Hai chữ 'Quyết Thắng' trên núi Cánh Tiên: Sự trùng hợp thú vị của người Nông Cống!

Ngày 14/2/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa có hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2025) nhằm khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc, tự hào với quê hương Thanh Hóa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ không ngừng học tập, sáng tạo trong lao động, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu mạnh, kiểu mẫu.

Hai chữ “Quyết Thắng” trên sườn núi Cánh Tiên.

Hai chữ “Quyết Thắng” trên sườn núi Cánh Tiên.

60 năm đã trôi qua, nhớ lại những ngày tháng “rực lửa”, dù bom đạn càng khốc liệt bao nhiêu, tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực nói riêng, Thanh Hóa nói chung càng được nhân lên gấp bội, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sức mạnh đó được biểu thị bằng 2 chữ “Quyết Thắng” tạc vào sườn núi Cánh Tiên.

Cả ngàn ngày căng mình chiến đấu với kẻ thù, mỗi khi các trận đánh phá của máy bay địch ngừng nghỉ, quân và dân ngay tại trận địa phòng không tranh thủ nhặt từng viên đá xếp thành 2 chữ “Quyết Thắng” rất lớn, đứng xa hàng km vẫn nhìn thấy rõ. Hai chữ “Quyết Thắng” trên núi Cánh Tiên gần cầu Hàm Rồng mà quân dân nơi đây dựng lên trong bom, đạn ác liệt là lời hứa với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, đồng thời tuyên bố với kẻ thù rằng: Dân tộc Việt Nam không sợ gian khổ, hy sinh, không chịu khuất phục trước bất kỳ đội quân xâm lược nào, luôn quyết đánh và quyết thắng.

Sau ngày non sông thu về một mối (30/4/1975), đất nước trải qua những tháng năm bao cấp, kinh tế khó khăn, đời sống Nhân dân hết sức chật vật. Thêm vào đó thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra, tàn phá, để lại hậu quả nặng nề. Các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, các công trình văn hóa phục vụ đời sống tinh thần bị hư hỏng nặng, thậm chí trở thành phế tích. Hai chữ “Quyết Thắng” trên núi Cánh Tiên khu vực Hàm Rồng, TP Thanh Hóa bị thời gian và thiên tai tàn phá hầu như không còn gì. Núi Cánh Tiên chỉ còn cỏ cây rậm rạp um tùm không ai còn nhìn thấy hai chữ “Quyết Thắng” đâu nữa!

Trước thời điểm kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/1990), tỉnh Thanh hóa quyết định chỉnh trang, khôi phục khu vực Hàm Rồng. Một trong những hạng mục là 2 chữ “Quyết Thắng” phải phục dựng lại để lớp lớp cháu con tự hào, học tập, công tác xây dựng quê hương đất nước xứng đáng với cha ông đã từng xả thân vì tổ quốc. Hai chữ Quyết Thắng trên núi Cánh Tiên giao cho Tỉnh đoàn Thanh Hóa phục dựng lại đúng kiểu chữ mà quân dân Hàm Rồng xếp gạch đá dựng lên trên sườn núi Cánh Tiên, với kinh phí 23 triệu đồng. Những hạng mục tu bổ, làm mới khu vực Hàm Rồng phải xong và đưa vào phục vụ lễ kỷ niệm trước ngày 3,4/4/1990.

Nhận nhiệm vụ lãnh đạo tỉnh giao phục dựng lại, đúng hơn là xây dựng mới hoàn toàn nhưng phải đảm bảo nét chữ, kích cỡ đúng như quân dân Hàm Rồng đã dựng lên trong bom đạn. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã họp bàn phương án thực hiện nhiều lần và thành lập ban chỉ đạo, chọn đơn vị trực tiếp thi công. Khi đó, anh Nguyễn Văn Bảo, Bí thư Tỉnh đoàn làm Trưởng Ban chỉ đạo, tôi là Trưởng ban Tuyên huấn làm tổng chỉ huy. Nói tổng chỉ huy cho nó “oách”, thực ra là chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đôn đốc, cập nhật tiến độ xây dựng để báo cáo. Anh Bùi Hữu Dược (nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ), cán bộ ban tuyên huấn cùng tôi đốc thúc đơn vị thi công. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng quyết định giao cho Đội xây dựng 26/3 Công ty Xây dựng 1 Thanh Hóa thi công. Thời điểm đó ông Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn Công ty là Đội trưởng Đội xây dựng 26/3.

Điều trùng hợp ngẫu nhiên nhưng khá thú vị cả 4 người trong ban chỉ đạo, tổ chức, chỉ huy xây dựng hai chữ Quyết Thắng đều là người ở huyện Nông Cống. Ông Nguyễn Văn Bảo ở xã Tượng Văn, tôi quê Vạn Thắng, ông Bùi Hữu Dược ở xã Thăng Thọ và ông Hoàng Văn Tuấn ở xã Trung Ý. Bốn người cùng quê Nông Cống lại được lãnh trách nhiệm hết sức vẻ vang nhưng cũng vô cùng khó khăn gian khổ. Song, chúng tôi coi nhiệm vụ xây dựng lại hai chữ “Quyết Thắng” như “trận đánh giặc” thời bình. Vì thế, công tác chuẩn bị vô cùng thận trọng, tỉ mỉ, có phương án 1, phương án 2, có mũi nhọn đột kích, có đội dự bị, phối hợp nhịp nhàng với công tác vận động quần chúng góp sức cùng làm với mục tiêu đúng tiến độ, công trình phải đảm bảo chất lượng, hình thức phải chuẩn đường nét, kiểu chữ như cha, anh đã dựng lên bằng mồ hôi, xương máu.

Nhận nhiệm vụ trước Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, anh Bùi Hữu Dược, anh Hoàng Văn Tuấn và tôi trèo lên núi Cánh Tiên (dốc 45 độ) đi thực địa khảo sát cụ thể. Chúng tôi vô cùng bất ngờ và khâm phục bộ đội, dân quân tự vệ, nhân dân Hàm Rồng đã làm nên hai chữ "Quyết Thắng". Bởi khi đặt thước đo trên dấu tích còn lại, mỗi nét chữ có chiều rộng 2 m, dài 10 m và cao 1 m, tổng chiều dài toàn bộ 2 chữ hơn 100m. Sơ bộ tính toán lượng đá để xây dựng lại khoảng 500 m3.

Ra quân xây dựng vào những ngày đầu quý 4/1989, vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách, 40 thanh niên của Đội xây dựng 26/3 dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Hoàng Văn Tuấn cùng với sự chi viện giúp sức của cán bộ, nhân viên Trạm phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, công trình xây dựng lại hai chữ “Quyết Thắng” trên núi Cánh Tiên về đích trước ngày kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng lần thứ 25 - năm 1990, được lãnh đạo tỉnh khen ngợi, đánh giá cao...

Hôm nay, đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng, hai chữ “Quyết Thắng” và nhiều hạng mục tại khu vực Hàm Rồng thêm lần nữa được sửa chữa, làm mới. Đường đi lối lại được nâng cấp thuận tiện cho mọi người đến dự lễ. Còn tôi, ngồi viết bài báo này mong sao những ngày kỷ niệm 4 anh em Nông Cống tuy tuổi đời đã trên 70 được gặp nhau ngắm nhìn quê hương, chung vui cùng thành phố bên bờ sông Mã đang vươn mình cùng đất nước. Đặc biệt, được dõi mắt chiêm ngưỡng hai chữ “Quyết Thắng” - nơi mà cách nay 35 năm chúng tôi đã được đóng góp công sức nhỏ bé của mình.

Cao Ngọ (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hai-chu-quyet-thang-tren-nui-canh-tien-su-trung-hop-thu-vi-cua-nguoi-nong-cong-244328.htm