thói quen sinh hoạt: Sử dụng đèn LED, tắt thiết bị khi không dùng, kết hợp điều hòa và quạt, ưu tiên quạt hơi nước ban đêm, rút ngắn thời gian dùng máy giặt, bàn là… góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện và tiết kiệm chi phí.
Doanh nghiệp tiết giảm phụ tải, ngành điện tăng tốc hỗ trợ
Giữa bối cảnh phụ tải tăng mạnh, các doanh nghiệp, đặc biệt là những cơ sở sản xuất tiêu thụ điện lớn cũng chủ động "kích hoạt" chế độ tiết kiệm. Nhiều đơn vị đồng thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo khuyến nghị của ngành điện để tránh dùng điện vào giờ phụ tải sử dụng điện lớn.

Hà Tĩnh hiện có 68 doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Ông Trần Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH bánh đa nem Nhật Thành (phường Trần Phú) cho biết: "Mỗi tháng, công ty chi phí khoảng 15 triệu đồng tiền điện, tăng khoảng 2 triệu đồng/tháng so với những năm trước. Để tiết kiệm, chúng tôi chuyển ca sản xuất về sáng sớm, bắt đầu từ 3h đến 9h, tránh sản xuất vào các khung giờ sử dụng điện lớn".
Tại Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (một trong những doanh nghiệp sử dụng hơn 12 triệu kWh điện/năm), cũng chủ động điều chỉnh thời gian sản xuất, đầu tư thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng, luân phiên vận hành các dây chuyền, để vừa cắt giảm chi phí, vừa tránh quá tải lưới điện.
Ông Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc Công ty CP Cơ khí Công nghiệp Đức Tài chia sẻ: "Tháng 6, hóa đơn tiền điện của doanh nghiệp tăng thêm hơn 10 triệu đồng sau đợt điều chỉnh giá điện. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu công nhân tắt toàn bộ thiết bị sau giờ làm, rà soát thay thế các thiết bị, máy móc có nguy cơ tiêu hao điện. Về lâu dài, công ty đang lên kế hoạch xây dựng nhà xưởng mới có hệ thống điện mặt trời áp mái để chủ động nguồn điện và giảm gánh nặng chi phí".
Ông Trần Đức Sơn – Phó Giám đốc PC Hà Tĩnh thông tin: "Thời gian qua, ngành điện tăng cường kiểm tra, bão dưỡng lưới điện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua tin nhắn, mạng xã hội, báo chí… Hệ thống chăm sóc khách hàng (EVNNPC CSKH) được khuyến nghị sử dụng rộng rãi để người dân có thể theo dõi điện năng tiêu thụ, ước tính tiền điện mỗi ngày, từ đó kịp thời điều chỉnh".

Đầu tư lắp điện mặt trời áp mái nhà là giải pháp khả thi giúp doanh nghiệp chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành điện khuyến cáo người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm thiết thực như: Tắt thiết bị khi không dùng; ưu tiên sử dụng thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng; dùng điều hòa từ 26°C trở lên, kết hợp quạt; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn; tránh dùng điện vào giờ phụ tải sử dụng điện lớn (12h30 -15h30 và 21h - 23h); xem xét lắp đặt hệ thống điện mặt trời nếu có điều kiện. Đối với doanh nghiệp, cần thực hiện nghiêm quy chế nội bộ về tiết kiệm điện, bảo trì máy móc định kỳ, phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong công tác điều chỉnh phụ tải, chủ động lên kế hoạch sử dụng điện theo năng lực lưới.
Phong trào tiết kiệm điện tại Hà Tĩnh đang dần chuyển từ hành động ứng phó sang lối sống chủ động, văn minh và khoa học. Với sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và ngành điện, kỳ vọng áp lực phụ tải mùa hè sẽ được san sẻ, góp phần vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, hiệu quả và bền vững.