Hai bài thuốc trị viêm mũi dị ứng

Thời tiết gió mùa ẩm, mưa nắng thất thường, khói bụi bẩn… khiến bệnh hô hấp gia tăng. Các bệnh về mũi xoang ngày càng nhiều, trong đó có viêm mũi dị ứng...

Những người bệnh viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng thường có các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau nhức vùng mũi. Các triệu chứng này làm cho người bệnh khó chịu nhưng điều trị lại không hề đơn giản.

Về nguyên lý, cần vệ sinh mũi họng thường xuyên, nâng cao thể trạng của cơ thể, dùng thuốc, thảo dược, tập luyện thể thao...

Các tác nhân gây dị ứng làm cho người bệnh dễ mắc bệnh viêm mũi dị ứng.

Các tác nhân gây dị ứng làm cho người bệnh dễ mắc bệnh viêm mũi dị ứng.

1. Bài thuốc trị viêm mũi dị ứng

Theo nguyên lý của Đông y, nhân cường tật nhược, tăng cường chính khí cơ thể để bệnh thoái lui. Để điều trị viêm mũi dị ứng, có thể dùng các bài thuốc sau:

1.1 Bài thuốc "Ngọc bình phong tán"

Thành phần gồm các vị thuốc: Phòng phong, hoàng kỳ, bạch truật liều bằng nhau tán bột.

Cách dùng: Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 10g pha với nước gừng ấm.

Tác dụng của bài thuốc: Bồi bổ chính khí cơ thể, ngăn ngừa bệnh lý hô hấp mắc phải, trong đó có bệnh viêm mũi dị ứng.

Trong bài thuốc "Ngọc bình phong tán":

- Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ấm. Theo y học cổ truyền, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí cố biểu. Qua nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy hoàng kỳ là một trong những dược liệu có tác dụng dược lý rất phong phú như tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, kháng khuẩn, kháng virus, cải thiện quá trình chuyển hóa tế bào, điều tiết lượng đường huyết, cường tim, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tạo huyết, bảo vệ tế bào gan và thận, chống lão hóa, chống mệt mỏi, chống phóng xạ, chống viêm, tăng cường khả năng ghi nhớ, trấn tĩnh, giảm đau và ức chế các tế bào ung thư…

Phòng phong - vị thuốc trong bài Ngọc bình phong tán trị viêm mũi dị ứng.

Phòng phong - vị thuốc trong bài Ngọc bình phong tán trị viêm mũi dị ứng.

- Bạch truật có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, chỉ hãn (cầm mồ hôi), an thai. Qua nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, vị thuốc bạch truật cũng có công năng tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn, chống lão hóa, làm giảm mỡ máu, hạ đường huyết, lợi niệu, chống ung thư, lợi mật và bảo vệ tế bào gan.

- Phòng phong có vị cay ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng trừ phong giải biểu, trừ thấp, trấn kinh và giải thống. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, vị thuốc phòng phong có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, chống dị ứng, giải nhiệt, giảm đau, trấn tĩnh, chống co giật, kháng ung thư và nâng cao năng lực miễn dịch không đặc hiệu.

- Gừng có tác dụng ấm kinh lạc, mạnh cho vệ biểu.

Tân di - vị thuốc thường dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng.

Tân di - vị thuốc thường dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng.

1.2. Bài thuốc kinh nghiệm trị viêm mũi dị ứng

Thành phần bài thuốc gồm các vị thuốc: Tân di 10g, thổ phục linh 15g, ké đầu ngựa 15g, bạch chỉ 10g, gai bồ kết 15g, hoa cứt lợn 30g, thăng ma 8g, tỳ giải 12g, bạch đồng nam 15g, cỏ mần trầu 20g, cam thảo đất 15g, trần bì 15g, sa sâm 15g, cát căn 12g, cam thảo 5g, tô tử 15g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, đổ 1 lít nước đun cạn còn 300ml, chia 2 lần, uống sáng, chiều. Uống khi thuốc còn ấm.

Với các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng lâu ngày có hơi thở hôi, nên nhỏ thêm nước muối sinh lý hoặc nước sắc đặc lá trầu không vào mũi hằng ngày để tăng tác dụng diệt khuẩn.

Tác dụng: Bài thuốc có tác dụng điều trị viêm mũi xoang dị ứng lâu ngày, hay gây đau đầu, nhức vùng trán và cung lông mày, kèm hắt hơi sổ mũi buổi sáng sớm hay thay đổi thời tiết.

Diễn giải bài thuốc:

- Tân di vị cay, tính ôn, vào kinh phế và vị, có tác dụng khu phong giải biểu, thông khiếu chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau đầu, tắc ngạt mũi, chảy nước mũi, đau răng, viêm xoang mũi má cấp hoặc mạn tính...

- Hoa cứt lợn có tính mát, vị hơi đắng và cay có tính kháng sinh mạnh, có thể chữa trị các chứng yết hầu sưng đau… đồng thời làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm mũi xoang dị ứng.

- Các vị thuốc khác làm cho thông thoáng đường mũi họng miệng, giảm các chứng viêm.

Tránh xa các tác nhân gây dị ứng là một trong các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng.

Tránh xa các tác nhân gây dị ứng là một trong các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng.

2. Phòng bệnh viêm mũi dị ứng

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc đông y, người bệnh viêm mũi dị ứng cần kết hợp các biện pháp không dùng thuốc như:

- Xông mũi bằng nước đun từ vỏ bưởi, sả, lá bạc hà…

- Day ấn các huyệt nghinh hương, tứ bạch, tố liêu… nhiều lần trong ngày, day ấn hằng ngày.

- Hoặc sử dụng các thảo dược, món ăn bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng.

Để phòng ngừa bệnh tái phát người bệnh cần chú ý:

- Tránh xa các tác nhân gây bệnh như bụi, nấm mốc, phấn hoa, hóa chất, thuốc, thực phẩm…;

- Thường xuyên vệ sinh ga, gối, chăn, chiếu, nhà cửa…;

- Tập thể dục đều đặn, dinh dưỡng lành mạnh… giúp nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật nói chung, viêm mũi dị ứng nói riêng.

Căn bệnh hiếm khiến thiếu niên 15 tuổi đột ngột đau yếu tứ chi.

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-bai-thuoc-tri-viem-mui-di-ung-169230327152452482.htm