Hai bức tranh trái ngược trên thế giới trước thềm năm mới

Trong khi nhiều nước châu Âu áp đặt lại các biện pháp phong tỏa, hạn chế do lo ngại biến chủng Omicron, Australia hành động ngược lại dù số ca mắc mới đạt kỷ lục.

Ngay trước dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, hàng loạt quốc gia châu Âu ban hành các biện pháp hạn chế mới để phòng dịch. Từ ngày 19/12, Hà Lan phong tỏa toàn quốc. Giới chức Ireland tuyên bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Việc bắn pháo hoa vào đêm giao thừa bị cấm tại Pháp và Đức. Israel yêu cầu người dân làm việc tại nhà nếu có thể, cũng như ban hành lệnh hạn chế di chuyển tới Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Ở chiều ngược lại, Australia - một trong số các nước phát triển có các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất - bắt đầu dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế trong những ngày qua, dù số ca bệnh Covid-19 đang tăng mạnh trở lại.

 Nhiều người tắm nắng trên bãi biển Bondi ở Sydney hôm 15/12. Ảnh: AP.

Nhiều người tắm nắng trên bãi biển Bondi ở Sydney hôm 15/12. Ảnh: AP.

Nước láng giềng New Zealand cũng có hành động tương tự. Sau nhiều tháng tạm hoãn do dịch, đám cưới của Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ được tổ chức vào tháng một tới.

Khi một số quốc gia tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để phòng Covid-19 nói riêng và biến chủng Omicron nói chung, một số nước lại lựa chọn dỡ bỏ dần hạn chế, dù tình hình dịch bệnh đang xấu đi.

Nghịch lý nơi dỡ phong tỏa

Giới chức y tế bang New South Wales - bang đông dân nhất Australia - hôm 15/12 dỡ bỏ hàng loạt biện pháp hạn chế, bao gồm nới lỏng quy định đeo khẩu trang và xuất trình chứng nhận tiêm vaccine.

Từ ngày 15/12, chính quyền bang này hủy bỏ quy định buộc đeo khẩu trang tại hầu hết địa điểm công cộng, tuy biện pháp bảo vệ này vẫn được khuyến cáo thực hiện. Các phương tiện công cộng, trên máy bay, sân bay là những nơi vẫn yêu cầu đeo khẩu trang, ABC News đưa tin.

Lệnh hạn chế số người đến thăm nhà riêng và tham dự các sự kiện công cộng cũng bị dỡ bỏ. Các cơ sở cắt tóc, làm đẹp, phòng tập cũng không còn bị hạn chế về công suất. Các sự kiện thể thao có quá 1.000 người tham dự cũng không cần xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng dịch.

Ngoài ra, những người tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 cũng không cần tự cách ly 7 ngày. Họ chỉ cần làm xét nghiệm PCR và chờ kết quả âm tính. Tuy vậy, những người sống cùng nhà hoặc thường xuyên đến người bệnh vẫn phải cách ly.

Những người chưa tiêm chủng cũng sẽ được hưởng “quyền tự do” như những người đã tiêm chủng, chính quyền New South Wales tuyên bố.

Trước đó, những người chưa tiêm chủng không thể đi ăn tại nhà hàng, đến phòng tập hay mua sắm các mặt hàng không thiết yếu, theo Washington Post.

Tuy vậy, quyết định này đang vấp phải một số chỉ trích. Tại Australia, nơi mở cửa lại biên giới kể từ tháng 11, giới chuyên gia đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa như buộc đeo khẩu trang trong nhà, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trong ngày lập kỷ lục mới.

 Australia đang dỡ dần phong tỏa dù số ca mắc mới đạt ngưỡng kỷ lục. Ảnh: Reuters.

Australia đang dỡ dần phong tỏa dù số ca mắc mới đạt ngưỡng kỷ lục. Ảnh: Reuters.

Australia đã phát hiện ít nhất 97 ca bệnh liên quan đến một bữa tiệc tại Sydney hôm 10/12. Khoảng 600 người khác đang phải cách ly vì tiếp xúc gần. Trong khi đó, ổ dịch liên quan tới một hộp đêm ở thành phố Newcastle ghi nhận hơn 200 trường hợp dương tính.

Trong khi đó, dù dỡ bỏ hạn chế về các hoạt động trong cộng đồng, New Zealand vẫn siết chặt việc nhập cảnh. Những người đến New Zealand vẫn phải cách ly hai tuần tại khách sạn. Điều này giúp quốc đảo trên ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron, dù phát hiện hơn 10 ca bệnh đến từ các chuyến bay quốc tế.

Các mô hình dịch bệnh dự đoán số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày tại New South Wales có thể lên đến 25.000 ca vào cuối tháng một. Từ các con số này, giới chức Australia kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động vào kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Theo ông Omar Khorshid, chủ tịch Liên đoàn Y học Australia, việc lựa chọn thời điểm này để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế như đeo khẩu trang là “kỳ lạ”. Ông cho biết số ca nhập viện thường tăng sau số ca nhiễm từ một đến hai tuần. “Sẽ là quá muộn khi chúng ta thấy số ca nhập viện thực sự tăng cao”, ông Khorshid nói.

Giới chức Australia vẫn tin tưởng việc tiêm chủng, bao gồm tiêm mũi ba, có thể giúp số ca bệnh giảm trở lại. Theo dữ liệu của Đại học John Hopkins, khoảng 77% người Australia đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.

“Chúng ta đã sẵn sàng. Chúng ta có ý định sống với virus và không có ý định tiếp tục đóng cửa”, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói hôm 18/12.

Áp đặt lại hạn chế

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/12 dự đoán bệnh viện tại nhiều khu vực sẽ “sớm quá tải” khi số ca bệnh gia tăng nhanh. Bên cạnh đó, biến chủng Omicron đã xuất hiện tại gần 100 quốc gia. Số ca dương tính với biến chủng này chỉ mất từ 1,5-3 ngày để tăng gấp đôi ở những khu vực có sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Để ứng phó, nhiều quốc gia đã ban hành các biện pháp hạn chế mới. Mỹ tuyên bố áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ nhiều nước châu Phi, cũng như tăng cường yêu cầu về xét nghiệm đối với người đến từ các quốc gia khác. Người Mỹ được chính phủ khuyến khích đi tiêm vaccine mũi thứ ba khi đủ điều kiện.

Trên khắp châu Âu, nơi Omicron đang trên đà vượt qua Delta để trở thành biến chủng chủ đạo, các nước đang áp đặt lại các biện pháp phòng dịch cứng rắn để giảm mức độ lây lan của dịch bệnh.

 Nhiều nước châu Âu đã áp đặt lại các biện pháp phong tỏa ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới để phòng dịch. Ảnh: Reuters.

Nhiều nước châu Âu đã áp đặt lại các biện pháp phong tỏa ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới để phòng dịch. Ảnh: Reuters.

Thủ đô Paris, Pháp hủy bỏ màn bắn pháo hoa thường niên vào đêm giao thừa. Đan Mạch tuyên bố đóng cửa nhà hát, công viên giải trí và bảo tàng. Trong khi đó, Ireland buộc các quán rượu đóng cửa từ 20h, đồng thời hạn chế số lượng người tham dự sự kiện, cả trong nhà lẫn người trời.

“Quyết định này là không dễ dàng”, Thủ tướng Ireland Micheál Martin nói hôm 17/12, theo AP. “Chúng ta đều mệt mỏi với Covid-19 nhưng các biện pháp hạn chế này là cần thiết”.

Một số quốc gia khác còn mạnh tay hơn trong đối phó với dịch bệnh. Chính phủ Hà Lan dự tính siết chặt biện pháp phong tỏa một phần đang được áp dụng với hy vọng xu hướng suy giảm số ca nhiễm sẽ tiếp tục.

Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố mọi quán bar, nhà hàng và cả cửa hàng bán đồ không thiết yếu phải đóng cửa từ ngày 19/12 đến ngày 14/1/2022. Các trường học sẽ đóng cửa đến ngày 9/1/2022.

Hôm 16/12, Pháp tuyên bố cấm du khách từ Anh nhập cảnh. Trong khi đó, Đức áp đặt lại lệnh buộc cách ly đối với mọi người đến từ Anh kể từ nửa đêm ngày 20/12, cũng như yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính khi vào Đức.

Trong khi đó, Anh đã tái ban hành yêu cầu đeo khẩu trang ở các địa điểm trong nhà. Những người muốn đến hộp đêm hay các sự kiện tập trung đông người phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính. Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo về một “làn sóng thủy triều” của các ca mắc mới.

Theo tờ Times. giới chức Anh đang lên kế hoạch ban hành các quy tắc mới, trong đó cấm mọi cuộc tụ tập trong nhà tại vùng England trong hai tuần lễ sau giáng sinh. Các quán bar và nhà hàng sẽ phải hạn chế công suất phục vụ.

Israel cũng đã kéo dài lệnh cấm tạm thời với du khách nước ngoài. Nước này cũng đang có ý định bổ sung Mỹ vào “danh sách đỏ” bao gồm các quốc gia có nguy cơ cao.

Công dân Israel trở về từ các quốc gia trong “danh sách đỏ” phải cách ly trong khách sạn để chờ kết quả xét nghiệm PCR âm tính, trước khi tự cách ly 7 ngày tại nhà. Trong khi đó, người Israel muốn đến các nước trên phải nhận được sự chấp thuận của chính quyền.

Giới khoa học cho biết biến chủng Omicron vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải, bao gồm hiệu quả của vaccine và độc lực của virus. Tuy vậy, việc biến chủng Omicron vẫn lây lan mạnh mẽ tại Đan Mạch - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng khá cao - đặt ra mối quan ngại mới.

“Điều cần làm lúc này là ‘làm phẳng đường cong’ một chút, vì chúng ta chưa biết tỷ lệ người mắc chủng Omicron phải nhập viện là bao nhiêu”, Chủ tịch Liên đoàn Y học Australia Omar Khorshid nói.

“Biến chủng Omicron có vẻ nhẹ hơn, tuy vậy, nếu số ca mắc mới mỗi ngày lên đến hàng chục nghìn người thì dù chỉ một tỷ lệ nhỏ phải nhập viện cũng có thể gây quá tải”, ông Khorshid cảnh báo.

Trong bối cảnh này, giới chức y tế nhiều nước thúc giục người dân tiếp tục đi tiêm vaccine để giảm thiểu tác hại của biến chủng mới.

“Tôi xin kêu gọi hơn một triệu người dân London chưa tiêm vaccine Covid-19 - không bao giờ là quá muộn để tiêm mũi đầu tiên hay thứ hai”, Thị trưởng London Sadiq Khan nói. “Điều này sẽ bảo vệ bạn, bảo vệ người thân của bạn và cả hệ thống y tế của chúng ta”.

Việt Hà

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-buc-tranh-trai-nguoc-tren-the-gioi-truoc-them-nam-moi-post1284568.html