Hai bức tranh đại dịch Covid-19 trái ngược trên toàn cầu
Trong khi ác mộng phong tỏa quay trở lại với nhiều quốc gia châu Âu, các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dần tiến tới cuộc sống bình thường hậu đại dịch.
Thế giới đang chứng kiến một đại dịch nhưng có hai bức tranh khác nhau: Có những quốc gia rơi vào tình thế nguy hiểm buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trở lại dù tỷ lệ tiêm chủng cao, trong khi một số nơi lại bắt đầu chấm dứt nhiều lệnh hạn chế khi đạt tỷ lệ chủng ngừa theo kế hoạch.
Trong báo cáo hàng tuần về đại dịch Covid-19 công bố ngày 16/11, WHO cho biết 50.000 ca tử vong vì Covid-19 ghi nhận trên toàn thế giới trong tuần qua nhưng hầu hết khu vực - trừ châu Âu - đều chứng kiến sự giảm nhẹ hoặc không biến động, theo Tân Hoa Xã.
Châu Âu báo cáo 28.304 ca tử vong vì Covid-19 trong tuần rồi, nâng tổng số ở lục địa này lên 1.480.768 trường hợp. Trong 3,3 triệu ca nhiễm mới trên toàn cầu, 2,1 triệu ca đến từ châu Âu.
Ác mộng Covid-19 quay lại châu Âu
Hôm 13/11, Hà Lan - dù có tới 72,3% dân số tiêm chủng đầy đủ - đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu áp đặt lệnh phong tỏa một phần kéo dài 3 tuần kể từ mùa hè vừa qua. Quyết định mà hầu hết quốc gia đều đang nỗ lực để né tránh được đưa ra ở đất nước hoa tulip sau khi ca nhiễm hàng ngày tăng cao kỷ lục.
Các quán bar, nhà hàng và cửa hàng chỉ hoạt động từ 6h đến 20h. Sự kiện thể thao được phép tổ chức nhưng không có khán giả, trong khi người dân được khuyến khích làm việc tại nhà.
Thời gian đóng cửa bắt buộc không áp dụng cho những hoạt động văn hóa - nghệ thuật như rạp chiếu phim, nhà hát và các buổi hòa nhạc.
Theo Reuters, tại Áo, tình trạng gia tăng ca nhiễm hàng ngày tiếp tục kéo dài hơn nhiều so với mức đỉnh một năm trước và các giường chăm sóc đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng.
Do đó, quốc gia Tây Âu thực hiện các biện pháp hạn chế đời sống công cộng nghiêm ngặt khi bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ tư vì Covid-19 bắt đầu ngày 22/11, đồng thời quyết định bắt buộc tiêm chủng toàn dân từ ngày 1/2/2022. Quốc gia 8,9 triệu dân tới nay đã tiêm chủng đầy đủ cho 66% dân số, tỷ lệ thuộc hàng thấp nhất ở Tây Âu.
Phần lớn các địa điểm tụ tập đông người, như nhà hàng, quán cà phê, bar, nhà hát, các cửa tiệm phi thiết yếu, tiệm cắt tóc bị cấm mở cửa, trước tiên là trong 10 ngày, và có thể mở rộng tới 20 ngày. Các chợ Giáng sinh - vốn là điểm thu hút du khách - cũng buộc phải nghỉ bán.
Lần phong tỏa thứ tư ở Áo tương tự với các đợt trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên áp dụng khi vaccine đã đi vào sử dụng rộng rãi. Trước đó, Áo cũng là quốc gia Tây Âu đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa dành riêng cho những người chưa tiêm phòng vaccine Covid-19 từ ngày 15/11. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa đủ để đẩy lùi tình trạng gia tăng ca nhiễm hàng ngày và các giường chăm sóc đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng.
Ireland (đã tiêm chủng cho hơn 75% dân số) đã đưa ra lệnh giới nghiêm vào nửa đêm với ngành dịch vụ vào đầu tuần này.
AP đưa tin tại Bỉ, kể từ ngày 22/11, trừ trường hợp cần thiết, người dân phải làm việc ở nhà ít nhất 4 ngày/tuần.
Người trên 10 tuổi phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, vào nhà hàng, tham gia sự kiện trong nhà hơn 50 người. Vũ trường và quán bar yêu cầu khách phải tự xét nghiệm ở lối vào.
Kể từ ngày 22/11, Slovakia - với 45,3% dân số tiêm đủ liều - cấm những người chưa tiêm vaccine đến các cửa hàng không thiết yếu và trung tâm thương mại. Các đối tượng này cũng không thể góp mặt trong sự kiện công cộng. Để được đi làm, họ phải xét nghiệm 2 lần/tuần.
Tại Đức, thủ hiến các bang thống nhất hạn chế những người chưa tiêm vaccine và những khu vực có nguy cơ quá tải hệ thống y tế. Quốc gia Trung Âu đang xem xét buộc toàn bộ nhân viên y tế tiêm vaccine. Một số chợ Giáng sinh truyền thống tại Đức cũng chỉ mở cửa đối với những ai đã tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 22/11 đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng chưa từng thấy trong bối cảnh ca nhiễm tăng vọt.
"Vào cuối mùa đông này, hầu hết người dân ở Đức... sẽ được tiêm phòng, hồi phục hoặc chết", ông Spahn nói với các phóng viên ở Berlin.
Người đứng đầu Bộ Y tế Đức hối thúc người dân khẩn trương đi tiêm phòng hoặc tiêm mũi nhắc lại theo đúng quy định, giữa lúc nước này ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Các bệnh viện cảnh báo phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đều gần như kín chỗ và một số bệnh nhân buộc phải chuyển tới những phòng khám ở xa để điều trị, theo AP.
Dịch Covid-19 dần biến mất
Trong khi đó, Nhật Bản lại chứng kiến gam màu tươi sáng bí ẩn khi Covid-19 dường như dần biến mất. Cuối tháng 8, đại dịch đạt đỉnh, gần 26.000 ca mắc Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày. Nhưng sau 3 tháng, con số này giảm mạnh.
Tuần qua, Nhật Bản ghi nhận trung bình khoảng 200 ca mắc mỗi ngày. Bên cạnh đó, nước này không ghi nhận bất cứ ca tử vong vì Covid-19 nào kể từ 7/11.
Nhật Bản là trường hợp hiếm hoi số ca Covid-19 không tăng dù nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng đã mở cửa và đông đúc trở lại.
Các yếu tố như tỷ lệ tiêm chủng cao (75% dân số), thói quen giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, thời tiết mát mẻ hơn, hệ thống xét nghiệm hiệu quả, cùng thái độ cảnh giác của người dân, góp phần giúp giảm mạnh số ca lây nhiễm tại Nhật Bản.
Ngoài ra, Japan Times cho biết yếu tố chính do giới nghiên cứu phỏng đoán xuất phát từ biến đổi gene của virus trong quá trình tự nhân bản. Hiện nay, khoảng 2 đột biến trên virus xuất hiện mỗi tháng.
Biến chủng Delta ở Nhật tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein phi cấu trúc, có chức năng sửa lỗi di truyền mang tên nsp14. Hệ quả là virus dần mất đi chức năng tự sửa lỗi gene, cuối cùng dẫn tới "tự hủy diệt".
Học cách sống chung
Tại nước láng giềng Hàn Quốc, lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở đây vào đầu năm 2020, các trường học trên toàn quốc bắt đầu học trực tiếp toàn thời gian kể từ ngày 22/11, Straits Times đưa tin.
Là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát dịch lớn, trường học tại Hàn Quốc chứng kiến nhiều giai đoạn ngừng hoạt động, học tập từ xa hay kết hợp học online và offline.
Động thái trên nằm một phần trong kế hoạch “sống chung với Covid-19” của chính phủ sau khi đạt mục tiêu tiêm chủng vào tháng 10.
Dù tỷ lệ tiêm chủng cao, với 78,8% dân số đã nhận đủ liều, Hàn Quốc vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, kỷ lục 3.292 trường hợp vào ngày 18/11, cùng với số ca nặng ở khoảng 500 ca ở thời điểm hiện tại.
“Đúng là vẫn còn lo ngại”, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hye cho biết trong chuyến thăm tới một trường tiểu học ở Seoul hôm 22/11. “Khi số ca mắc tăng lên, chúng tôi yêu cầu các bậc phụ huynh và những thành viên trong gia đình chú ý tới biện pháp phòng ngừa”.
Trường học vẫn có thể chuyển sang hình thức học tập từ xa hoặc học kết hợp nếu tình hình diễn biến phức tạp. Khẩu trang hay giãn cách vẫn sẽ được duy trì.
Ở New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết sẽ áp dụng hệ thống mới để sống chung với virus từ ngày 3/12, chấm dứt các biện pháp phòng ngừa và cho phép doanh nghiệp hoạt động tại Auckland. Reuters đưa tin thành phố lớn nhất New Zealand đã phong tỏa hơn 90 ngày, dù đã nới lỏng một số biện pháp gần đây.
“Sự thật là biến chủng Delta sẽ không biến mất, nhưng New Zealand sẵn sàng giải quyết vấn đề này vì tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp khác như ‘hệ thống đèn giao thông’ và tiêm chủng”, bà Ardern nói.
Hệ thống “đèn giao thông” để chỉ các khu vực đặt trong màu đỏ, cam hoặc xanh lá tùy thuộc vào mức độ dịch và tỷ lệ tiêm chủng. Auckland, tâm chấn của đợt bùng dịch, cùng với các vùng có tỷ lệ tiêm thấp, đặt trong màu đỏ.
Dù ở trong vùng màu nào, mọi người đều có thể tự do thăm bạn bè và gia đình, và bên ngoài Auckland đi du lịch khắp đất nước. Người dân Auckland có thể rời thành phố nếu có bằng chứng tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính từ ngày 15/12-17/1, sau đó được đi lại tự do.
Khoảng 83% người New Zealand đủ điều kiện nhận đủ liều vaccine. Nếu tất cả những người đến hạn tiêm mũi thứ hai, con số tăng lên 88%. Trước đó, chính phủ cho biết sẽ dỡ bỏ hạn chế và chuyển sang mô hình “đèn giao thông” khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 90%.
Australia hôm 22/11 đã thông báo “bước tiến quan trọng” khi cho phép tất cả những người có thị thực đủ điều kiện sẽ được phép quay lại nước này mà không cần giấy xin phép từ ngày 1/12.
BBC đưa tin người di cư có tay nghề cao, sinh viên quốc tế, lý do nhân đạo, lao động kỳ nghỉ hay thị thực gia đình tạm thời, hoặc là công dân Hàn Quốc và Nhật Bản, là đối tượng được đến Australia.
Họ cần phải tiêm chủng đầy đủ loại vaccine Australia thông qua và chấp thuận, đồng thời có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 ba ngày trước khi bay.
Xứ sở chuột túi bắt đầu mở cửa theo từng giai đoạn khi đạt mục tiêu tiêm chủng. Hiện có 85% người dân từ 16 tuổi trở lên chủng ngừa đầy đủ tại Australia.
Trước đó, Australia thực hiện một số biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ nhất thế giới, ngay cả với chính công dân nước mình. Nước này cũng cấm người dân rời khỏi đất nước khiến nhiều người gọi chiến lược đó là “Pháo đài Australia”.