Hai bệnh nhân nghi nhiễm độc sau ăn pate chay có dấu hiệu hồi phục

Thông tin trong sáng 26-3 từ Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai bệnh nhân đang điều trị do nghi nhiễm độc sau ăn pate chay đã có dấu hiệu hồi phục sức khỏe.

Các bệnh nhân nghi nhiễm độc sau ăn pate chay đang được điều trị tích cực.

Ngay trong đêm 25-3, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã mang theo biệt dược vào thành phố Hồ Chí Minh, cùng các đồng nghiệp cứu chữa tích cực cho hai bệnh nhân.

Cụ thể, bệnh nhân nữ 53 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (trước đó đã có ngưng tim 1 lần). Đến sáng 26-3, sau 3 giờ được truyền 1 lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum có tên là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ và có biểu hiện nghe hiểu.

Trong khi đó, bé gái 16 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã có biểu hiện hồi phục tốt. Trước khi được truyền thuốc, bệnh nhân suy hô hấp và được thở máy, đồng tử giãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay). Sau khi được truyền huyết thanh kháng độc tố BAT vào tối 25-3, bệnh nhân đã có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến sáng 26-3, bệnh nhân đã có thể rung cơ đùi theo yêu cầu của bác sĩ; đồng tử giãn 4mm, có phản xạ ánh sáng tốt.

Theo các bác sĩ, biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum ở hai bệnh nhân trên là bằng chứng cho thấy các bệnh nhân đã bị ngộ độc thức ăn do độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Trước đó, các bệnh nhân này (ngụ tại tỉnh Bình Dương) đã ăn thực phẩm có pate chay. Một người cùng ăn (là mẹ của bệnh nhi 16 tuổi) đã tử vong. Trong khi chờ xác định chính xác thông tin, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu người dân tạm ngưng việc sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến pate chay chờ thông tin tiếp theo.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo những ai từng ăn pate chay trong những ngày qua cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo điều tra nguồn gốc các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn nêu trên, đặc biệt lưu ý món chả và pate chay. Cùng với đó, tuyên truyền cho người dân lưu ý không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã bị phồng, bẹp, biến dạng, không còn nguyên vẹn.

Cục An toàn thực phẩm cũng đã đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ đạo xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc, truy xuất nguồn gốc, tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm pate nghi ngờ và xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ mắm...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...); có các hướng dẫn việc phòng, chống nguy cơ ngộ độc botulinum do thực phẩm của các gia đình, hộ kinh doanh tự sản xuất và tiêu dùng.

Thu Hoài - Xuân Lộc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/994594/hai-benh-nhan-nghi-nhiem-doc-sau-an-pate-chay-co-dau-hieu-hoi-phuc