Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới
Qua trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh có thêm bài học, giải pháp tốt hơn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
Đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có chuyến công tác, trao đổi kinh nghiệm xây dựng NTM với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh.
Chia sẻ những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong xây dựng NTM, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau hơn 13 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay, Hà Tĩnh có 181/181 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%, 60 xã đạt chuẩn nâng cao, đạt 33,33%, 15 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, đạt 8,3%; 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 69,2%; có 1.181/1626 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, hơn 10.000 vườn đạt chuẩn vườn mẫu, nhiều khu dân cư đã trở thành vùng quê "Trù phú - An lành", là "nơi thực sự đáng sống hơn"...
Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; nhiều cơ sở đã có sự đầu tư nâng cấp công nghệ, thiết bị chế biến; thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án lớn, công nghệ hiện đại. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 49,23 triệu đồng (gấp 5,8 lần so năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,01% (năm 2011 là 23,91%).
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung thực hiện có chiều sâu, hiệu quả, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tăng cường; lũy kế đến nay đã công nhận 337 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 222 sản phẩm đang còn hiệu lực chứng nhận OCOP, 59 sản phẩm hết giá trị sử dụng chứng nhận OCOP đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại.
Trong đó, có 6 sản phẩm xuất khẩu như: Bánh ram Anh Thu, bánh ram Nam Chi xuất khẩu Hàn Quốc, Cu đơ Bà Hường xuất khẩu New Zealand, Bánh đa vừng Nguyên Lâm xuất khẩu Nga và Nhật Bản, Sứa Mai Dung xuất khẩu Nhật Bản, Nước mắm Luận Nghiệp xuất khẩu Nga, Angola.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nâng mức chuẩn theo tiêu chí, nhất là đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa thôn...; văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí trong các khu dân cư được đẩy mạnh và ngày càng sôi động; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy....
“Trong những thành tựu đạt được, kết quả lớn nhất là đã chuyển biến cơ bản tư duy, nhận thức của đa số người dân và cán bộ về xây dựng NTM không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; sự đồng thuận cao của toàn xã hội, người dân đã nhận thức được xây dựng NTM là xây dựng đời sống mới cho chính mình, mình là chủ thể, tự giác thực hiện; đặc biệt đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến xã, thôn vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết đây chính là nguyên nhân cơ bản để NTM thành công, bền vững” - Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.
Tại buổi làm việc Đoàn công tác Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thừa Thiên Huế và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh tập trung trao đổi những kinh nghiệm trong xây dựng NTM cấp huyện, quá trình xây dựng và hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí và hồ sơ trình trung ương thẩm định công nhận; các cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM…
Qua trao đổi trong xây dựng NTM của 2 tỉnh, các thành viên đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế ấn tượng kết quả xây dựng NTM ở Hà Tĩnh, nhất là ý thức tự giác của người dân trong phong trào xây dựng NTM đã được nâng lên, thực sự vào cuộc thực hiện các tiêu chí. Những cách làm của Hà Tĩnh sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Thừa Thiên Huế tham khảo và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn trong quá trình xây dựng NTM của địa phương.
Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, đoàn Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham quan một số mô hình và trao đổi kinh nghiệm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM tại các huyện: Lộc Hà, thị xã Kỳ Anh.