Hai 'bài toán' phải giải ở nhiệt điện Vĩnh Tân
Từ đó đến nay, trong thời gian chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều ý kiến khác nhau về chuyện di dời các hộ dân. Lý do xoay quanh kinh phí di dời đến 2.000 người dân, chuyện nếu di dời sẽ tạo ra tiền lệ cho những nơi có nhà máy khác của EVN...Chuyện đề nghị di dời dân không phải đến bây giờ mới bàn mà ngay từ năm 2017, Tổ 1184 đã kiến nghị. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Công văn số 3287/BTNMT-TCMT ngày 22/6/2020 đề nghị tỉnh phải di dời các hộ dân. Và tại Công văn số 3229/2020 của UBND tỉnh cũng như các công văn tiếp tục vụ việc trong năm 2021 đều kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 2 nội dung. Thứ nhất, chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân và các cơ quan có liên quan của tỉnh khảo sát, lập chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân nhằm tạo hành lang an toàn môi trường cho khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thứ 2, chỉ đạo Bộ Công Thương tổ chức thanh kiểm tra việc lập đề án và thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao tại các cơ sở phát thải tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 3082/VPCP-CN ngày 17/4/2019 của Văn phòng Chính phủ…
Hai
Khoảng cách mong manh
Nhìn ảnh chụp từ trên cao xuống tại khu vực giáp ranh giữa NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng và xóm 7, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân là một khoảng cách rất gần. Nếu trừ diện tích kênh nắn dòng suối Chùa ra thì khoảng cách còn lại, hiện đang được trồng cây xanh càng nhỏ hơn. Và liền kề mảng cây cối chưa kịp xanh kia là nhà cửa san sát nhau của xóm 7, hình ảnh mang đậm đặc trưng lối sống của dân miền biển. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ngay từ đầu, vẫn biết loại hình nhiệt điện than vốn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhưng các bộ, ngành chức năng có liên quan và tỉnh lại không chú ý khoảng cách khi lập cũng như triển khai quy hoạch. Và thực tế diễn ra như tại Công văn số 3229/2020 của UBND tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ, có nêu: “Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hành lang cây xanh cách ly giữa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân với khu dân cư từ 10,84 ha đến nay chỉ còn 4,07 ha tính cả diện tích kênh nắn dòng suối Chùa, tường rào của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ cách nhà dân khoảng 80 m”.
Nhiều người dân ở xóm 7 phản ánh, nếu trước năm 2017, có xảy ra tình trạng tro xỉ từ bãi xỉ phát tán vào khu dân cư thì từ năm 2017 có thêm nạn khác là bụi than và năm 2019 thêm tiếp nạn tiếng ồn. Họ than thở, với bụi than, còn chờ mong vào mùa mưa sẽ dứt. Còn tiếng ồn thì không biết lúc nào sẽ chấm dứt, khi NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng như là nằm sát nách hoạt động liên tục, phát ra với cường độ âm thanh khác nhau. Lúc nhà máy chạy bình thường thì tiếng ồn thoáng qua như tiếng xe máy chạy ngoài đường. Nhưng cũng có lúc, phát ra tiếng ồn rất lớn làm đinh tai và rung mái tôn nhà. Điều đáng nói, “tiếng ồn ghê gớm” mà người dân xóm 7 nói không cố định thời gian xảy ra, có lúc xảy ra sáng, có lúc trưa, có lúc đêm và có ngày xảy ra 2-3 lần, có ngày không, vì tùy theo áp lực lò hơi van an toàn tự xả. Sự ghê gớm của nó mà người dân nhận xét còn ở chỗ gây ồn kéo dài 15 - 30 phút khiến cuộc sống người dân ở thôn 7 này bị đảo lộn.
Theo Tổ 1184, tổ được UBND tỉnh thành lập từ năm 2014 để theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, trước đó các nhà máy khác cũng gây tiếng ồn nhưng do ở xa khu dân cư đến 2-3 km, dân không nghe nên cũng không có phản ánh về chính quyền. Đến khi NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng đi vào hoạt động nên người dân mới nghe rõ tiếng ồn đến vậy. Trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2020, do Joăng hệ thống hơi chèn thổi bụi bên trong buồng đốt của lò hơi tổ máy số 3 không kín, đã gây ồn khi vận hành. Sau đó, nhà máy đã thay toàn bộ Joăng nên tiếng ồn hiện nay đã giảm. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân vẫn có thời điểm tiếng ồn kèm rung chấn vào ban đêm.
Nếu áp vào các quy chuẩn liên quan thì đều vượt chuẩn nên để đảm bảo sức khỏe cho người dân và tránh nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại khu vực và cũng là để các nhà máy nhiệt điện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh thì giải pháp cuối cùng chỉ có cách di dời người dân có nhà bị ảnh hưởng đến vị trí sinh sống khác. Đó là động Từ Bi cũng nằm ven biển, phù hợp với lối sinh hoạt lẫn công việc của người dân miền biển. Sau khi hoàn thành việc di dời dân, sẽ tiến hành cải tạo nơi giáp ranh này thành khu cây xanh cảnh quan để giảm thiểu ảnh hưởng của bụi, tiếng ồn phát sinh.
Cần dứt điểm
Tuy nhiên, từ đó đến nay, trong thời gian chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều ý kiến khác nhau về chuyện di dời các hộ dân. Lý do xoay quanh kinh phí di dời đến 2.000 người dân, chuyện nếu di dời sẽ tạo ra tiền lệ cho những nơi có nhà máy khác... Những ý kiến trên cũng dễ hiểu, vì để di dời 1-2 xóm nhà, nhất là nhà ở vùng biển thường không đơn giản. Nhưng với 1 trung tâm nhiệt điện lớn như thế, tập trung đến 4 nhà máy, có tổng 10 tổ máy với công suất 6.264 MW và hiện tại mới chỉ có 3 nhà máy với 7 tổ máy đi vào hoạt động mà môi trường đã báo động như thế. Sắp tới có thêm NMNĐ Vĩnh Tân 3, có nghĩa thêm 3 tổ máy nữa đi vào hoạt động, chắc chắn trong quá trình vận hành của cả trung tâm nhiệt điện sẽ phát sinh những sự cố môi trường khác chưa thể lường trước được. Vì thực tế, từ khi các nhà máy nhiệt điện vận hành, ngoài tổ 1184 giám sát, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương bám sát địa bàn, vận động nhân dân, yêu cầu chủ đầu tư các dự án nghiêm túc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Hơn thế, định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh còn tổ chức họp giao ban với chủ đầu tư các dự án tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý. Thế nhưng, những sự cố môi trường vẫn xảy ra.
Do đó, bãi xỉ quá tải và di dời dân được ví như 2 bài toán cần phải giải sớm tại nhiệt điện Vĩnh Tân. Không chỉ vì môi trường mà còn vì sự tôn nghiêm trong chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, theo Quyết định số 452/2017 của Thủ tướng Chính phủ có nêu: “…giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thu hồi phần diện tích bãi thải vượt quá diện tích chứa của 2 năm sản xuất trung bình theo quy mô, công suất của từng nhà máy trên địa bàn”. Và theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 380/2018 của Văn phòng Chính phủ có nêu: “UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tạo công việc cho lao động tại khu vực, xử lý việc tái định cư thích hợp đối với những khu vực bị ảnh hưởng bởi chất thải tro, xỉ (nếu có) và yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam... tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm môi trường từ tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện”.
Hiện tại có 3 nhà máy với 7 tổ máy, sắp tới có thêm NMNĐ Vĩnh Tân 3 với 3 tổ máy nữa đi vào hoạt động, chắc chắn trong quá trình vận hành của cả trung tâm nhiệt điện sẽ phát sinh những sự cố môi trường khác chưa thể lường trước được.