Hà Tĩnh: Tăng cường bảo đảm an toàn lao động trong thi công, sản xuất vật liệu và cấu kiện xây dựng

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Văn bản số 3535/UBND-XD nhằm tăng cường bảo đảm an toàn lao động trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh tăng cường đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng.

Hà Tĩnh tăng cường đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng.

Thực hiện Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 22/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái; hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động theo Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 2033/BXD-GĐ ngày 14/5/2024 của Bộ Xây dựng về việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng. Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo an toàn lao động, nhằm chủ động công tác phòng ngừa tai nạn lao động, ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trong công tác thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nội dung:

Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động trong xây dựng; đặc biệt là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD về An toàn trong thi công xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng. Nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, an toàn lao động trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng.

Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất sự tuân thủ các quy định về quản lý an toàn lao động tại các dự án đang thi công xây dựng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng. Yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động trong quá trình sản xuất. Kịp thời phát hiện những trường hợp không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn lao động hoặc cố ý sai phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công, dừng sản xuất khi phát hiện vi phạm quy định về an toàn lao động, có nguy cơ dẫn đến sự cố gây mất an toàn trên công trường xây dựng hoặc tại cơ sở sản xuất.

Tổ chức thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công của chủ đầu tư, lồng ghép kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong công trình xây dựng theo quy định.

Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cần tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, chất lượng thi công công trình xây dựng thuộc trách nhiệm quản lý. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình, an toàn lao động theo phân cấp.

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành quản lý khi phát hiện công trình, cơ sở sản xuất có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng hoặc vi phạm các quy định về an toàn lao động. Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công kết hợp với kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng theo quy định.

UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện để thực hiện tốt vai trò chủ đầu tư, quản lý dự án. Chỉ đạo phòng Kinh tế Hạ tầng (phòng Quản lý đô thị) và các phòng, ban có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình, an toàn lao động trong hoạt động xây dựng trên địa bàn theo phân cấp; đảm bảo đủ năng lực để thực hiện tốt công tác thẩm định thiết kế xây dựng, công tác quản lý chất lượng và an toàn lao động trong đầu tư xây dựng.

Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công kết hợp với kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thi công xây dựng trên địa bàn, có biện pháp xử lý, đề xuất xử lý hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trên địa bàn quản lý. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất kịp thời, đầy đủ các nội dung về quản lý chất lượng và an toàn lao động trong xây dựng theo yêu cầu của Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND tỉnh theo quy định.

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động.

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành: Dân dụng và công nghiệp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế tỉnh kiểm tra các điều kiện khởi công xây dựng công trình; thông báo khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định. Thiết lập hệ thống quản lý thi công xây dựng và thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý thi công xây dựng của chủ đầu tư cho các nhà thầu có liên quan trong hoạt động xây dựng công trình. Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; biện pháp thi công xây dựng so với biện pháp thi công đã được phê duyệt; chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các loại máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn (phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng); quan tâm chỉ đạo giám sát chặt chẽ vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng.

Tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD về An toàn trong thi công xây dựng. Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.

Trần Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-tang-cuong-bao-dam-an-toan-lao-dong-trong-thi-cong-san-xuat-vat-lieu-va-cau-kien-xay-dung-377802.html