Hai cách làm trong câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Những ngày qua, nhiều nơi trong tỉnh tất bật với việc giải cứu nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, ở Mộc Châu, đa số nông sản vẫn tiêu thụ khá tốt, dù giá cả có thấp hơn so với cùng kỳ. Sự khác nhau này nằm ở chỗ vai trò của HTX khi có phương án sản xuất hợp lý và liên kết được đầu ra ổn định.

Hệ thống nhà lưới trồng rau màu của HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Hệ thống nhà lưới trồng rau màu của HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Ảnh: PV

Gia đình ông Phạm Văn Đấu, bản Mai Tiên, xã Mường Bon (Mai Sơn), có vườn rau rộng 5.000 m² không tiêu thụ được, số tiền thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Dẫn chúng tôi ra khu vườn trồng bắp cải, súp lơ quá lứa xen lẫn cỏ, ông Đấu xót xa: Gia đình tôi đã đầu tư hơn 20 triệu đồng mua phân bón, chưa kể giống, công chăm sóc, dự tính sẽ thu hoạch để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá rau sụt giảm mạnh, không có người mua, vì vậy phải tự tiêu hủy.

Vừa là người sản xuất, ông Đấu cũng là Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiên Sơn (xã Mường Bon). Ông Đấu bộc bạch: Thành lập từ năm 2013 với 26 thành viên chuyên sản xuất 6,8 ha rau các loại. Tuy nhiên các thành viên tham gia hiện chỉ mang danh, còn HTX hoạt động không hiệu quả do không lo được đầu vào, đầu ra như: Cung ứng giống, vốn, phân bón và tiêu thụ sản phẩm của thành viên. Giá thu mua rau sản xuất theo quy trình VietGAP và rau sản xuất thông thường gần như bằng nhau, dẫn đến không khuyến khích được các thành viên HTX sản xuất rau an toàn. Cả hai đầu đều bí, vì thế mà 6 thành viên đã tự rời khỏi HTX.

Ông Đấu cho biết thêm: Từ khi mới thành lập, Ban Giám đốc HTX cũng được hỗ trợ đi tham quan, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Nhưng do HTX không đủ vốn đầu tư mua xe ô tô lạnh để thu mua, vận chuyển nông sản của các thành viên cung cấp theo đơn đặt hàng của các siêu thị. Hầu hết sản phẩm rau của các thành viên HTX đều do tư thương đến mua. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, tư thương không đến mua rau nữa và HTX cũng không có cách nào để hỗ trợ cho các thành viên tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Tại Mộc Châu, tuy cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng HTX Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) vẫn hoạt động hiệu quả nhờ có kinh nghiệm sản xuất và mối liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên, chia sẻ: HTX hiện có 70 thành viên chuyên sản xuất 20 ha rau các loại. Trước vụ sản xuất HTX đều theo dõi thời vụ, nắm tình hình sản xuất của các tỉnh miền xuôi, loại rau nào họ trồng nhiều thì chúng tôi không trồng nữa, tránh phải cạnh tranh dư thừa dẫn đến không tiêu thụ được. Mùa hè, chúng tôi tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ ở Mộc Châu để trồng các loại rau trái vụ. Hiện nay, mặc dù giá rau ăn lá giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng HTX vẫn thu mua với giá thấp nhất 2.000 đồng/kg rau của các thành viên, cao hơn 50% so với giá ngoài thị trường. HTX còn liên kết sản xuất với 4 HTX trên địa bàn chuyên cung cấp rau cho các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Metro, Big C và các nhà hàng, siêu thị, trường học ở các tỉnh: Nghệ An, Nam Định…

Vườn bắp cải quá lứa không bán được của nông dân bản Mai Tiên, xã Mường Bon (Mai Sơn).

Vườn bắp cải quá lứa không bán được của nông dân bản Mai Tiên, xã Mường Bon (Mai Sơn).

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 682 HTX, 32.837 thành viên; trong đó, có hơn 660 HTX nông, lâm, thủy sản. Toàn tỉnh có 23 chuỗi rau an toàn, 115 chuỗi quả an toàn và 32 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn khác; có 49 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm 5 sao, 17 sản phẩm 4 sao, 31 sản phẩm 3 sao) của các HTX nông nghiệp... Các HTX đã tham gia sản xuất và xuất khẩu rau, quả các loại sang 12 thị trường: Úc, Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Trung Đông...

Trao đổi với ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh về những khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản hiện nay, ông Lợi thẳng thắn: Theo rà soát, tỉnh ta có khoảng 30% HTX hoạt động hiệu quả, 40% HTX hoạt động bình thường và 30% HTX hoạt động không hiệu quả. Ông Lợi cũng cho biết thêm: Tình trạng giá nông sản xuống thấp vừa qua là khó khăn chung, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các HTX, hộ sản xuất nhận ra những khó khăn, hạn chế và rút ra kinh nghiệm trong sản xuất để có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản của HTX. Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức cho các HTX được giao lưu, liên kết và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Dịch bệnh COVID-19 đã “phơi bày” yếu điểm của sản xuất đơn lẻ, manh mún, tự phát của các hộ nông dân, cho thấy năng lực của nhiều HTX còn yếu, thiếu tính liên kết và dễ dàng bị xô đổ khi gặp sóng gió của thị trường. Giải cứu nông sản thể hiện sự chia sẻ, chung tay vì cộng đồng, nhưng chỉ là biện pháp tình thế, không bền vững. Các cấp, các ngành cần có quy hoạch sản xuất phù hợp, hỗ trợ các HTX có phương án sản xuất khoa học, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững, nâng cao khả năng dự báo thị trường; tích cực xây dựng, quảng bá thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hai-cach-lam-trong-cau-chuyen-tim-dau-ra-cho-san-pham-nong-nghiep-38159