Hà Tĩnh: nguy cơ mất an toàn hồ đập trong mùa mưa bão
Hiện nay, nhiều công trình hồ đập ở huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa bão.
Sau nhiều năm khai thác, đập Trạng ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê đã bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và tích nước phục vụ sản xuất. Hiện tại, hai bên mang tràn xả lũ bị xói lộng, lưu lượng nước tự chảy khoảng 20 lít/s; nhiều vị trí ở thân đập bị thấm nước, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.
“Đập Trạng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nếu mưa lũ kéo dài thì nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra. Nhà tôi ở sát thân đập, phía hạ du nên mùa mưa bão rất lo lắng, phải thường xuyên chủ động đề phòng, sẵn sàng sơ tán khi cần thiết”, bà Nguyễn Thị Phong ở xã Hương Thủy cho biết.
Đặc thù địa hình rừng núi, huyện Hương Khê thường chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của bão lũ. Theo thống kê, toàn huyện có 157 hồ đập lớn nhỏ, trong đó 23 hồ đập do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý. Hầu hết các hồ đập được xây dựng đã lâu và đang bị sạt lở, nứt thân đập, sạt trượt mái thượng lưu, hạ lưu, hư hỏng cống đóng mở, tràn xả lũ…
“Thân đập Khe Cọi bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, xã Hà Linh đã bố trí kinh phí huy động máy móc đào hạ tràn, sử dụng bao tải, cọc tre gia cố tạm thời để cung cấp nước tưới cho 17ha lúa và trên 40ha cây ăn quả. Tuy nhiên, về lâu dài thì công trình vẫn chưa đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ”, ông Hồ Sỹ Vinh- Công chức Địa chính xã Hà Linh cho biết.
Hồ đập có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cân bằng môi trường sinh thái. Tuy nhiên, khi hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp rất dễ xảy ra các sự cố vỡ đập, gây thiệt hại khó lường về tài sản, thậm chí tính mạng của người dân trong mùa mưa lũ.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, trên địa bàn có 26 hồ đập tiềm nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Quá trình kiểm tra, đánh giá hiện trạng, huyện đã yêu cầu các địa phương, đơn vị không tích nước hoặc hạn chế tích nước đối với những hồ đập bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn.
“Địa phương tiếp tục tuyên truyền, thực hiện phương án “4 tại chỗ”, huy động lực lượng, phương tiện tu sửa, gia cố hồ đập và lồng ghép các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng công trình. Cùng với đó, tập trung cảnh báo khi có lũ lớn xảy ra khẩn trương di dời người, tài sản vùng hạ du các hồ đập đến nơi an toàn, phòng ngừa thiệt hại”, ông Phan Kỳ thông tin.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-nguy-co-mat-an-toan-ho-dap-trong-mua-mua-bao.html