Hà Trung phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Huyện Hà Trung với nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Đây là điều kiện quan trọng để huyện phát triển du lịch gắn với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Di tích lịch sử quốc gia đền Trần Hưng Đạo, xã Yên Dương (Hà Trung).
Đền Trần hay còn gọi là đền Thổ Khối là di tích cấp quốc gia, nơi thờ Trần Hưng Đạo - một danh tướng kiệt xuất của dân tộc dưới thời nhà Trần. Đền Trần tọa lạc thôn Thổ Khối, xã Yên Dương, bên bờ Bắc sông Tống Giang, hướng về phía Nam. Ngôi đền được xây dựng cách đây gần 700 năm và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Hiện đền thờ còn lưu giữ những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, như: Long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm, đặc biệt là con dấu (ấn triện). Năm 1996, đền Trần được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, đền Trần được tổ chức hai kỳ lễ lớn là Rằm tháng Giêng, gọi là lễ khai ấn và lễ hội chính thức vào ngày kỵ của đức thánh Trần (19 đến 21/8 âm lịch).
Năm 2017, đền Trần tiếp tục được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa, khiến cho cảnh quan ngôi đền trở nên khang trang nhưng vẫn giữ được giá trị vốn có của di tích. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, UBND huyện Hà Trung đang đề xuất với các cơ quan chức năng đầu tư sửa chữa các hạng mục: Cổng, tường rào, nhà quản lý và đón tiếp khách, nhà soạn lễ, đường nội bộ và các hạng mục phụ trợ khác để xứng tầm với vị thế di tích lịch sử quốc gia.
Với vị trí đẹp, kiến trúc hoa văn trang trí độc đáo, hấp dẫn, cùng với sự linh thiêng, đền Trần không chỉ là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ thanh. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích đền Trần, từ đầu năm đến tháng 10/2023, đền Trần đón hơn 5.000 lượt người đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương cầu an, cầu phúc.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Hà trung đã chú trọng tới việc huy động mọi nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Từ năm 2020-2023, huyện đã huy động khoảng 45 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa gần 25 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích, như: phủ Suối (xã Hà Vinh), đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Yên Dương), chùa Trần (xã Hà Ngọc), đền thờ Lại Thế Khanh (xã Hà Giang), đình Thượng Phú (xã Hà Đông), đình Phú Thọ (xã Hà Lai), chiến khu Bái Sậy (xã Hà Tiến). Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, cầu phúc, cầu an, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh và quảng bá đất và người Hà Trung. Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung từ năm 2021 đến nay, huyện đã đón được gần 65.000 lượt khách du lịch, trong đó, số lượng khách đến với các di tích lịch sử tâm linh chiếm số lượng lớn.
Hiện Hà Trung có 72 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng (trong đó 9 di tích cấp quốc gia và 63 di tích cấp tỉnh) và 342 di tích thuộc các loại hình kiến trúc, văn hóa, lịch sử cách mạng, tín ngưỡng được kiểm kê... Đến nay, huyện Hà Trung đã có 54/72 di tích xếp hạng đã được khoanh vùng bảo vệ; 5 di tích đã được quy hoạch tổng thể, chi tiết và 29 di tích đã xếp hạng các cấp được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp. Huyện cũng đã huy động các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và từ nguồn xã hội hóa để khôi phục và bảo tồn các lễ hội, lễ tục truyền thống như: lễ hội đình Cơm Thi (xã Hoạt Giang), lễ hội đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc), lễ hội đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Yên Dương). Đây là điều kiện quan trọng để huyện Hà Trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch.
Để biến tiềm năng thành hiện thực, UBND huyện Hà Trung xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung đến năm 2030 và được UBND tỉnh phê duyêt. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Hà Trung đón được 300.000 lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách giai đoạn 2021-2025 khoảng 32,3%/năm. Đến năm 2030, đón được 520.000 lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt 1.257.984 triệu đồng; có 40 cơ sở lưu trú với khoảng 700 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch; có khoảng 650 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 455 lao động qua đào tạo; 100% các điểm đến du lịch có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Hà Trung chú trọng tới công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh thắng theo đúng quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân và thu hút đông đảo khách du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng.
Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng các khu du lịch, điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa; đầu tư, tu bổ, tôn tạo các khu di tích; khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng. Huy động nguồn lực đầu tư cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án xúc tiến, quảng bá du lịch. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trong đó, ưu tiên các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho người dân địa phương. Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, đảm bảo vệ sinh, an ninh, an toàn cho du khách. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Hà Trung.