Hai đại công trình xây 'chui': Coi thường pháp luật, trêu ngươi dư luận

Cả khu biệt thự, nhà liên kế gần 500 căn cùng một khu nghỉ dưỡng được xây dựng chui trong nhiều năm mà chính quyền địa phương không hề hay biết khiến dư luận vô cùng bức xúc

Ngày 30-10, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục trở lại công trình xây dựng "chui" gần 500 ngôi biệt thự, nhà liên kế thuộc dự án khu dân cư (KDC) Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và Khu Du lịch (KDL) Du Sơn ở núi Nứa, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Ở những nơi này, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến bức xúc cũng như yêu cầu của người dân là phải làm rõ trách nhiệm của địa phương và các ngành liên quan.

Gần 500 căn biệt thự và nhà liên kế được xây dựng “chui” ở Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Gần 500 căn biệt thự và nhà liên kế được xây dựng “chui” ở Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Chuyện thật như đùa

Vừa gặp chúng tôi, ông Nguyễn Đô (ngụ ở xã Đồi 61) đã không giấu được nỗi bức xúc, cho biết thông tin về dự án khiến ông và những người trong khu vực vô cùng ngỡ ngàng. "Cả một khu đô thị toàn biệt thự như vậy mà dám xây dựng "chui". Trong khi đó, người dân chúng tôi chỉ cần dựng một cái nhà tạm là chính quyền địa phương biết ngay. Đến giờ, tôi cũng không dám tin chuyện này là sự thật" - ông Đô nói.

Theo ghi nhận, khu vực xây dựng hàng trăm biệt thự và nhà liên kế gần như đã hoàn thiện. Đường, điện, cây xanh, phố đi bộ, thương mại đã hình thành. Tuy nhiên, ở vài nơi, một số công trình đang thi công dở dang. Hiện tại, công việc thi công tại đây đã tạm ngưng theo quyết định của đoàn thanh tra. "Vậy mà các cơ quan chức năng nói là không biết nên phát hiện trễ thì ai tin. Vụ này phải làm ra ngô ra khoai chứ không thể chấp nhận sự tắc trách như vậy được" - ông Đô bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, KDC Tân Thịnh do Công ty CP Đầu tư LDG (LDG Group) làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận thỏa thuận địa điểm đầu tư vào tháng 9-2016. Giữa năm 2018, dự án được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, với diện tích 18,22 ha, quy mô dân số khoảng 3.000 người.

Tại đây, hiện một phần diện tích đất cao su chưa thực hiện bồi thường, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, cũng chưa được cấp phép xây dựng hạ tầng; chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, xin giao đất, đóng tiền sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, đến ngày 27-4, chính quyền huyện Trảng Bom đã tổ chức rà soát và ghi nhận tại khu vực dự án đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện đến 60%, trong đó có 488 căn nhà gồm 198 căn biệt thự, 290 nhà liền kề.

Cũng như người dân Đồng Nai, những ngày qua, người dân tỉnh BR-VT hết sức kinh ngạc khi biết KDL Du Sơn được xây dựng hoàn toàn không phép. Theo ghi nhận, từ chân núi Nứa, cách UBND xã Long Sơn khoảng 600 m, một con đường rộng hơn 6 m đổ bê-tông hiện ra kéo dài lên tới gần đỉnh núi, đường điện đã được xây lắp và một số cột điện đang thi công. Đi lên một đoạn là đại công trình bao gồm các căn nhà kiên cố nhiều tầng, được xây bằng gạch, cột bằng gỗ, mái ngói mọc lên cạnh nhau. Kề bên là 2 sân tennis quy mô hàng trăm mét vuông đã hoạt động. Nơi đây còn có khu đỗ xe rộng rãi, được đổ bê-tông, cùng lúc có thể đón hàng chục ôtô. Khu vực này còn có nhà yến đã được xây từ khoảng 3 năm trước, một nhà máy sản xuất nước đá ở phía dưới...

Theo người dân xã Long Sơn, KDL Du Sơn được xây dựng từ nhiều năm trước, từng có thời gian hoạt động rầm rộ, đón nhiều khách du lịch, từng đoàn xe nối nhau lên nghỉ ngơi, ăn uống. "Một đại công trình được xây dựng rầm rộ không phép từ hơn 10 năm này mà chính quyền, các ngành chức năng địa phương không biết thì quả là không còn lời nào để nói" - một người dân trong khu vực băn khoăn.

Khu Du lịch Du Sơn hoành tráng được xây dựng hoàn toàn không phép. Ảnh: NGỌC GIANG

Khu Du lịch Du Sơn hoành tráng được xây dựng hoàn toàn không phép. Ảnh: NGỌC GIANG

Điệp khúc "không hay, không biết"

Liên quan đến sai phạm ở KDL Du Sơn, theo hồ sơ chúng tôi có được, UBND xã Long Sơn chưa từng lập biên bản vi phạm. Hồ sơ lưu tại UBND xã này chỉ có đơn xin nhận đất để trồng rừng của hộ gia đình ông Đ.V.V và biên bản bàn giao nhận khoán đất lâm nghiệp với diện tích 21,4 ha giữa hộ ông V. với Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh BR-VT ký năm 2007.

Để rõ thêm vụ việc, ngày 30-10, liên hệ UBND TP Vũng Tàu, chúng tôi được cho hay đơn vị này đang yêu cầu kiểm tra, xác minh. Trong khi đó, Phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu thừa nhận toàn bộ các công trình - bao gồm nhà máy nước đá, các nhà hàng, sân tennis, nhà tầng - nằm trong khu vực này đều không có phép.

"Trước đó, đơn vị chúng tôi kết hợp cùng UBND xã Long Sơn kiểm tra hiện trạng sau khi nhận được phản ánh. Thời điểm kiểm tra vào giữa tháng 10-2020, đoàn ghi nhận toàn bộ các công trình đều xây dựng trái phép. Chúng tôi đang yêu cầu UBND xã Long Sơn tổng hợp báo cáo về tình trạng sử dụng đất cũng như các giấy tờ liên quan đến khu đất này để kiểm tra, xử lý" - lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu cho hay.

Trở lại dự án KDC Tân Thịnh, sau khi ghi nhận thực tế, chúng tôi liên hệ lãnh đạo UBND xã Đồi 61 để làm rõ vụ việc. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc cả khu đô thị gồm hàng loạt biệt thự được xây dựng và hoàn thiện trong nhiều năm liền như vậy, tại sao không được báo cáo sớm lên cấp trên, lãnh đạo xã Đồi 61 cho rằng "vì mới phát hiện trong thời gian gần đây"! "Chúng tôi không có thẩm quyền giải quyết, và khi nắm tình hình thì đã báo cáo ngay lên UBND huyện" - ông Trương Kính, Chủ tịch UBND xã Đồi 61, cho biết. Ông cũng phân trần rằng mới nhận nhiệm vụ lãnh đạo tại xã chưa lâu.

Về trách nhiệm kiểm tra và phương hướng xử lý sắp tới, chúng tôi đã hai lần liên hệ bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, để làm việc cụ thể nhưng bà từ chối gặp trao đổi ngay lúc này. Lãnh đạo huyện Trảng Bom cho rằng làm việc với huyện phải đặt lịch cụ thể, để lại câu hỏi tại bộ phận tiếp nhận thông tin, sau đó huyện sẽ sắp xếp trả lời.

"Thông tin về dự án và những vi phạm, chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên. Nếu muốn có các thông tin khác thì phải đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận thông tin của huyện để lại nội dung câu hỏi và chờ chúng tôi sắp xếp trả lời..." - Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom nhấn mạnh. Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng hứa sẽ trả lời về các thông tin xử lý tiếp theo đối với vụ việc... trong thời gian tới!

Nhận xét về những đại công trình không phép nêu trên, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND xã nơi dự án thực hiện (trách nhiệm nắm tình hình và báo cáo lên cấp trên). Kế đến là UBND huyện, TP không bám sát, chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra, theo dõi và trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng khi không kịp thời phát hiện, xử lý.

Chủ dự án khu dân cư Tân Thịnh nói gì?

Trong phản hồi gửi Báo Người Lao Động, Công ty CP Đầu tư LDG (chủ đầu tư dự án KDC Tân Thịnh) cho hay Thanh trở Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai vừa xử phạt hành chính đơn vị này về hành vi xây dựng khi chưa đủ điều kiện pháp lý với số tiền 75 triệu đồng. LDG biện minh: "Vì thủ tục pháp lý chậm hơn so với khối lượng nhà thầu thi công dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục triển khai xây dựng trước khi đủ điều kiện thủ tục theo quy định"(?!).

"Làng biệt thự" không phép ở Lâm Đồng

Đó là "ngôi làng" gồm 54 căn biệt thự được xây dựng theo kiểu nhà sàn trên đất rừng ngay chân núi Voi, thuộc Tiểu khu 268 (thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), cạnh KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm. Khu vực này được xem là đại công trình, được mở đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp điện riêng, ngay ngõ vào dựng tấm bảng "Làng nghề Bonsai Darahoa" cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng hơn 10 km hướng về huyện Đức Trọng. Tiểu khu 268 là một phần trong tổng số hơn 355 ha đất rừng, năm 1992 được UBND tỉnh Lâm Đồng giao Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam (TP Đà Lạt) quản lý, bảo vệ, trồng khoanh nuôi phát triển rừng kết hợp du lịch.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam, cho biết nhiều người môi giới, "cò đất" tấp nập dẫn người vào nơi ở của các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số để mua bán đất nhộn nhịp. "Công ty đã nhiều lần vận động, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm nhưng các chủ công trình không ra mặt, thậm chí cho người đến hù dọa, hành hung. Công ty đã có rất nhiều báo cáo gửi chính quyền địa phương xã Hiệp An và huyện Đức Trọng đề nghị hỗ trợ giải tỏa nhưng không hiệu quả..." - ông Phúc thông tin.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hai-dai-cong-trinh-xay-chui-coi-thuong-phap-luat-treu-nguoi-du-luan-20201030224647814.htm