Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Chùa Sùng Khánh cũng như chùa Bình Lâm được xem là niềm tự hào của người dân Hà Giang về niềm tin tín ngưỡng ở nơi địa đầu Tổ quốc; thể hiện niềm tin, khát vọng và mong muốn của đồng bào các dân tộc anh em về cuộc sống hòa bình, an lành và hạnh phúc.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di tích lịch sử mang đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn nhiều điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468, chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm là những địa điểm tâm linh với nhiều di tích có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa.

Đặc biệt hai ngôi chùa Sùng Khánh và Bình Lâm là nơi lưu giữ hai Bảo vật quốc gia.

Chùa Sùng Khánh

Chùa Sùng Khánh tọa lạc trên một quả đồi nhỏ thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố Hà Giang 9 km, cách trung tâm huyện Vị Xuyên gần 12 km. Mặt trước chùa nhìn ra cánh đồng lúa và sông Lô. Nhiều người cho rằng chùa dựng trên thế đất "Rồng chầu, hổ phục".

Chùa Sùng Khánh là nơi gắn liền với lịch sử cũng như hệ tư tưởng Phật giáo trong hai triều đại Lý - Trần. Chùa chính thức được khởi công xây dựng vào năm Bính Thân - 1356 (thời vua Trần Dụ Tông) bởi chú Phụ Đạo (tù trưởng) Nguyễn Ấn. Sau đó, vào năm 1367, một viên tướng nhà Trần là Tạ Thúc Ngao khi đi kinh lý qua đây đã nhờ soạn bài minh khắc trên bia đá.

Chùa Sùng Khánh (Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh: St

Chùa Sùng Khánh (Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh: St

Tháng Tám năm 1707, khi quan Phó tuần phủ đồn Hà Giang, xứ Tuyên Quang là Nguyễn Văn Trân đi ngang qua đã vận động quyên góp rồi cho đúc một quả chuông lớn treo ở chùa. Trên chuông có khắc một bài minh hàm chứa ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhớ đồng bào dân tộc đoàn kết, chăm lo sản xuất và giữ vững bờ cõi nước nhà.

Chùa Sùng Khánh đã trải qua nhiều lần đổ nát, khiến cho tượng Phật và đồ thờ tự trong chùa cũng bị mai một ít nhiều. Chùa Sùng Khánh hiện còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: Hai tấm bia đá (một tấm bia đá dựng vào đời vua Trần Dụ Tông - 1367, một tấm bia đá dựng vào đời vua Lê Dụ Tông - 1705) và một quả chuông đồng đúc năm 1704 (đời vua Lê Hy Tông). Quả chuông đồng cao 0,90m, rộng 0,67m, đặc biệt là ở bốn múi chuông, mỗi múi có hai phù điêu hình người đắp nổi (cao 10cm bố trí ở góc các múi để bảo vệ và trấn tám hướng).

Nhà bia chùa Sùng Khánh (Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh: St

Nhà bia chùa Sùng Khánh (Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh: St

Bia đá chùa Sùng Khánh (Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự) được dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Đại Trị năm thứ 10, tháng 3 năm Đinh Mùi (1367), được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bia có chiều cao 90cm, chiều rộng 47cm, dày 11cm. Phần chân bia dài 29,5cm, rộng 9cm cắm vào lưng rùa. Chiều dài từ đuôi đến đầu rùa 95cm, rộng 57cm, cao 19cm, cổ và đầu rùa dài 24cm. Rùa được đặt trên bệ đá xây (đá hoa màu xám), đầu rùa tạc rõ hai mắt và sống mũi, tư thế ngẩng cao, đuôi rùa vắt lên mai. Rùa có bốn chân, năm móng quắp lại như đang ráng sức đỡ tấm bia trên lưng. Toàn thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia.

Diềm và trán bia được trang trí hoa văn dây cách điệu hình “sin”, uyển chuyển và liên hoàn, cạnh bia để trơn. Trán bia được bao bọc trong bằng trang trí hình cánh cung rộng 38cm, chia làm 3 ô hình chữ nhật tương xứng.

Ô chính giữa khắc hình Phật A Di Đà tọa trên đài sen trong tư thế bán kết già, bên cạnh Phật A Di Đà có 2 hầu cận tay chắp trước ngực; hai ô bên khắc hình hai con rồng giống nhau, tựa như đối xứng, trong tư thế đang bay, đầu ngẩng cao hướng tới tòa sen. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo nét chữ chân phương, đường nét trang trí tinh xảo, mềm mại và mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Trần.

Bảo vật quốc gia: Bia chùa Sùng Khánh - Ảnh: St

Bảo vật quốc gia: Bia chùa Sùng Khánh - Ảnh: St

Bài văn bia trong khung trang trí có đầu đề là “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự” (bài minh và bài tự chùa Sùng Khánh). Nội dung văn bia gồm 18 dòng với 436 chữ Hán (trong đó có một số chữ Nôm). Nét chữ khắc sâu, còn rất rõ và không có dấu hiệu nào chứng tỏ bia khắc lại ở thời gian sau.

Mặt sau bia để trơn không trang trí hoa văn, chỉ mài qua khắc hai hàng gồm 65 chữ Hán nói về những người cúng thí, người nô ruộng và trâu cho chùa.

Tác giả bài minh được khắc trên bia đá chùa Sùng Khánh là Tạ Thúc Ngao, được phong Phụng độc học sinh thư sử trực thủ - một chức quan ở kinh sư được cử đi xem xét việc biên giới ở phía Bắc. Trước sự cầu thị và lòng khâm phục đối với Nguyễn Công nên ông đã làm bài minh khắc trên bia đá.

Bia đá chùa Sùng Khánh là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn, một tài liệu bi ký được dùng để so sánh đối chiếu một số
tự dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Tấm bia không chỉ khẳng định sự ra đời của một ngôi chùa thờ Phật ở vùng biên cương hẻo lánh mà còn có một sử liệu quan trọng là việc dòng họ Nguyễn thế tập làm phụ đạo quản trị ở đây ràng buộc với ngôi chùa.

Bia được trang trí hình Phật, rồng, hoa dây…chưa từng thấy trên tấm bia thời Trần nào hiện biết. Tấm bia còn giúp thêm tài liệu cho việc tìm hiểu địa danh, lịch sử, chữ viết thời Trần, đặc biệt là sự xuất hiện của chữ Nôm khắc trong văn bia. Ngoài ra, còn biết chế độ Phụ đạo ở thời Trần được chính quyền trung ương thi hành rộng rãi. Tấm bia còn là chứng cứ nói lên ảnh hưởng của Phật giáo thời Trần thời bấy giờ tại vùng biên viễn, biểu hiện lớn mạnh của chính quyền trung ương thời Trần đã quản lý chặt chẽ và bảo vệ vững chắc mọi miền biên cương của đất nước.

Năm 1989 chùa Sùng Khánh được xây dựng lại và khang trang trên nền cũ, đến năm 1993 chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử. Năm 1999, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đặc biệt, với những giá trị nêu trên, ngày 30/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận Bia đá (thời nhà Trần) chùa Sùng Khánh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là Bảo vật Quốc gia.

Chùa Bình Lâm

Chùa Bình Lâm còn gọi là Bình Lâm tự, tọa lạc tại thôn Tông Mường, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là một trong số ít những ngôi chùa cổ còn tồn tại ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Ngôi chùa là hình ảnh thể hiện tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu Tổ quốc. Nó còn gắn liền với khát vọng có cuộc sống hòa bình, yên lành. Chùa rất linh thiêng và thu hút nhiều du khách tới cầu an, cầu phước. Chùa Bình Lâm cách trung tâm thành phố Hà Giang 15,5 ki lô mét.

Chùa Bình Lâm xưa kia vốn được đặt ở phía chân của ngọn núi đối diện với vị trí hiện tại. Đến năm 2007, chính quyền và người dân Hà Giang đã phục dựng lại ngôi chùa với diện tích 140 mét vuông tại thôn Tông Mường. Chùa được xây dựng trên nền đất cao với 9 bậc thang, trước ngôi chùa có hồ nước êm ả, càng khiến không gian trở nên thanh bình và yên tĩnh.

Chùa Bình Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh: St

Chùa Bình Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh: St

Chùa Bình Lâm hiện đang sở hữu một quả chuông cổ đã tồn tại được hơn 720 năm. Nó được người dân mệnh danh là “trái tim”, là "linh hồn" của Bình Lâm tự. Quả chuông này được làm bằng đồng vào thời Trần do thủ lĩnh Nguyễn Anh đúc vào giờ Ngọ, ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295), đời vua Trần Anh Tông. Tiền đúc chuông là do thủ lĩnh Nguyễn Anh cùng với vợ và các bô lão, thiện nam, tín nữ tích góp lại. Sau khi chuông hoàn thành đã được người dân bảo vệ và lưu giữ đến ngày nay.

Chuông là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng có đường kính miệng 59cm, chiều cao 101cm, nặng 193kg. Quai chuông đúc nổi đôi rồng đấu thân vào nhau, mỗi rồng có 2 chân, mỗi chân có 4 móng sắc nhọn quắp chặt xuống nóc chuông. Thân rồng mập mạp phủ kín vẩy cá chép, chắc khỏe, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Đỉnh quai chuông trang trí hình búp sen.

Bảo vật quốc gia: Chuông chùa Bình Lâm - Ảnh: St

Bảo vật quốc gia: Chuông chùa Bình Lâm - Ảnh: St

Phía ngoài thân chuông trang trí 6 núm gõ được bố trí thành 2 tầng, tầng thứ nhất ở dưới đế chuông có 2 núm đối xứng cách đều nhau 78cm. Tầng thứ 2 có 4 núm tạo thành 2 cặp đối xứng qua trục trung tâm của thân chuông, các núm này cách đều nhau 39cm. Các núm chuông tròn nổi đều bằng nhau, có đường kính 6cm. Đường viền xung quanh mỗi núm có 13 cánh sen đều đặn. Tầng thứ hai cũng chia trang trí thân chuông làm 2 phần: 4 ô chữ nhật đứng ở phía trên và 4 ô chữ nhật nằm ở phía dưới. Giữa các ô chữ nhật đứng là 5 đường gờ nổi chạy song song với nhau từ trên xuống dưới. Vuông góc với 5 đường gờ nổi chạy dọc thân chuông này, ở trên nóc, giữa thân và đế chuông là các đường gờ nổi cũng chạy song song với nhau phối hợp với các gờ nổi dọc tạo thành những ô chữ nhật trên thân chuông. Các ô chữ nhật này được bao quanh bởi những gờ đúc nổi rất thanh thoát và chắc khỏe. Trong lòng 4 ô chữ nhật đứng phía trên có khắc bài minh gồm 309 chữ Hán; 4 ô dưới hình chữ nhật để trơn, không có hoa văn hay ký tự nào. Vành miệng chuông loe, được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn 45 cánh sen nhỏ đều có kích thước bằng nhau.

Trên thân chuông có 3 chữ Hán lớn “Phụng Tam bảo” nghĩa là phụng thờ Tam bảo (phụng thờ chùa Phật). Chuông chùa Bình Lâm là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn, là một trong những quả chuông có niên đại sớm nhất được biết ở Việt Nam và là một cổ vật quý hiếm ở nước ta nói chung và ở Hà Giang nói riêng.

Đây là một Đại hồng chung kích thước lớn, được đúc nguyên khối bằng chất liệu đồng tốt tạo nên thanh âm sắc, ấm, vang xa. Hình dáng chắc khỏe, bố cục trang trí hài hòa, cân đối. Đặc biệt các hoa văn trang trí rồng, sen được tạo dáng khỏe khoắn, tinh xảo mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật trang trí thời Trần, phản ánh trình độ đúc chuông hoàn hảo của cha ông ta dưới thời Trần. Bài minh trên chuông là một văn bản văn chương gốc thời Trần. Minh văn cho biết thái độ trân trọng của người địa phương miền núi với vua Trần Anh Tông. Thông qua vị thủ lĩnh Nguyễn Anh - người thay mặt triều đình cai quản một vùng “rất sùng đạo Phật, đã bỏ tiền của dựng chùa, đúc chuông” cũng như việc vương triều Trần luôn chăm lo củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.

Qua bài minh trên chuông, càng thấy rõ hơn sự đóng góp to lớn của triều Trần đối với công cuộc hoằng dương chính pháp, đồng thời đánh dấu một thời hưng thịnh của Phật giáo nước nhà. Chuông chùa Bình Lâm vừa là di vật gốc, độc bản thời Trần, vừa là nguồn sử liệu quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần trên địa bàn Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung.

Năm 2005, chuông chùa Bình Lâm đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Tháng 12 năm 2013, chiếc chuông này lại được nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, và là một trong hai bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (cùng với bia đá của chùa Sùng Khánh).

Chùa Sùng Khánh cũng như chùa Bình Lâm được xem là niềm tự hào của người dân Hà Giang về niềm tin tín ngưỡng ở nơi địa đầu Tổ quốc; thể hiện niềm tin, khát vọng và mong muốn của đồng bào các dân tộc anh em về cuộc sống hòa bình, an lành và hạnh phúc.

Chi tiết trang trí trên chuông chùa Bình Lâm - Ảnh: St

Chi tiết trang trí trên chuông chùa Bình Lâm - Ảnh: St

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hai-bao-vat-quoc-gia-o-chua-sung-khanh-va-chua-binh-lam-huyen-vi-xuyen-tinh-ha-giang.html