Hà Tĩnh: Sở Xây dựng thuộc nhóm khá trong kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 593/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (viết tắt là DDCI) trên địa bàn tỉnh năm 2023, bao gồm các tiêu chí như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của chính quyền địa phương; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh (đơn vị tổ chức khảo sát, đề xuất) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị thẩm định, tham mưu) chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về quá trình tổ chức thực hiện khảo sát, nội dung, kết quả khảo sát tại các văn bản nêu trên.
Theo kết quả đánh giá, với 75,33 điểm, Cục Hải quan Hà Tĩnh là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng DDCI; Sở Xây dựng Hà Tĩnh xếp ở mức khá với 60,5 điểm; kết quả đánh giá cũng cho thấy, các đơn vị Ban Quản lý dự án có điểm đánh giá rất thấp (dưới 50 điểm) riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực kinh tế tỉnh đứng ở vị trí cuối bảng với 34,65 điểm.
Đối với khối UBND huyện, thành phố, thị xã, DDCI được triển khai trên 13 địa phương. Theo kết quả đánh giá, nhóm xếp hạng rất tốt gồm: Thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh, huyện Hương Khê. Trong đó, thị xã Hồng Lĩnh có số điểm cao nhất với 98,42 điểm. Nhóm có xếp hạng tốt gồm: Huyện Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Đức Thọ, huyện Can Lộc; xếp loại khá là các huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên.
Hai huyện Nghi Xuân và Lộc Hà xếp loại trung bình. Còn huyện Vũ Quang chỉ đạt 40,69 điểm, xếp nhóm tương đối thấp.
DDCI tỉnh Hà Tĩnh được ban hành theo Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm điều hành các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tỉnh Hà Tĩnh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đối tượng đánh giá là các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; hợp tác xã; hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đối tượng được đánh giá là 28 Sở, ban, ngành và 13 UBND huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Bộ chỉ số DDCI có 8 chỉ số thành phần đối với khối Sở, ban, ngành gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu.
Đối với khối UBND cấp huyện ngoài 8 chỉ số tương tự như trên bổ sung thêm chỉ số thứ 9 là tiếp cận đất đai.