Hai 'bài toán' phải giải ở nhiệt điện Vĩnh Tân
LTS: Tuần qua, UBND tỉnh tiếp tục gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị di dời các hộ dân thuộc xã Vĩnh Tân rời xa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân như ao ước của họ. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện ở đây cũng đang ao ước bãi xỉ được giải phóng, vì ngay lúc này đã thấy mốc thời gian nhà máy sẽ bị dừng hoạt động rất gần… Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, bụi, tiếng ồn phát sinh từ các nhà máy tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có ảnh hưởng đến khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến của xã Vĩnh Tân. Cụ thể, phân tích mẫu không khí xung quanh khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc tại các vị trí có khoảng cách từ 130 -180 m so với tường rào NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng thì có thông số bụi đã vượt từ 1,19 đến 1,63 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; có tiếng ồn vào ban đêm đã vượt khoảng 1,05 lần so với QCVN 26:2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
Hai
Bài 1: Giải pháp cuối cùng?
Vẫn loay hoay
Những ngày qua, khi một số nơi đã xuất hiện mưa đầu mùa thì người dân ở thôn Vĩnh Phúc, Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) đang vơi nỗi lo bụi than, dù mỗi lần quét nhà vẫn có bụi màu xám tro nhưng không nhiều. So với những ngày trước trong tháng 3, tháng 4, tình hình đã cải thiện và một số ngày ấy khiến người dân ở đây nhớ rất rõ. Cụ thể, ngày 18/4/2021, người dân quét nhà thấy có bụi than nhiều dưới ngọn chổi. Trước đó, từ ngày 16/3/2021 đến ngày 21/3/2021, bụi than xuất hiện liên tục tại nhà dân ở khu vực phía biển, nơi tiếp giáp Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 4. Chưa hết, còn có tiếng ồn phát ra từ van an toàn lò hơi… Những ngày tới, khi mùa mưa đến gần, có thể không xảy ra tình trạng phát tán bụi nhưng từ thực tế xảy ra trong mùa khô qua, cho thấy kết quả không thành như mong ước, như quyết tâm từ những giải pháp mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đề ra vào tháng 3 năm ngoái.
Thời điểm ấy, tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, sau bao sự cố ảnh hưởng môi trường mấy năm trước khiến các chủ đầu tư đã nỗ lực hơn trong thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực tế, môi trường biển quanh trung tâm nhiệt điện có đổi thay, khi san hô, loài thực vật nhạy cảm đã xuất hiện dày. Tuy nhiên, bụi than thi thoảng vẫn phát tán, vì ở vùng này cứ vào tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, hay có gió lớn kèm lốc xoáy. Trong bối cảnh đó, vào đầu tháng 3/2020, thêm kho than Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng bắt đầu hoạt động đã khiến bụi than xuất hiện nhiều hơn và lan rộng ra địa bàn thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến…
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên -Môi trường kiểm tra, rà soát toàn diện việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Theo đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã giao Tổng cục Môi trường tổ chức đoàn công tác phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh và UBND huyện Tuy Phong tiến hành khảo sát hiện trường, kiểm tra và làm việc với các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.
Từ thực tế ấy, đoàn công tác đề xuất thêm những giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Sau đó, các nhà máy đã tuân thủ áp dụng, có sự giám sát của cơ quan quản lý. Thế nhưng, kết quả mang lại trong mùa khô 2021 vẫn còn xảy ra tình trạng bụi than phát tán ra khu dân cư kéo dài 6 ngày trong tháng 3 như đã nêu trên. Điều đáng nói, ngày 14 - 15/4/2021, đoàn giám sát kiểm tra việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện thì 3 ngày sau, tức ngày 18/4, bụi than lại phát tán, khiến ai cũng muốn biết những giải pháp ấy thế nào?
Không xác định được
Tùy vào tình hình hiện tại của mỗi nhà máy nhiệt điện mà đoàn giám sát yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện thêm giải pháp, thêm nội dung bảo vệ môi trường khác nhau bắt đầu vào sau mùa khô năm ngoái. So với các giải pháp cơ bản thực hiện bảo vệ môi trường lâu nay, các giải pháp mới này đều ở tầm cao hơn, kín kẽ hơn nhiều. Như tại NMNĐ Vĩnh Tân 1, đoàn giám sát yêu cầu chủ đầu tư thực hiện 7 biện pháp và qua kiểm tra của đoàn giám sát, chủ đầu tư đã thực hiện xong vào tháng 9/2020 gồm thực hiện phân chia ô bãi tro, xỉ cho các tầng tiếp theo chưa chôn lấp; hoàn thành việc bổ sung thông số giám sát tự động để kiểm soát độ mặn nước tưới thải sau xử lý bơm tái sử dụng tưới bằng tro xỉ; lắp đặt riêng đồng hồ đo điện năng sử dụng cho trạm xử lý nước thải công nghiệp; tăng cường cải tiến hệ thống làm tan bọt để tăng hiệu quả làm giảm bọt trong nước làm mát trước khi thải ra môi trường…
Trong khi đó, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, nhà máy nằm khá gần khu dân cư thì đoàn giám sát yêu cầu thực hiện 10 biện pháp và qua kiểm tra của đoàn giám sát chủ đầu tư cũng đã tuân thủ thực hiện xong vào tháng cuối 2020. Cụ thể, đã thực hiện lắp đặt bảng điện tử hiển thị thông số quan trắc tự động chất lượng môi trường đặt tại cổng chính của nhà máy để thuận tiện cho người dân kiểm tra, giám sát, hoàn thành vào ngày 9/10/2020; đã lắp 3 camera giám sát kho than C, kho B của NMNĐ Vĩnh Tân 4 và 2 camera ở 2 đầu kho than của NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng nhằm quan sát tường nước hướng về xóm 7. Các camera này đều được kết nối, truyền trực tiếp, liên tục về Sở Tài Nguyên - Môi trường suốt 24/24h để theo dõi, giám sát. Song song đó, đã thực hiện lắp đặt kiên cố kết cấu tôn thay cho phủ bạt tạm tại các khoảng hở 2 bên dọc theo băng tải than, các lỗ trống tại đầu vào và đầu ra băng tải của các tháp chuyển tiếp; đã tăng cường kiểm soát, phun nước trong quá trình bốc dỡ than tại cảng tiếp nhận than, tại các tháp chuyển tiếp, tăng cường đội vệ sinh công nghiệp để quét dọn, nhằm hạn chế bụi phát tán ra môi trường. Bên cạnh đó, nhà máy đã chủ động nắm bắt thông tin về các hiện tượng thời tiết bất thường, nghiên cứu có phương án đo hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm để tự động hóa việc tăng cường tưới ẩm kho than để ứng phó kịp thời. Đồng thời cũng triển khai lắp đặt bổ sung các thông số quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải về Sở Tài nguyên - Môi trường và các giấy phép môi trường liên quan đã được phê duyệt của NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Còn đối với các kho than cũng đã có hệ thống thu gom nước mưa và nước phun chống bụi...
Các nhà máy đều tuân thủ thực hiện đúng những yêu cầu bảo vệ môi trường của ngành chức năng và chính các đoàn giám sát được thành lập theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra tại hiện trường từng nhà máy. Vậy cuối cùng, vì sao vẫn có bụi than phát tán vào khu dân cư? Câu trả lời chung của tất cả những người liên quan là không xác định được. Điều phải suy ngẫm là mọi hoạt động của các nhà máy đều được camera thu truyền về Sở Tài nguyên - Môi trường, được lưu lại nên chắc chắn không có chuyện gian dối. Vậy phải chăng đây đã là những giải pháp cuối cùng, trong khi tình hình môi trường ở đây đang đặt ra những bài toán phải giải cho xong thì vùng Vĩnh Tân mới ổn thỏa...
Bích Nghị