Hà Tĩnh nỗ lực đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2025, Hà Tĩnh sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới. Cùng với việc phát huy, kế thừa những kinh nghiệm đã đạt được, tỉnh tập trung rà soát, đánh giá một cách căn cơ những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Diện mạo nông thôn xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh đổi thay nhanh chóng nhờ xây dựng nông thôn mới.
Số liệu thống kê từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh cho thấy, sau hơn 14 năm xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 170/170 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%, trong đó có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 40,5%, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 10,6%), 9/12 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sức sống mới ở vùng “chảo lửa, túi mưa”
Nhìn lại chặng đường hơn 14 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dẫu có lạc quan đến mấy, nhiều người vẫn tỏ ra trầm trồ khi huyện miền núi, biên giới Hương Khê (Hà Tĩnh) có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chưa nói đến những khó khăn do điều kiện địa hình rừng núi phức tạp, bị chia cắt, khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Hương Khê mới đạt 69 tiêu chí, bình quân đạt 3,28 tiêu chí/xã, cá biệt có xã chỉ mới chỉ đạt một tiêu chí…, rồi những trận lũ kép, lũ chồng lũ ập đến thường xuyên, khiến đời sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đồng chí Phan Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê cho biết, hướng đến mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định xây dựng nông thôn mới vừa là đích đến, vừa là giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra. “Với phương châm lấy người dân làm chủ thể trung tâm, nông thôn mới phải xuất phát từ sự tự giác, tự nguyện, từ chính đòi hỏi cuộc sống của người dân.
Bằng nhiều phương thức tuyên truyền, vận động khác nhau: Nơi thì cán bộ đảng viên đi trước, đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trở thành cao trào, từ đó lôi cuốn, tạo sức hấp dẫn để người dân cùng tham gia; nơi thì huy động sự vào cuộc, đồng hành của các tổ chức, đơn vị khơi dậy ý thức làm chủ của người dân, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng để người dân đồng tâm, chung sức, cùng hướng về cuộc sống mới…”, đồng chí Phan Kỳ cho biết.
Thực tế, ý chí bền bỉ, khát vọng vươn lên của người dân vùng “rốn lũ” Hương Khê được cụ thể hóa bằng những cánh rừng thâm canh, đồi cam trĩu quả, trang trại chăn nuôi hữu cơ, khép kín, tiêu biểu là hơn 3.000 ha đất trồng bưởi Phúc Trạch, dó trầm cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm. Đây chính là động lực to lớn để người dân huyện miền núi biến những vườn tạp, đồi trơ trở thành hàng trăm Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Nam Trà (Hương Trà), Phú Lễ (Hương Trạch), Phú Thành (Phú Gia), Yên Bình (Lộc Yên)... để chứng kiến tận mắt vẻ yên bình, trù phú ở các miền quê đáng sống này. Thấp thoáng bên những ngôi nhà khang trang không phải là hàng rào bê-tông được xây kín cổng, cao tường, mà là hệ thống hàng rào xanh bằng cây chè tàu xanh mướt phủ kín hơn 90% toàn thôn được chăm sóc, cắt tỉa xanh, sạch, đẹp; tình hình an ninh trật tự được bảo đảm; rác thải được phân loại, xử lý triệt để tại nguồn. Tình làng nghĩa xóm được gắn kết đậm đà bản sắc người dân nông thôn Việt Nam.
Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới huyện Hương Khê, Nguyễn Trí Đồng cho biết, hiện nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn đã được xây dựng một cách đồng bộ, có tính kết nối cao với 14/14 tuyến đường đạt chuẩn, 79/79 tuyến đường liên xã, trục xã và gần 95% (1.167,2/1.223,1 km) đường thôn xóm, trục chính nội đồng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn.
Trong những năm qua, địa phương đã nâng cấp, sửa chữa, xây mới 518 phòng học, khối nhà hành chính, công trình hạng mục khác bảo đảm cơ sở vật chất 47/59 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; đầu tư nâng cấp bảo đảm an toàn 23 công trình hồ đập, kè chống sạt lở bờ sông, kiên cố hóa 58,72 km kênh mương nội đồng; xây dựng mới, sửa chữa đạt chuẩn 20/20 nhà văn hóa xã, 181 nhà văn hóa thôn, 110 khu thể thao thôn… Sau khi hoàn tất thủ tục trình ban chỉ đạo các cấp công nhận Hương Khê đạt chuẩn huyện nông thôn mới, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững hơn.
Hành trình không có điểm dừng
Đánh giá về nỗ lực, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, tỉnh đã đạt kết quả khá toàn diện, được Trung ương đánh giá cao và lựa chọn xây dựng thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Tĩnh đã đưa vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án.
Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất; công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển khá, hệ thống dịch vụ, thương mại khu vực nông thôn phát triển đồng bộ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn... Thông qua quá trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, góp phần tạo liên kết vùng và động lực phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương. Văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn chuyển biến tích cực. Môi trường cảnh quan được cải thiện rõ nét, nhất là việc thu gom xử lý rác thải tại hộ gia đình.
An ninh, trật tự ở nông thôn bảo đảm, các mô hình tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở tiếp tục được nhân rộng... Phong trào xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu được duy trì, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đến nay có 1.205/1.512 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 79,9%). Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và 8.329 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt 54,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới gặp không ít khó khăn, thách thức bởi bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu cao hơn giai đoạn trước. Bộ tiêu chí tỉnh thí điểm đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là định hướng, Trung ương không phê duyệt, các bộ, ngành không hướng dẫn thực hiện nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; tiến độ thực hiện một số nội dung, tiêu chí tỉnh nông thôn mới và các chương trình, dự án theo đề án còn chậm.
Nguồn lực để thực hiện đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời. Cụ thể, tổng nhu cầu vốn ngân sách Trung ương đề xuất để thực hiện đề án là 4.820 tỷ đồng, tuy nhiên mới được bố trí gần 24% tổng vốn, không bố trí vốn riêng để thực hiện Đề án cho nên một số nội dung, nhiệm vụ chưa được triển khai thực hiện. Ngoài ra, các công trình, dự án thuộc tiêu chí tỉnh nông thôn mới dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 không thực hiện được do nguồn vốn đầu tư công trung hạn cấp trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được phân bổ trước khi xây dựng đề án, dẫn đến việc cân đối kinh phí rất khó khăn, cần phải chuyển sang giai đoạn 2026-2030.
Để hoàn thành mục tiêu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2025, địa phương sẽ nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa. Ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các dự án lớn, còn đối với các nội dung tại thôn xóm, ngân sách chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt, thưởng theo kết quả đầu ra; phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng; tăng cường sinh hoạt, đối thoại, phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo sự tin tưởng của người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Đồng thời, đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, quan tâm cao tính hiệu quả, bền vững trên các nội dung, tiêu chí, tránh hình thức, phô trương; quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-tinh-no-luc-dat-chuan-tinh-nong-thon-moi-post861083.html