Hai cuộc hẹn với hội họa giữa tháng 6 tại Hà Nội
Hai triển lãm của hai họa sĩ, mỗi người một con đường, một ý niệm biểu đạt riêng, mang lại những trải nghiệm thị giác ấn tượng dành cho người thưởng ngoạn nghệ thuật.
Nguyễn Quang Trung ‘nhốt sáng’
Trong 20 năm qua họa sĩ Nguyễn Quang Trung dành sự nghiên cứu nghệ thuật trừu tượng. Ông có lối tiếp cận trừu tượng, cũng như quan điểm sáng tác rõ ràng. Cá nhân ông cho rằng con đường nghệ thuật của mình là “khám phá sự biến đổi song hành và những liên kết về màu sắc, đường nét, chất liệu... làm lộ diện những dạng thức và cấu hình mới của thực tế, để biểu đạt một trải nghiệm thực tại và mang lại sức mạnh thức tỉnh”.
Trong lần trưng bày này, The Muse Artspace chọn lọc những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Trung được sáng tác trong giai đoạn 2010-2020, đồng thời cũng dành một góc nhỏ cho phần tham khảo ký họa, để bạn yêu nghệ thuật có thể chứng kiến một cách tiếp cận nghệ thuật trừu tượng. Triển lãm diễn ra từ ngày 10.6 đến ngày 30.6, tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Những bức tranh trừu tượng của Nguyễn Quang Trung có cảm hứng được lưu giữ trong những ký họa về hình mạch lạc. Ông có đến hàng ngàn ký họa bút chì, phấn, bút sắt và màu nước. Có lúc đó là sự rung động trước cái xào xạc của những tán cây ven biển, những tia nắng chiều cuối cùng chiếu xuống mặt đất, hay lũ trẻ con đang vui đùa trong bể bơi; có lúc đó là sự thương cảm đặc biệt đối với những thân phận con người bị bó buộc…
Đặc biệt Nguyễn Quang Trung dùng một kỹ thuật, ông đặt tên là “kỹ thuật nhốt sáng” để níu lại ánh sáng ở trong tranh, giữa muôn vàn đan xen của những nét bút biến chuyển không ngừng. Khi treo những bức tranh này lên, toàn bộ ánh sáng ấy lại hiển lộ, cho phép người xem chứng kiến khoảnh khắc mà bức tranh nắm giữ: một tình cảm mong manh, hiện lên rạng ngời rồi tan biến.
Họa sĩ Nguyễn Quang Trung sinh năm 1962. Ông đã từng là thủ khoa Khoa Hội Họa trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cả kỳ thi đầu vào năm 1981 và kỳ thi đầu ra năm 1986. Tranh của ông từng được mời triển lãm họa sĩ trẻ các nước xã hội chủ nghĩa tại Liên bang Xô Viết năm 1989, nơi tụ họp nhiều tác phẩm của các tài năng hội họa trong thời kỳ đó.
Hoàng Ngọc Dũng và những quân cờ
Quyết định dừng hết mọi công việc cá nhân, gia đình, hay các đơn đặt hàng vẽ tranh tường kiếm sống, Hoàng Ngọc Dũng muốn tìm cho mình con đường dài. Và rất vô tình, bức tranh đầu tiên “khai mực” trong Tết Tân Sửu anh đã vẽ con tướng trong bộ cờ vua.
Họa sĩ chia sẻ về ý tưởng của mình: “Như có một ánh sáng lóe lên. Lại thêm vốn là người thích sự cạnh tranh, đối kháng, hình ảnh những quân cờ gắn liền với sự cân não, tính toán và đối mặt. Một quân cờ có thể phải chiến đấu với nhiều quân cờ khác, phải đi nhiều nước cờ mới đạt được mục tiêu của mình. Cũng như cuộc đời vậy, mỗi cá thể trong đời sống này đều phải hiểu vị trí của mình, tìm ra được hướng đi đúng để đạt được mục tiêu, dù có thể không chiến thắng”.
Và hơn 10 năm làm nghề, đây là khoảng thời gian anh dành cho nghệ thuật nhiều hơn cả. 81 bức tranh không có một cái tên cụ thể mà được đánh số lần lượt từ 1 đến 81. Có 25 bức khổ to 1,5m x 3m với tạo hình tự do thể hiện sự đối kháng tính chất của một bàn cờ còn có sự mềm mại trong cách xử lý nghệ thuật.
Hình tượng những bàn tay chính là con người, là sự lao động... Người xem tranh không nhìn thấy bên trong cuộc cờ ấy là tính cách của từng nhân vật. Ngoài việc tạo thế trận cần sự tính toán của trí não, thì bàn tay con người đảm nhận vai trò thực hiện những toan tính, những nước đi và cả những yêu thương.
Nói về ý đồ của mình họa sĩ Ngọc Dũng cho biết: “Tôi muốn chính những khoảng trắng, đen ấy là nhịp điệu để người xem có thể tự suy ngẫm, tương tác với triển lãm. Bởi họ chấp nhận đứng trong không gian triển lãm đồng nghĩa với việc coi mình là một quân cờ”.
Ngoài các tác phẩm tranh, tại triển lãm, họa sĩ Hoàng Ngọc Dũng còn có hai tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Đến với triển lãm, khi xem những bức chân dung nhỏ của họa sĩ vẽ đi, người xem có thể cảm nhận được các bức tranh đó đều gắn liền cảm xúc, nhân vật yêu thích của họa sĩ.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 13-18.6 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Sinh năm 1979 ở thành phố Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp THPT Hàm Rồng, Hoàng Ngọc Dũng thi vào Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, khoa Sư phạm Mỹ thuật rồi sau đó về Thanh Hóa dạy mỹ thuật ở Trường Tiểu học Hoằng Quang (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) đến nay. Ngoài công việc dạy trẻ tiểu học, Hoàng Ngọc Dũng còn sáng tác tranh tự do, vẽ tranh tường.
Bài và ảnh: Mộc Trà