Hai chuyên gia Vũ Hán hứng chỉ trích vì bất cẩn khi nghiên cứu dơi
Sự nghi ngờ đang đổ dồn vào hai chuyên gia về bệnh ở dơi tại Trung Quốc, trong lúc giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm 'bỗng sống lại'.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn liên tục tìm kiếm lời giải cho câu hỏi: virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đâu? Báo cáo do nhóm chuyên gia của WHO công bố cuối tháng 3 sau chuyến đi tới Vũ Hán, Trung Quốc cũng không giúp thế giới tiến gần hơn câu trả lời.
Tình trạng thiếu thông tin càng làm dấy lên nhiều nghi vấn. Mới đây, 24 nhà khoa học đã gửi thư tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu cuộc điều tra độc lập, nghiêm ngặt vì cho rằng cuộc điều tra quốc tế tới Trung Quốc vào đầu tháng 2 là chưa đủ sâu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 26/5 cũng ra lệnh lực lượng tình báo “nỗ lực gấp đôi” để điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, bao gồm khả năng rò rỉ “từ tai nạn phòng thí nghiệm”.
Trong lúc giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm “sống lại”, hai nhóm chuyên gia cạnh tranh nhau trong nghiên cứu về bệnh ở dơi tại Vũ Hán trở thành mục tiêu chỉ trích. Nguyên nhân là họ có tâm lý sẵn sàng bỏ qua biện pháp đảm bảo an toàn trong lúc nghiên cứu.
“Nữ người dơi” và Viện Virus học Vũ Hán
Có biệt danh là “nữ người dơi”, tiến sĩ Thạch Chính Lệ là nhà nghiên cứu virus corona nổi tiếng của Trung Quốc. Bà đã xác định nhiều chủng virus tương tự như SARS (hội chứng suy hô hấp cấp nặng) trong những năm qua và đưa ra cảnh báo trước về rủi ro đại dịch mới.
Phòng thí nghiệm của bà Thạch tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) cũng từng phát hiện và nghiên cứu virus có họ hàng gần với virus corona. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng giữa hai loại virus còn cách nhau nhiều thập kỷ tiến hóa tự nhiên.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia WHO, bà Thạch cho biết mọi hoạt động ở thực địa đều được thực hiện với trang phục bảo hộ đầy đủ, bao gồm khẩu trang N95, quần áo liền thân, kính che, và găng tay. Tuy nhiên, trong một bài diễn thuyết vào tháng 6/2018, bà Thạch nói thực tế không như vậy.
“Đa số trường hợp, chúng tôi sẽ mặc đồ bảo hộ đơn giản hơn, và điều đó vẫn ổn”, bà Thạch nói trong bài diễn thuyết. Sở dĩ vậy vì hầu hết bệnh ở dơi không thể trực tiếp lây cho người mà chỉ có thể thông qua loài vật trung gian, bà Thạch giải thích.
Để minh họa, bà Thạch cho khán giả trong buổi thuyết trình xem ảnh đội của bà giăng lưới bắt dơi trong hang rồi phân loại các mẫu thử. Một số người trong đội chỉ đeo khẩu trang y tế và găng tay cao su mỏng, trong khi số khác dùng tay không và không đeo khẩu trang.
“Khi nào thì chúng tôi sẽ tăng cường đồ bảo hộ? Chẳng hạn như khi có quá nhiều dơi trong hang hoặc có nhiều bụi khi mới vào hang”, bà Thạch nói.
Khi đại dịch ập tới, bà Thạch trở nên yên ắng và thỉnh thoảng mới xuất hiện. Ngày 2/2/2020, bà đăng bài gửi cho bạn bè trên mạng xã hội WeChat và “thề trên tính mạng mình” rằng phòng thí nghiệm của bà không liên quan tới đại dịch. Ba tháng sau, bà Thạch tiếp tục đăng bài phủ nhận tin đồn bà mang hồ sơ tình báo trốn sang phương Tây, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Khi nghi ngờ đổ dồn vào WIV, bà Thạch gửi tuyên bố cho tạp chí khoa học Science vào tháng 7. Bà nói virus corona không thể tới từ WIV vì đội của bà không gặp phải dòng virus này trong lúc nghiên cứu. Ngoài ra, mọi nhân viên ở đây đều có kết quả âm tính với kháng thể virus corona.
Theo bà Thạch, trước đại dịch, đội ngũ của bà “chưa từng bao giờ tiếp xúc hoặc nghiên cứu loại virus này, và cũng không biết tới sự tồn tại của nó”. Nhưng bà cũng thừa nhận phòng thí nghiệm của mình chưa giải trình tự gene của mọi mẫu thử do hạn chế tài chính và nhân lực. Bà từ chối tiết lộ còn bao nhiêu mẫu chưa được giải trình tự gene.
Tháng 1, phòng thí nghiệm của bà Thạch càng bị đặt nghi vấn sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố có “căn cứ để tin rằng” một số nghiên cứu viên WIV thể hiện triệu chứng tương tự Covid-19 vào mùa thu năm 2019. Tháng 5, Wall Street Journal cũng dẫn báo cáo tình báo cho biết 3 nghiên cứu viên WIV từng ốm nặng đến mức phải đi khám.
Viên Chí Minh, giám đốc phòng thí nghiệm của WIV, gọi đây là “lời nói dối trắng trợn” khi trả lời truyền thông nhà nước.
Nhà thám hiểm dơi và CDC Vũ Hán
Trong thời gian này, phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Vũ Hán ít bị để mắt tới hơn WIV.
Báo cáo của nhóm chuyên gia WHO về chuyến đi tới CDC Vũ Hán không bao gồm ghi chú về các biện pháp đảm bảo an toàn nghiên cứu. Theo báo cáo, phòng thí nghiệm từng chuyển địa điểm vào ngày 2/12/2019 tới địa điểm gần chợ Hoa Nam - khu chợ có liên hệ với những ca nhiễm virus corona đầu tiên.
“Hoạt động như vậy có thể làm gián đoạn quá trình vận hành của bất cứ phòng thí nghiệm nào”, nhóm chuyên gia WHO nói. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm của CDC Vũ Hán không ghi nhận sự gián đoạn nào, theo chuyên gia WHO.
CDC Vũ Hán là nơi giám sát công tác ứng phó ban đầu của Trung Quốc trước đại dịch. Tại CDC Vũ Hán cũng có một người thường xuyên làm việc với dơi - Điền Tuấn Hoa.
Theo Washington Post, về chức vụ, Điền Tuấn Hoa là kỹ thuật viên phó trong phòng kiểm soát sâu bệnh của CDC Vũ Hán. Nhưng ông Điền nổi tiếng là nhà mạo hiểm xông xáo trong lúc làm việc với dơi và côn trùng.
“Anh ấy thường đi tới những nơi người khác không tìm được để kiếm mẫu vật cần thiết”, một đồng nghiệp nói về ông Điền trên đài truyền hình địa phương vào tháng 1/2020. “Anh ấy có thể tự tin nói rằng mình có thể bắt được những thứ người khác không thể”.
Bằng lưới và bẫy, đội của ông Điền bắt được 155 con dơi tại tỉnh Hồ Bắc, quê nhà của ông, và hàng trăm con dơi ở những vùng khác để phục vụ cho nghiên cứu năm 2013. Ông Điền còn là thành viên trong nhóm phát hiện 1.445 loài virus RNA mới trên động vật có xương sống. Kết quả này được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature vào năm 2016.
Từng có lần, CDC Vũ Hán tổ chức cuộc họp nội bộ với chủ đề “Học tập từ thành tích của Điền Tuấn Hoa”.
“Không ai nhớ được anh ấy đã leo bao nhiêu núi, lội bao nhiêu sông, khám phá bao nhiêu hang dơi, bò trong bao nhiêu chuồng gia súc, và phải lục bao nhiêu bãi rác”, CDC viết về sự kiện trên.
Tuy nhiên, ông Điền cũng thừa nhận đôi lúc không tuân thủ quy tắc an toàn nghiên cứu.
Năm 2017, ông Điền kể với tờ báo nhà nước Wuhan Evening News rằng từng có lần quên đồ bảo hộ cá nhân nên phải cách ly tại nhà 2 tuần sau khi bị nước tiểu dơi bắn vào người. Nhiều lần khác, ông bị máu dơi dính vào da trong lúc cố dùng kẹp khống chế con vật, ông Điền kể lại.
Ngày 3/2/2020, nhóm của ông Điền tiếp tục xuất hiện trên tạp chí Nature với những mô tả lâm sàng giai đoạn đầu về một bệnh nhân virus corona tại Vũ Hán. Nghiên cứu của nhóm chỉ ra dơi có thể là vật chủ mầm bệnh.
Nhưng khi Covid-19 lây lan, ông Điền trở nên im ắng. Tháng 3/2020, tờ báo nhà nước Health Times dẫn nguồn ẩn danh cho biết ông Điền không nhiễm virus corona. Theo bài báo, tinh thần ông Điền không tốt vì những lời đồn thổi về việc liệu ông có phải là bệnh nhân số 0 hay không.
Theo báo cáo cuối tháng 3 của nhóm chuyên gia WHO, CDC Vũ Hán phủ nhận lưu trữ hoặc thí nghiệm với virus dơi trước khi đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, trong một video, ông Điền từng nói từng đặt chân đến hàng chục hang dơi và nghiên cứu 300 loại vector virus.
Cũng từ tháng 3, ông Điền không còn lên tiếng trước công chúng. Điều này làm nổi bật thách thức trong cuộc điều tra độc lập vào nguồn gốc Covid-19: Nhiều người có thể nắm giữ thông tin mấu chốt ở Vũ Hán lúc này đều im lặng.
Ông Điền vẫn tiếp tục nghiên cứu trong thời gian này. Tháng 8/2020, ông Điền là đồng tác giả trong một nghiên cứu về bọ ve. Một nghiên cứu khác vào tháng 11/2020 của ông tập trung vào gene chống kháng sinh ở cá.
Ông Điền không còn phát biểu hoặc xuất bản nghiên cứu về dơi.