Hai cơ quan bất đồng về đề xuất sàn thương mại điện tử kê khai và đóng thuế hộ người bán

Cơ quan thuế đang dự định tiến một bước xa trong quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, thay vì yêu cầu sàn thương mại điện tử chỉ phải cung cấp thông tin định kỳ hàng quý thì các sàn khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán. Hiện đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều...

Các sàn trong nước cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua sàn hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau.

Các sàn trong nước cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua sàn hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau.

Mô hình kinh doanh thương mại điện tử thông qua sàn hiện là mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay. Thay cho các phương pháp cung cấp thủ công trước đây như nộp bản giấy, file excel, email, USB cho nhiều cơ quan thuế như trước đây, các sàn thương mại điện tử hiện chỉ phải cung cấp thông tin tập trung cho Tổng cục Thuế định kỳ hàng quý.

Sau khi quy về một mối để quản lý thông tin, tính đến cuối tháng 8/2024, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy có 404 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin trên Cổng thông tin thương mại điện tử, tăng 43 sàn so với thời điểm cuối năm 2023. Đến nay, cơ quan thuế đã quản lý khoảng 1,77 triệu tỷ đồng doanh thu của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Số thuế đã nộp khoảng 78 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

CÁC SÀN HOÀN TOÀN CÓ THỂ NỘP THUẾ THAY

Về kê khai thuế, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử áp dụng chung quy định như đối với hộ, cá nhân kinh doanh truyền thống mà chưa có quy định riêng.

Qua đánh giá của Bộ Tài chính được nêu tại tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, thông tin sàn cung cấp còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh, do đó, cần giải pháp quản lý hiệu quả, căn cơ hơn.

Do đó, tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế theo hướng: "Bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và việc trực tiếp khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối kê khai, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời mở rộng nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Làm rõ vấn đề sàn thương mại điện tử khai thay, nộp thay thuế cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số, nhất là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử diễn ra mạnh mẽ.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý nhà nước như ngân hàng, công an, công thương… đều hỗ trợ cơ quan thuế khai thác thông tin đảm bảo việc quản ý thuế hiệu quả nhất.

"Việc các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin của người kinh doanh đã có quy định và hiện nay đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi chỉ là thêm một bước kê khai thay, nộp thay", ông Minh nêu rõ.

“Do đó, việc áp dụng với doanh nghiệp trong nước nhằm đảm bảo công bằng. Qua một số phỏng vấn các sàn thương mại điện tử trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định một khi Nhà nước có quy định thì sẽ thực hiện được”.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng đề xuất này không phải giải pháp mới.

Các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện thương mại tại Việt Nam hiện có trách nhiệm kê khai thay, nộp thay thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Đến nay đã có 108 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook… đã thực hiện và thực hiện được việc kê khai và nộp thuế thay.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh về kỹ thuật, khi người dân, doanh nghiệp tham gia giao dịch thì các sàn thương mại điện tử đều đã quản lý chặt chẽ được doanh thu, số lượng giao dịch thanh toán, do lợi ích của họ gắn chặt với việc này.

Do vậy, việc các sàn thương mại điện tử phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay là hoàn toàn thực hiện được.

Bổ sung nội dung thông tin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử trong mấy năm gần đây, việc thay đổi phương thức quản lý thuế là đương nhiên.

Với những đề xuất, ý tưởng mới được đưa ra thường có nhiều ý kiến xung quanh, vì vậy, các giải pháp, đề xuất cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bộ Tài chính tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để có đề xuất điều chỉnh phù hợp.

LO SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ THÊM GÁNH NẶNG

Trong văn bản góp ý về dự thảo này, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) lại không đồng tình và đề xuất loại bỏ các điều khoản nói trên.

Theo đại diện VECOM, các quy định trên trái với quy định pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế, bởi quyền và nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của từng chủ thể là vấn đề cơ bản, cốt lõi, không thể quy định về việc kê khai, nộp thay mọi loại thuế của đối tượng nộp thuế cho một chủ thể khác như quy định tại điều khoản dự thảo sửa đổi khoản 4 Điều 42.

Theo ghi nhận từ VECOM, các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, hay các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan đều không có quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải kê khai thay, nộp thuế thay, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân cho người bán.

VECOM cho rằng việc buộc trách nhiệm cho các sàn thương mại điện tử phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là không phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho người bán là chưa có tiền lệ ở trong các nước trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới.

"Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn, lĩnh vực hoạt động chính của các sàn thương mại điện tử nên sẽ tạo cho các sàn thương mại điện tử gánh nặng rất lớn trong việc đầu tư và vận hành", VECOM đánh giá.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2022, dự kiến, quy định kê khai, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn thương mại điện tử phải đầu tư chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho việc thực thi.

Khoản chi phí này đến từ các yêu cầu về vận hành, bao gồm bổ sung nhân sự chuyên môn, thay đổi cấu trúc tổ chức và vận hành, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ việc thực hiện trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Thậm chí, các sàn là phải đầu tư đội ngũ chăm sóc khách hàng có chuyên môn để giải đáp thắc mắc, khiếu nại cho hàng trăm ngàn người nộp thuế… thay vì tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công việc kinh doanh cốt lõi.

Như vậy, mặc dù quy định này có thể giúp giảm đầu mối kê khai, giảm gánh nặng cho cơ quan thuế nhưng thực chất, mọi gánh nặng sẽ được đặt lên các sàn thương mại điện tử vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hai-co-quan-bat-dong-ve-de-xuat-san-thuong-mai-dien-tu-ke-khai-va-dong-thue-ho-nguoi-ban.htm