Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng: Các cơ sở tiếp nhận trẻ báo cáo nhanh

82 trẻ vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình; Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp hiện ổn định tâm lý, được thăm khám.

Các trẻ vui chơi cùng các cô giáo, bảo mẫu tại Cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Các trẻ vui chơi cùng các cô giáo, bảo mẫu tại Cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, chiều 6/9, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 82 trẻ vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình; Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp hiện ổn định tâm lý, được thăm khám và được chăm sóc dinh dưỡng phù hợp với nhóm độ tuổi.

Đối với các trẻ bị bạo hành, có dấu hiệu của bạo hành, các Trung tâm cử nhân viên đang chăm sóc riêng nhằm chăm sóc tâm lý và theo dõi tình trạng trẻ để có phương án chăm sóc tốt hơn. Riêng 2 trẻ (đang ở Trung tâm Gò Vấp) trở bệnh nặng, hiện đang chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám và điều trị.

Cũng trong chiều 6/9, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình đã báo cáo nhanh về việc tiếp nhận khẩn cấp 32 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng (gồm 19 nam, 13 nữ ) độ tuổi từ 2 đến 9 tuổi. Đội ngũ y bác sỹ Trung tâm đã thăm khám sức khỏe ban đầu, phân loại độ tuổi chăm sóc và cách ly phòng chống dịch sởi; bố trí 2 phòng ở cách ly cho trẻ, đảm bảo về điều kiện ăn, ở, ngủ, sinh hoạt nhóm tuổi từ 2 - 4 tuổi (gồm 27 trẻ) và nhóm từ 5 - 9 tuổi (gồm 5 trẻ); đồng thời bố trí nhân viên chăm sóc cho các cháu 24/24 giờ, chăm lo các chế độ ăn phù hợp với từng độ tuổi, bổ sung thêm sữa và bánh kẹo cho các cháu. Sau thời gian cách ly 21 ngày ổn định sẽ đưa các cháu về các khoa phù hợp với lứa tuổi của các cháu để sinh hoạt.

Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình cho biết, đến chiều 6/9 tình trạng sức khỏe các trẻ tương đối ổn định, tỉnh táo, không lừ đừ, sinh hiệu ổn, không sốt, không phát hiện các chấn thương, không có các vết sưng bầm tím hay trầy ngoài da. Ánh mắt các trẻ đa số rất linh hoạt, lanh lẹ, ngôn ngữ có em nói thì phát âm rõ, còn nhút nhát; nhiều trẻ rất hiếu động, chạy nhảy, leo trèo (đây là lứa tuổi của các bé). “Tâm lý các trẻ dần ổn định, thích nghi với môi trường mới; sinh hoạt tốt, ăn, uống sữa nhiều, ngủ ngon; các bé lớn ăn rất ngoan, ăn nhiều, nhai nuốt tốt; có bé hay khóc đòi mẹ, thỉnh thoảng thiếu tập trung, không trả lời câu hỏi nên bác sỹ sẽ tiếp tục theo dõi”, ông Đinh Hữu Tuyến chia sẻ.

Báo cáo nhanh về công tác tiếp nhận 37 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng (gồm 25 nam, 12 nữ, trong đó có 1 nữ bị khuyết tật nặng), Ban Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự tiếp nhận với yêu cầu đặc biệt quan tâm, trợ giúp các cháu từ quần áo, sữa, sắp xếp phòng ở cho trẻ. Đồng thời phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến trẻ, đảm bảo đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, đơn vị cũng đã bố trí cho trẻ ở khu vực riêng để theo dõi sức khỏe và chăm sóc trẻ ở phòng lớn có 19 trẻ và phòng nhỏ có 18 trẻ cùng với trang thiết bị, nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của trẻ.

“Ngay trong đêm đầu tiên (4/9), các cháu từ 1- 2 tuổi hay khóc, ngủ không ngon giấc do thay đổi môi trường sống. Đến chiều 6/9, các cháu đã hòa nhập tốt với môi trường mới; quen và hợp tác với các cô chăm sóc; ăn, uống bình thường, sức khỏe tốt; biết và tham gia tích cực các hoạt động vui chơi, xem phim hoạt hình, thích nghi nhanh, hòa nhập tốt với môi trường mới”, ông Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ phát triển tốt hơn về thể chất, tinh thần, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố cũng đã đề nghị các đơn vị, trung tâm tiếp nhận tập trung sửa chữa cơ sở vật chất, bố trí nhân sự đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Các đơn vị, trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng để hoàn chỉnh hồ sơ cho trẻ theo quy định; đồng thời có kế hoạch đưa trẻ đi khám bệnh tổng quát và tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ; đặc biệt trẻ thuộc nhóm nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao như: bệnh sởi, tay - chân - miệng, thủy đậu...

Thanh Vũ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vu-bao-hanh-tre-em-o-mai-am-hoa-hong-cac-co-so-tiep-nhan-tre-bao-cao-nhanh/345999.html