Hai cam kết quan trọng ít được nói đến về lọc dầu Nghi Sơn

Những ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn có ít nhất 2 điểm cốt tử khiến cho giờ đây Việt Nam lâm cảnh 'tiến thoái lưỡng nan' với đại dự án có vốn đầu tư nước ngoài này.

Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm công ty Dầu khí quốc tế Cô-oét (KPE), công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ góp vốn 25,1%. Dự án vận hành thương mại vào tháng 12/2018.

Dự án này được duyệt vào năm 2008 có mức vốn 6,1 tỷ USD, sau đó đội vốn lên 9,2 tỷ USD.

Ngày 5/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo (tại Thông báo số 367/TB-VPCP ngày 5/11/2012 của Văn phòng Chính phủ) về kết quả đàm phán Thỏa thuận về Cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án (GGU) đối với Dự án, trong đó: Đồng ý nguyên tắc dự thảo FPOA thông qua việc PVN bao tiêu sản phẩm lọc dầu cho dự án.

Ngoài ra, PVN thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu Chính phủ đã cam kết ưu đãi cho dự án.

Sản xuất ra bao nhiêu, Việt Nam buộc phải mua hết

Với cam kết bảo lãnh như kể trên, lọc dầu Nghi Sơn sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm thì PVN phải bao tiêu hết.

Theo nguyên tắc quy định tại Thỏa thuận cam kết bảo lãnh của Chính phủ và Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA), giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn tương đương với xăng dầu nhập khẩu.

Trong khi đó, thời gian này Việt Nam cũng đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. Mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các nhà máy lọc dầu trong nước lại cao hơn mức thuế suất thuế ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do. Cho nên về lý thuyết, giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ luôn cao hơn so với xăng dầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, những ưu thế của việc mua trong nước là được thanh toán bằng đồng nội tệ, tiết kiệm chi phí vận chuyển... là những vấn đề doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thể xem xét khi mua hàng của lọc dầu Nghi Sơn.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 3/2/2016, Bộ Công Thương đã cảnh báo việc tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ rất khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các thương nhân đầu mối tăng dần sản lượng nhập khẩu các lô hàng có xuất xứ từ những nước được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt như Hàn Quốc do rẻ hơn.

Việc phải mua hết sản phẩm do lọc dầu Nghi Sơn sản xuất ra trong khi các quy định về kinh doanh xăng dầu hiện hành không bắt buộc các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối phải mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước là vấn đề từng khiến cơ quan quản lý đau đầu.

Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu có thể rẻ hơn mua của nhà máy lọc dầu trong nước nên thời điểm đó Bộ Công Thương đã lo ngại nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro rất lớn.

Lúc đó, từng có kiến nghị rằng Bộ Công Thương chỉ cấp hạn ngạch (quota) nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước. Nhưng các bộ ngành đồng loạt phản đối dữ dội do vi phạm cam kết WTO và các hiệp định thương mại đã ký kết.

Dù vậy, cho đến nay việc nhập khẩu xăng dầu như thế nào, bao nhiêu vẫn luôn được Bộ Công Thương tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cho lọc dầu Nghi Sơn không bị ‘ế’.

Suốt thời gian qua, khi có những biến động xảy ra, việc tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn hay Dung Quất gặp khó, Bộ Công Thương thường có các văn bản đề nghị thương nhân đầu mối xăng dầu ưu tiên mua hàng của nhà máy lọc dầu trong nước.

Ưu đãi thuế nhập khẩu, bù tiền khi thuế nhập khẩu thấp hơn

Theo Thỏa thuận và Cam kết bảo lãnh của Chính phủ, Lọc dầu Nghi Sơn có thể áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% cho các sản phẩm hóa dầu. Ưu đãi này áp dụng trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại (năm 2027)

Trong thời hạn trên, nếu Việt Nam quy định thuế suất Thuế nhập khẩu thấp hơn, thì Chính phủ đảm bảo rằng PVN sẽ thanh toán cho Lọc dầu Nghi Sơn số chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% cho các sản phẩm hóa dầu, trong mọi trường hợp Lọc dầu Nghi Sơn bán sản phẩm của mình cho thị trường nội địa, cho dù thông qua PVN hay bên bao tiêu khác.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngày 15/1/2013, PVN và NSRP đã ký kết Hợp đồng bao tiêu sản phẩm (FPOA), trong đó, các mức ưu đãi thuế nhập khẩu tương ứng với từng sản phẩm đã được đưa vào công thức giá của Hợp đồng này.

Điều trớ trêu là, dù cam kết với lọc dầu Nghi Sơn như vậy, nhưng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc ký ngày 5/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 lại cam kết thuế nhập khẩu dầu diesel còn 5%, các sản phẩm hóa dầu khác còn 0-5%. Trong khi đó, FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9/2009 lại cam kết thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu còn 0%.

Như vậy, về lý thuyết dầu nhập từ Hàn Quốc sẽ rẻ hơn của các nhà máy trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất. Mức thuế ưu đãi đặc biệt đó lại thấp hơn mức thuế nhập khẩu cam kết với lọc dầu Nghi Sơn, nên PVN ngay lập tức phải bù thuế với các mặt hàng dầu cho lọc dầu Nghi Sơn.

Thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong các cam kết quốc tế

Thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong các cam kết quốc tế

Còn thuế nhập khẩu xăng đang áp dụng hiện nay là 20% vẫn cao hơn so với mức ưu đãi cho Nghi Sơn 7% nên PVN không phải bù thuế (theo lộ trình cam kết, từ năm 2017 đến năm 2022, mức thuế suất Thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm xăng sẽ giữ ở mức 20%. Nhưng thuế nhập xăng từ Hàn Quốc theo FTA ký với Hàn Quốc chỉ còn 10%).

Vì thế, khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù thuế cho nhà máy này để giá bán của các nhà máy này cạnh tranh được với giá xăng dầu nhập khẩu.

Năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng đưa ra kịch bản: Trên cơ sở giả định giá dầu thô WTI là 75 USD/thùng, PVN đã tính toán và báo cáo Bộ Tài chính số tiền PVN phải thanh toán cho NSRP phát sinh từ việc thay mặt Chính phủ thực hiện ưu đãi cam kết thuế nhập khẩu cho Dự án là trong suốt thời gian ưu đãi như sau: Một là chênh lệch thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu (thanh toán thông qua FPOA): khoảng 65 nghìn tỷ đồng (trong đó 7 nghìn tỷ đồng thanh toán cho nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT phát sinh trên số tiền chênh lệch thuế). Hai là chênh lệch thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu (Lọc dầu Nghi Sơn bán cho bên thứ ba) khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Tổng cộng số tiền phải bù thuế theo tính toán khi đó là khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Con số được tính toán này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ có sự khác biệt nào hay không vì các thông tin được giữ kín. Nhưng ngay khi Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại, số tiền PVN phải thanh toán cho lọc dầu Nghi Sơn phát sinh từ việc Chính phủ thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu cho dự án này là rất lớn.

Điều này đồng nghĩa với việc, lợi nhuận từ phần vốn góp 25% mà PVN tham gia vào dự án này có thể thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra để bù thuế. Trong bối cảnh lọc dầu Nghi Sơn đang báo lỗ như hiện nay, thực sự Việt Nam đang chịu thiệt đơn thiệt kép.

BẤP BÊNH NGUỒN CUNG TỪ NHÀ MÁY LỌC DẦU NGHI SƠN

Cách đây ít lâu, Lọc dầu Nghi Sơn phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính.Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD.Điều này khiến việc cung ứng xăng dầu của Việt Nam đang trong thế bị động. Vì phải bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn, nếu ùn ùn nhập khẩu thì có khả năng không tiêu thụ được hết sản phẩm của dự án này (nếu dự án trở lại hoạt động bình thường). Còn nếu trông chờ vào Nghi Sơn với một tương lai bất định, thì nguồn cung xăng dầu thiếu hụt là chuyện khó tránh khỏi.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/loc-dau-nghi-son-2-cam-ket-viet-nam-thiet-don-thiet-kep-823560.html