Hà Tĩnh nỗ lực quản lý chặt mặt bằng cao tốc Bắc – Nam
Trước tình trạng xuất hiện người dân xây dựng công trình, trồng cây trái phép khi nghe tin dự án cao tốc Bắc Nam đi qua, các địa phương ở Hà Tĩnh đang tích cực tuyên truyền, giải thích và ngăn chặn việc lợi dụng phần đất dự án để đòi tiền đền bù.
Bộ GTVT vừa đề nghị các địa phương tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo mặt bằng triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Trong văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố về triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Bộ GTVT nêu bất cập hiện nay khi tuyến cao tốc đang trong quá trình chuẩn bị dự án nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi, gây phức tạp cho công tác GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Tích cực tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép chờ đền bù dự án cao tốc Bắc – Nam
Theo ghi nhận của PV tại Hà Tĩnh, các địa phương ở tỉnh này đang tích cực tuyên truyền, giải thích và kịp thời ngăn chặn tình trạng một số hộ dân trồng cây, xây dựng công trình cơi nới trong phần đất dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua địa bàn để đòi tiền đền bù.
Đơn cử như tại Kỳ Anh, hộ bà Thái Thị Huấn (thôn Hoa Tiến, xã Kỳ Hoa) có 400 m2 đất ở và khoảng 1.500 m2 đất vườn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt – Kỳ Anh và sẽ phải di dời, tái định cư ra nơi ở mới. Khi nắm bắt thông tin về dự án đi qua, gia đình bà Huấn đã trồng thêm cây ăn quả trong vườn và xây dựng một số công trình phụ trợ. Cùng với gia đình bà Huấn, có thêm 2 hộ dân ở thôn Hoa Tiến và 3 hộ dân ở thôn Hoa Sơn ở xã Kỳ Hoa cũng có động thái trồng thêm cây ăn quả, xây dựng công trình cơi nới như: mái che, hàng rào, nhà kho…, trong phạm vi dự án cao tốc Bắc – Nam.
Nắm bắt thông tin về tình trạng này, chính quyền xã Kỳ Hoa đã nhanh chóng tới kiểm tra hiện trường, lập biên bản sự việc và tuyên truyền, giải thích cho người dân nắm rõ về việc không được phép xây dựng trên phần đất đã cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án cao tốc Bắc – Nam.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa Hoàng Minh Tâm cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phương dài 9km và sẽ ảnh hưởng tới đất ở của 6 hộ dân cùng đất lâm nghiệp của hơn 100 hộ dân khác. Hiện tại, cơ bản người dân đã nắm bắt thông tin về dự án và chấp hành tốt theo quy định. Tuy vậy, vẫn có 6 hộ dân (3 hộ ở thôn Hoa Tiến, 3 hộ ở thôn Hoa Sơn) có hành vi xây dựng cơi nới công trình, trồng cây ăn quả, ảnh hưởng đến công tác đền bù khi GPMB. Xã đã lập biên bản sự việc và yêu cầu người dân dừng các công việc thực hiện trái phép trên phần đất của gia đình.
Huyện Can Lộc phát hiện kịp thời tình trạng xây công trình trên phần đất đã được nhà nước phóng tuyến
Tại Can Lộc, dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng đi qua 9 xã, thị trấn của huyện với tổng chiều dài 19,31 km. Dự kiến diện tích các loại đất phải thu hồi để phục vụ dự án ở địa phương này là hơn 135 ha và 371 hộ dân phải di dời.
Ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, để thực hiện có hiệu quả công việc, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, huyện Can Lộc đã thành lập hội đồng GPMB, đẩy nhanh triển khai xây dựng các khu tái định cư, rà soát lại toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng cũng như thông báo chủ trương dự án, tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu, phối hợp thực hiện và thống nhất phương án cắm mốc, GPMB. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiên quyết ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm, xây dựng cơi nới trái phép.
Được biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài hơn 729 km, trong đó Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần, gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài hơn 35km, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài gần 54 km, đoạn Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình) dài 56 km (đoạn Hà Tĩnh dài gần 14 km). Theo kết quả rà soát sơ bộ, để phục vụ triển khai dự án, Hà Tĩnh phải GPMB 900 ha đất các loại, di dời 589 hộ dân và 700 ngôi mộ, đồng thời bố trí 21 khu tái định cư. Tổng kinh phí GPMB là 3.900 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, các địa phương ở Hà Tĩnh đang tích cực tiến hành các công tác để kịp thời bàn giao mặt bằng triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Ngành chức năng Hà Tĩnh tuyên truyền, giải thích cho người dân biết việc không được xây dựng các công trình trên phần đất của dự án cao tốc Bắc - Nam.
Hà Tĩnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và đã sớm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đảm bảo mục tiêu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và hoàn thành GPMB toàn bộ dự án vào quý II/2023, khởi công dự án trong năm 2022 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Đặc biệt, ngành chức năng chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích tới từng người dân vùng dự án đi qua để tạo sự đồng thuận, ủng hộ; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hoặc lợi dụng công tác đền bù, GPMB dự án để trục lợi, gây ảnh hưởng tiến độ công trình trọng điểm quốc gia.
Từ ngày 13 - 15/3/2022, Bộ đã phối hợp bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đợt 1 của các dự án thành phần với tổng chiều dài 133,8 km và sẽ tiếp bàn giao cho địa phương các đoạn còn lại trước ngày 30/6/2022. Dự kiến đến ngày khởi công, các địa phương sẽ bàn giao khoảng 70% diện tích mặt bằng