Hai cựu binh một lối về Quảng Trị
Quảng Trị, mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nơi hội tụ của những người con khắp mọi miền Tổ quốc cùng về đây đánh giặc và nhận là quê hương thứ hai của mình. Ngày đất nước ca khúc khải hoàn, họ lại trở về đây tri ân đồng đội, đồng chí mình. Xin được ghi lại câu chuyện về hai cựu chiến binh, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính và Lê Bá Dương, hai người luôn có chung tâm trạng trĩu nặng như câu thơ của một người bạn văn đã viết: 'Không biết tôi yêu Quảng Trị từ khi nào/ và đến bao giờ thì hết yêu…'.
Khoảnh khắc để Thành Cổ Quảng Trị sống mãi
Mùa hè năm 1972 là những ngày nóng bỏng nhất trên mặt trận Quảng Trị. Trong một phạm vi nhỏ hẹp của Thành Cổ, hàng ngàn tấn bom đạn đã dội xuống, đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn. Vậy mà các chiến sĩ Thành Cổ vẫn bám trụ chiến đấu đến cùng. Lớp này ngã xuống, lớp sau tiếp tục chiếm lĩnh trận địa với ý chí: Tim còn đập thì Thành Cổ không thể mất. Và các anh đã làm nên một trong những huyền thoại hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của chiến dịch lịch sử năm 1972 và sứ mệnh của một phóng viên chiến trường, ông Đoàn Công Tính đã quyết định vượt sông Thạch Hãn vào Thành Cổ ghi lại trung thực và sống động những khoảnh khắc bám trụ kiên cường của quân giải phóng. Nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Quảng Trị, Đoàn Công Tính nhớ lại: “Bắt đầu từ giữa tháng 6/1972, pháo lửa từng cơn trút xuống Thành Cổ Quảng Trị.
Địch đã huy động trên 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ và nhiều đơn vị khác tiến theo sau vệt bom rải thảm của máy bay B52 hòng giành lại mảnh đất liên quan đến Hội nghị Pa-ri mà thế giới hết sức chú ý. Liên tiếp sau đó, địch tăng cường thêm bộ binh và hỏa lực các loại. Nhằm phá nát Thành Cổ, địch đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới lật tung các hầm hố. Rồi chất độc hóa học kéo từng vệt dài trên vòm trời, tỏa dần ra, trùm xuống Thành Cổ một thứ khói vàng nhạt chết người. Đội ngũ phóng viên Báo Quân đội Nhân dân và một số báo khác có mặt tại trận, nhìn làn khói chết chóc quyện trong những ánh chớp lóe lên dữ dội đều nóng lòng muốn biết chiến sĩ của chúng ta sống ra sao trong cảnh bom đạn ngút trời đó. Nhưng con đường vào Thành Cổ hết sức gian nan, nguy hiểm. Có lời khuyên từ Bộ Chỉ huy Mặt trận: “Không nên để phóng viên vào Thành Cổ!”.
Vậy nhưng, có điều gì đó luôn thôi thúc khiến tôi phải tìm mọi cách vào Thành Cổ cho bằng được. Tôi tìm đến vị trí người ta chỉ dẫn nhưng trước mắt tôi là một bãi đất dày đặc hố bom, hố pháo, cây cối đổ ngổn ngang. Một lúc trấn tĩnh lại, tôi nghe có tiếng người từ dưới đất vọng lên. Mừng quá, tôi men theo giao thông hào và đi vào căn hầm. Sau khi biết tôi muốn tìm đường vào Thành Cổ, tôi nhận được lời khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh để khai thác tư liệu.
Nhưng tôi là phóng viên nhiếp ảnh, không thể lấy tư liệu gián tiếp. Ống kính máy ảnh của tôi đã gắn bó từ đầu với chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Tôi đã đưa được vào ống kính những hình ảnh anh hùng của chiến sĩ ta đánh sụp hàng rào điện tử Mc.Namara, ghi được giây phút lịch sử các chiến sĩ quân giải phóng cắm cờ lên căn cứ Đầu Mầu, hình ảnh cả Trung đoàn 56 của quân ngụy Sài Gòn phản chiến trở về với cách mạng…Giờ đây, tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị. Cả nước muốn nhìn thấy các chiến sĩ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm, bom rải thảm của máy bay B52 Mỹ.
Nghe tôi trình bày, một nữ chiến sĩ du kích thường làm liên lạc ra vào Thành Cổ nói vui:
- Nhà báo đã “ngoan cố” muốn vào Thành Cổ thì em xin dẫn đường!
Hai nữ du kích tự nguyện dẫn đường là cô Lệ và cô Hảo. Các cô cho biết: “Vượt qua sông Thạch Hãn trong đêm rất khó khăn, nguy hiểm. Có lúc mảnh bom rơi như mưa trên mặt sông đầy ánh pháo sáng…”. Tôi đã từng chụp những hình ảnh lúc Thành Cổ mới giải phóng, dinh tỉnh trưởng còn nguyên vẹn. Còn đây là Thành Cổ ngày 16/8/1972, dinh tỉnh trưởng đã đổ nát tan tành và Thành Cổ cũng sụp lở. Chỉ còn nụ cười của những chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ là nguyên vẹn và rạng rỡ. Anh em nói khi tôi đưa ống kính lên: “Có thể ngày mai đây, một số anh em chúng tôi không còn nữa. Nhưng Thành Cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước”…
Từ lời nói thiêng liêng như một lời di chúc, tôi cũng cảm thấy thêm trách nhiệm nặng nề. Trước khi rời khỏi Thành Cổ, mang tài liệu, phim ảnh về Hà Nội, tôi đã viết một lời “di chúc”, phỏng theo lời các chiến sĩ: “Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang hộ 10 cuốn phim này về giao cho tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân”. Đây là hình ảnh của những người con quê hương Quảng Trị và cả nước đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ thị xã Quảng Trị, những nụ cười bất diệt của họ sẽ sống mãi với Thành Cổ anh hùng…
Nhưng may mắn cho tôi, tôi đã thực hiện chuyến đi trót lọt với những cuốn phim mà tôi đã giữ làm “của gia bảo” cho đến hôm nay gần như nguyên vẹn.”
Những bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành Cổ Quảng Trị”, “Trận đánh trước Thành Cổ”, “Không rời trận địa”, “Nắng dưới lòng đất”... đã đưa tên tuổi Đoàn Công Tính trở thành một trong những phóng viên chiến trường có sức ảnh hưởng lớn. Cũng trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, bức ảnh “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” của Đoàn Công Tính đã được trao Giải thưởng lớn kèm Huy chương vàng của Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ (tháng 11/1972); bức ảnh “Trên đồi Không Tên” được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải Nhất và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao giải Nhì... gây tiếng vang lớn trong dư luận cả nước và nước ngoài.
Người khởi nguyên của mỹ tục “dòng sông hoa lửa”
Đối với người dân Quảng Trị, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương là cái tên rất đỗi thân thuộc. Quê gốc Nghệ An, khi còn là cậu bé 15 tuổi, Lê Bá Dương đã khai thêm tuổi để vào bộ đội, có mặt trong đội hình Trung đoàn Xô viết Nghệ Tĩnh. Những năm sau ngày tỉnh Quảng Trị lập lại (tháng 7/1989) anh Lê Bá Dương thường về thăm lại chiến trường xưa. Những ngày anh Lê Bá Dương lưu lại Quảng Trị, tôi thường có dịp đi theo anh. Là một cựu chiến binh, từng bị thương 14 lần trên chiến trường Quảng Trị nhưng với sức đi như Lê Bá Dương, tôi cũng không theo nổi.
Cam Lộ, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thạch Hãn, Bến Tắt... ở đâu có đồng đội nằm lại, anh đều đến tận nơi dâng hoa, dâng hương, có xe thì đi bằng xe, không thì đi bộ, ròng rã dưới cái nắng đổ lửa. Lại nữa, đi với anh, trong lòng tôi luôn trĩu nặng một nỗi bồi hồi, nhiều khi quặn thắt nơi lồng ngực suốt dọc hành trình, cả nơi đi, lẩn nơi đến, lẩn gặp người còn, lẩn tìm người mất... Nơi đây, một đại đội quân giải phóng đã đánh lui ba đại đội địch, nhiệm vụ hoàn thành nhưng anh em hy sinh quá nhiều.
Nơi đây, cả ban chỉ huy của Trung đoàn Sông Dinh bị một quả đạn pháo địch, cả 7 người, không ai còn nguyên vẹn thi thể. Nơi đây, một buổi sáng mình ra múc nước, bị tăng địch quần cho tơi tả, may mà luồn được theo khe đá, về đơn vị... Ở nơi đâu trên mảnh đất Quảng Trị đều khơi dậy ký ức bi tráng trong lòng anh Lê Bá Dương như vậy đó.
Đặc biệt, những chuyến đi về xã Gio An, huyện Gio Linh của anh Lê Bá Dương làm tôi ấn tượng mãi. Gio An là nơi tân binh Lê Bá Dương, người lính Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 (Trung đoàn Xô viết Nghệ Tĩnh, Trung đoàn Nghệ An Đỏ lừng danh và sau này là Trung đoàn Triệu Hải anh hùng) đã cùng đồng đội nổ phát súng đầu tiên trên chiến trường khi đặt chân vào miền Nam. Sau này, dù đã được mệnh danh là “vua giữ chốt”, “vua đánh lấn” khét tiếng vùng đất lửa Quảng Trị, Lê Bá Dương vẫn không thể nào quên buổi ban đầu truy kích giặc trên đất Gio An khi tuổi đời chớm bước qua 16.
Nơi đây, cũng là nơi mà lần đầu tiên, vào năm 1979, anh Lê Bá Dương quay về thăm chiến trường xưa, lần tìm trong lau lách, đồi hoang, cỏ dại, đất cằn những nơi đồng đội nằm lại chưa về. Anh đã đi bộ nhiều ngày, đi một cách giục giã và băm bổ như từ sự réo gọi khẩn thiết phát tích trong thẳm sâu ký ức, đi trong cái nắng hoang hoải, khô khát của đất nghèo Quảng Trị những ngày hậu chiến để thắp nén nhang cho đồng đội, kết nhành hoa dại thả nơi đầu nguồn Bến Tắt-Bến Hải, khởi nguyên của mỹ tục “dòng sông hoa lửa” ở các dòng sông Quảng Trị bây giờ…
Anh Lê Bá Dương kể rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh là điểm tập kết quân của các đơn vị quân giải phóng Bắc Quảng Trị, trong đó có Trung đoàn 27. Hồi bấy giờ ở đầu thôn có một cây đa cổ thụ, cành lá sum suê, thân vạm vỡ hai người ôm không xuể. Từ vị trí thuận lợi này, các đơn vị quân giải phóng đã tận dụng chiều cao của cây đa để trinh sát mọi động tĩnh của giặc trên các hướng mặt trận. Bộ đội pháo binh cũng đã làm đài quan sát trên chót vót ngọn cây để điều chỉnh tầm hướng cho pháo binh ta từ bờ Bắc sông Bến Hải trút lửa xuống Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang… Cách cây đa không xa về phía Bắc, có giếng cổ, hình tròn, xếp bằng đá tảng chỉ duy nhất có ở đất này. Dân làng gọi là giếng Đìa.
Ngày 6/3/1968, trong một trận đánh ác liệt và không cân sức với lính Mỹ, chiến sĩ Cao Như Thiêm, mới hai mươi tuổi, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27, Mặt trận B5, quê thôn Tùng Lâm, Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bị thương và bị địch bắt. Chúng đưa anh về gốc đa, dùng những thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ thâm độc để khai thác thông tin của đơn vị nhưng đều thất bại. Bất lực, chúng đã xả trọn băng đạn tiểu liên vào người anh. Cao Như Thiêm đã tựa vào gốc đa, hô vang: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm, Bác Hồ muôn năm”, mới chịu gục xuống. Địch hèn hạ dùng xăng khô đốt xác anh thành tro ngay bên gốc đa cháy sém. Cũng tại gốc đa Gia Bình này, ban chỉ huy của Trung đoàn Sông Dinh bị một quả đạn pháo, cả bảy người đều hy sinh.
Sau này, theo tâm nguyện của đồng bào, đồng chí, địa phương và của những cựu chiến binh Trung đoàn 27, anh Lê Bá Dương đã cùng đồng đội đứng ra khâu nối để một doanh nhân ở Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng tại vị trí lịch sử này một đình làng khang trang bên cạnh cây đa huyền thoại. Anh Lê Bá Dương tâm sự: “Xây đình xong, dựng thêm tấm bia ngay gốc đa trước khuôn viên đình, để con dân trong làng hương khói đình làng quanh năm, thì anh em liệt sĩ cũng được quanh năm ấm áp. Thuở xưa, bà con đùm bọc, cưu mang các anh đánh giặc, thì khi thác rồi, các anh lại sống giữa lòng dân đôn hậu, thủy chung, rộng lượng”...
Đối với anh Lê Bá Dương, Quảng Trị luôn là “nơi muốn đến, chốn mong về” thân thương như quê hương thứ hai của mình.