Hai chiều trái ngược trong bức tranh Covid-19 toàn cầu
Xu hướng lúc này của các thành phố trên khắp thế giới là mở cửa trở lại, nhưng vẫn có nhiều nơi một lần nữa phải siết chặt biện pháp hạn chế vì số ca mắc Covid-19 gia tăng.
Vào một cuối tuần gần đây tại Brussels, Bỉ, các quán cà phê vỉa hè của thành phố ngồi chật khách hàng nói tiếng Anh và Pháp. Những nhà hàng nổi tiếng được đặt kín chỗ cho tới tối muộn, trong khi thứ bia trứ danh của đất nước này tự do tuôn trào tại nhiều quán bar.
Khung cảnh nhộn nhịp như trên không phải chỉ diễn ra ở Brussels, theo một phân tích mới của Bloomberg News.
Cụ thể, Bloomberg News đã quan sát các quy định chống dịch tại 40 thành phố trên khắp thế giới từ đầu tháng 8 và hơn 30 thành phố khác từ giữa tháng 9.
Mỗi nơi được phân vào một trong ba cấp gồm “mở cửa phần lớn”, “mở cửa tương đối”, và “mở cửa hạn chế”, dựa trên biện pháp chống dịch như quy định hạn chế lượng khách tại nhà hàng và lệnh đeo khẩu trang…
Vào ngày 10/8, chỉ 33% các thành phố này đang ở cấp độ “mở cửa phần lớn”. Tới tuần trước, con số này là 56%.
Dữ liệu cho thấy khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng và chính quyền dần thích ứng với số ca mắc nhất định, ngày càng nhiều nơi đang dỡ bỏ các biện pháp chống dịch và kiểm soát biên giới, trong khi hoạt động kinh doanh và du lịch dần hồi phục.
Các thành phố đang mở cửa trở lại
Tại Italy lúc này, chính phủ cho phép rạp chiếu phim, nhà hát kịch và phòng hòa nhạc được hoạt động 100% công suất từ đầu tháng 10.
Cũng trong tháng 10, Saudi Arabia nới quy định đeo khẩu trang và bỏ lệnh giãn cách xã hội tại nơi đông người, trên phương tiện giao thông công cộng, nhà hàng và rạp chiếu trước thềm lễ hội giải trí sẽ kéo dài tới hết mùa xuân năm 2022.
Nhưng không phải mọi thứ đều hoàn toàn trở lại bình thường. Thủ đô Brussels của Bỉ trong tháng này đặt ra quy định mới yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng để được vào nhiều địa điểm.
Khẩu trang luôn thường trực trên mặt nhân viên dịch vụ và là điều bắt buộc trên phương tiện giao thông công cộng tại Brussels. Hộp đêm được mở cửa trở lại và các sự kiện cá nhân quy mô lớn cũng được phép tổ chức.
Nhưng tại vùng Flanders của Bỉ, sau khi chứng kiến làn sóng dịch bệnh mới, chính quyền vùng này khuyến khích làm việc từ xa và cũng đang xem xét ra quy định mới yêu cầu học sinh đeo khẩu trang, đài phát thanh nhà nước VRT thông báo.
Song song với quá trình tái mở cửa là sự biến chuyển trong thái độ của người dân về những ưu tiên trong đại dịch.
Một bản khảo sát gần đây do công ty truyền thông Kekst CNC thực hiện với người dân 6 nước - Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức và Pháp - cho thấy ngày càng nhiều người ủng hộ mục tiêu “bảo vệ nền kinh tế”, trong khi mức ủng hộ dành cho việc “hạn chế Covid-19 lây lan” đang giảm dần.
Cũng theo bản khảo sát này, rất ít người ủng hộ các biện pháp chống dịch theo đường lối phong tỏa, kể cả khi đặt trong tình huống giả sử là bệnh viện bắt đầu chịu sức ép từ số ca mắc Covid-19.
Người dân đi lại nhiều hơn
Xu hướng mở cửa diễn ra đúng thời điểm các giới hạn đi lại đang dần nới lỏng, chẳng hạn như việc Mỹ dự kiến mở cửa biên giới với người đã tiêm đầy đủ bắt đầu từ ngày 8/11. Động thái này của Mỹ gần như chắc chắn sẽ tạo cú hích cho hoạt động kinh doanh và du lịch toàn cầu.
Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã dần tái mở cửa biên giới từ mùa hè, bao gồm cho cả người nhập cảnh từ Mỹ. Tương tự, Anh cũng theo bước các nước láng giềng EU nới lỏng biên giới trong tháng qua.
Xu hướng trên đang được thể hiện qua hoạt động kinh doanh của những công ty sống dựa vào du khách.
“Chúng tôi hài lòng với đà khôi phục hiện tại. Chúng tôi ngày càng tin tưởng việc đi lại sẽ được khôi phục về lâu dài trên tất cả lĩnh vực”, Tony Capuano, CEO chuỗi khách sạn Marriott International Inc., phát biểu trong hội nghị nhà đầu tư hồi tháng 9.
Các hãng hàng không cũng cảm nhận được tác động từ xu hướng mở cửa. Tuần trước, hãng Delta Air Lines Inc. của Mỹ lần đầu tiên thu lãi quý kể từ khi đại dịch bắt đầu. Theo báo cáo quý của hãng này, lượng hành khách đi du lịch ở Mỹ đã trở về mức trong năm 2019, trong khi lượng khách đi công tác đang phục hồi.
“Khi biến chủng thoái lui, lượng khách công tác dần tăng trở lại trong tháng qua với số lượng chạm mức cao nhất trong đại dịch”, CEO Delta Ed Bastian nói. Hai hãng United Airlines Holdings Inc. và American Airlines Group Inc. cho biết cũng chứng kiến xu hướng tương tự.
Kể cả những nơi theo chiến lược “Zero Covid-19” cũng bắt đầu mở cửa. Chẳng hạn, Singapore trong tháng này công bố kế hoạch mở cửa đón khách đã tiêm chủng từ Mỹ và Anh, cũng như đang xem xét nới lỏng tương tự cho khách từ Thụy Sĩ và Australia.
Sydney, thành phố 6 triệu dân của Australia, cuối cùng cũng dỡ bỏ các quy định phong tỏa sau 107 ngày, trong lúc chính phủ nước này tranh luận việc liệu có mở lại biên giới cho người nhập cảnh hay không.
"Bức tranh" trái ngược
Ở chiều ngược lại, một số thành phố trên thế giới lại đang bước vào đợt phong tỏa hoặc siết chặt biện pháp hạn chế mới vì sự bùng phát trở lại của Covid-19.
Chẳng hạn, ở những thành phố như Moscow, nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, nhà chức trách đang đặt ra các biện pháp giới hạn mới nghiêm ngặt hơn.
Người trên 60 tuổi và chưa tiêm chủng sẽ phải ở nhà trong 4 tháng kể từ ngày 25/10, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin nói ngày 26/10, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại thủ đô Nga tăng vọt và số đông người dân vẫn do dự tiêm chủng.
Quyết định trên được đưa ra vào thời điểm số ca mắc mới trong tuần tại Nga lần đầu vượt mức 30.000 kể từ khi đại dịch khởi phát, trong khi số ca tử vong lập kỷ lục với 1.159 ca vào ngày 28/10.
Để đối phó với tình trạng dịch bệnh diễn biến tồi tệ, thủ đô Moscow ngày 28/10 bắt đầu áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất kể từ tháng 6/2020 cho đến nay.
Theo lệnh phong tỏa một phần, chỉ các cửa hàng thiết yếu như hiệu thuốc và siêu thị ở Moscow được phép tiếp tục mở cửa, trong khi các trường học và nhà trẻ phải đóng cửa.
Tuần tới, toàn bộ nước Nga sẽ áp đặt một tuần nghỉ làm việc nhằm nỗ lực chặn đứng sự lây lan của virus.
Chỉ 1/3 người dân trong nhóm tuổi dễ tổn thương đã tiêm chủng, trong khi nhóm này chiếm tới 86% số ca tử vong vì Covid-19, Thị trưởng Sobyanin nói khi giải thích về lệnh phong tỏa.
Tại Ukraine, thị trưởng Kiev Vitali Klitschko ngày 28/10 cho biết thành phố này sẽ thắt chặt các giới hạn phong tỏa do sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới.
Theo đó, từ ngày 1/11, các quán cà phê, nhà hàng, cơ sở tập gym, trung tâm mua sắm và giải trí sẽ chỉ được hoạt động nếu tất cả nhân viên đã tiêm chủng đầy đủ.
Các cơ sở này cũng bị cấm nhận khách không có chứng nhận tiêm vaccine hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Giấy chứng nhận tiêm vaccine hoặc âm tính với Covid-19 cũng bắt buộc đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, theo Reuters.
Các biện pháp trên được công bố sau khi Bộ Y tế Ukraine cùng ngày ghi nhận kỷ lục 26.071 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Dữ liệu cũng cho thấy 576 ca tử vong liên quan tới Covid-19 trong ngày.
Số ca nhiễm hàng ngày lớn nhất trước đó được ghi nhận hôm 22/10 với 23.785 trường hợp, theo Reuters.
Cho tới nay, tổng số ca nhiễm ở Ukraine đã lên tới 2,85 triệu, trong đó có 66.204 ca tử vong.
Các thành phố khác cũng đặt ra những hạn chế mới, như Los Angeles, bang California (Mỹ). Quy định chống dịch hiện tại của Los Angeles còn nghiêm ngặt hơn so với mùa hè vừa qua, trong lúc số ca mắc của bang này tăng cao.
Tại Anh, giới chức y tế cũng đang chứng kiến số ca mắc đột ngột tăng dù tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao.