Hà Tĩnh phấn đấu đến 2025, thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn ở các địa phương
Rác hữu cơ sau khi phân loại được ủ với chế phẩm sinh học và trở thành phân bón vi sinh, góp phần không nhỏ vào bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho việc thu gom, xử lý rác thải ở Hà Tĩnh.
Video: Ông Nguyễn Như Liên nói về quy trình xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh.
Những năm trước, gia đình ông Nguyễn Như Liên (SN 1958, thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thường gom chung tất cả các loại rác trong nhà và cho vào túi ni-lon rồi vứt ra góc vườn hoặc tường rào chờ người tới thu gom.
Có thời điểm, rác thải sau nhiều ngày mà vẫn không có người mang đi xử lý nên bốc mùi hôi thối, gây khó chịu cho mọi người trong nhà.
Gia đình ông Nguyễn Như Liên phân loại rác tại nguồn với 3 thùng rác chứa từng loại riêng biệt.
Tuy nhiên, khoảng 7 tháng trở lại đây, từ sự hỗ trợ của Sở TN&MT Hà Tĩnh và chính quyền địa phương, gia đình ông Liên cùng nhiều hộ dân khác trong thôn đã tham gia mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, nhờ thế mà cách ứng xử với rác thải đã có nhiều thay đổi.
“Sau khi tập huấn quá trình phân loại xử lý rác, gia đình được phát các thùng (giỏ) để chứa rác thải vô cơ, hữu cơ và rác tái chế, đồng thời được hỗ trợ xây dựng hố xử lý rác hữu cơ” - ông Nguyễn Như Liên cho hay.
Rác thải hữu cơ được tập trung lại ở hố xử lý rồi cho chế phẩm sinh học vào và sau 1 - 2 tháng có thể thành phân vi sinh.
Từ thùng rác hữu cơ, các loại thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả hỏng được gia đình ông tập trung lại trong hố xử lý rồi cho chế phẩm sinh học vào ủ trộn. Sau chừng 1 – 2 tháng, rác thải hữu cơ đã ủ hoai thành phân vi sinh, dùng bón cho vườn rau, cây trồng.
Với rác tái chế như chai lọ nhựa, vỏ lon bia…, người dân có thể bán lại cho các cơ sở đồng nát; còn với rác vô cơ thì sẽ chờ nhân viên thu dọn vệ sinh tới thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung tại bãi rác của huyện.
“Phân vi sinh từ rác thải hữu cơ không chỉ giúp gia đình tiết kiệm được một khoản tiền mua phân bón mà khi sử dụng loại phân này, cây trồng, vườn rau cũng ít bị sâu bọ hơn hẳn” - ông Nguyễn Như Liên chia sẻ.
Cách nhà ông Liên không xa, gia đình ông Biện Văn Chiến (SN 1966) cũng thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Ông Chiến chia sẻ: “Từ khi có các thùng phân chia từng loại rác, mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức hơn, không có tình trạng vứt rác bừa bãi, tiện đâu vứt đó như trước kia”.
Phân vi sinh từ rác thải hữu cơ được người dân bón cho cây trồng.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh Nguyễn Văn Chiến cho hay: Là một trong những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Cẩm Xuyên nên việc đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Tới thời điểm này, 7/7 thôn của xã đã tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn. Từ ngày được triển khai thì đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn và người dân dường như cũng có ý thức hơn trong xử lý rác.
Không chỉ xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên mà nhiều địa phương khác của Hà Tĩnh như Thạch Hà, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh… cũng rất tích cực tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn.
Việc phân loại rác tại nguồn ở vùng nông thôn giúp các địa phương giảm chi phí trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải.
“Phân loại rác tại nguồn không chỉ nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, phục vụ và hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp mà còn giúp cho địa phương giảm áp lực, chi phí trong việc phân loại, xử lý rác thải” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho biết.
Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Tĩnh, năm 2020, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn khoảng 242.214 tấn (tương đương 663,6 tấn/ngày). Với sự phát triển mạnh mẽ các ngành nghề, việc thay đổi tập quán sinh sống làm cho lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn gia tăng cả về thành phần và tính độc hại.
Người dân xã Cẩm Vịnh tiết kiệm chi phí khi không phải mua phân bón mà sử dụng phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt.
Vì thế, việc quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt không còn là vấn đề cấp bách của riêng các đô thị, mà trở thành vấn đề đáng báo động cả ở các vùng nông thôn bởi quỹ đất dành cho chôn lấp thủ công rác thải - biện pháp xử lý rác chủ yếu ở nông thôn, đang ngày càng thu hẹp.
Trưởng phòng Môi trường Sở TN&MT Hà Tĩnh Phạm Hữu Tình cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần hạn chế lượng rác thải ra môi trường.
“Đơn vị đang phối hợp cùng với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn, phấn đấu đến năm 2025, thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn ở tất cả các địa phương, tăng lượng chất thải thu hồi để tái chế hoặc chế biến chất thải hữu cơ ở đô thị là 10% và ở nông thôn là 30% và tăng cao hơn nữa trong các năm tiếp theo” - Trưởng phòng Môi trường Sở TN&MT Hà Tĩnh Phạm Hữu Tình cho biết.