Hai đầu tàu tiêu biểu của hợp tác xã

Trên địa bàn tỉnh có nhiều hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm', có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc… Có được kết quả đó có đóng góp quan trọng của những giám đốc - đầu tàu của HTX.

“Chị Hương mỳ sạch”

Nhiều năm qua, HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) nổi tiếng với sản phẩm mỳ sạch, trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2021. Người có đóng góp lớn cho HTX là nữ Giám đốc Đào Thị Hương. Chị Hương (SN 1979) sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn).

Chị Đào Thị Hương với sản phẩm mỳ rau củ.

Chị Đào Thị Hương với sản phẩm mỳ rau củ.

Năm 1997 chị lập gia đình, quê chồng ở thôn Trại Lâm, xã Nam Dương. Ngày đó, cuộc sống khó khăn, chị đi chợ và chăn nuôi song thu nhập không được là bao. Chị bàn với chồng chuyển sang làm mỳ, trước là gìn giữ nghề truyền thống của địa phương, sau là phát triển kinh tế. Tuy nhiên những ngày đầu không hề đơn giản. Do chưa có máy móc nên chị phải đi tráng nhờ bột, sản xuất có lúc chậm muộn, không theo ý mình. Năm 2011, vợ chồng chị chuyển đổi 3 sào vải thiều làm khu phơi mỳ, vay mượn tiền mua thiết bị.

Công việc dần thuận lợi, năm 2014, chị quyết định thành lập HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương. Ban đầu, sản phẩm của HTX đóng trong túi ni-lông, chưa có tem nhãn, chủ yếu tiêu thụ cho khách quen. Năm 2017, chị được người quen hỗ trợ thay đổi mẫu mã bao bì từ túi ni- lông sang túi giấy cao cấp và đưa được 3,3 tấn mỳ sang tiêu thụ tại Nhật Bản. Có động lực, chị tiếp tục nghiên cứu, thay đổi mẫu mã, bao bì để nâng cấp sản phẩm, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

Không chỉ dừng lại ở đó, Giám đốc Đào Thị Hương còn đi đầu trong sản xuất mỳ rau củ. Chị tâm sự: “Năm 2018, tôi bắt gặp hình ảnh những đống rau củ để bên đường không tiêu thụ được và từ đó nảy ra suy nghĩ tại sao không làm mỳ rau củ để tăng dinh dưỡng cho loại thực phẩm này, góp phần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Thế là tôi sử dụng rau ngót để tạo ra mỳ màu xanh lá cây, khoai tây làm mỳ vàng, khoai lang tím làm mỳ tím…

Tại ngày hội trái cây do huyện tổ chức cùng năm, tôi mang 200 kg mỳ rau củ đi trưng bày, giới thiệu, không ngờ tiêu thụ hết chỉ trong 1 giờ”. Càng làm chị đúc rút nhiều kinh nghiệm để nâng chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm mỳ của HTX đã có mặt tại Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Nhật Bản, Lào, Campuchia. HTX có sản phẩm mỳ Chũ Green được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2021 và nhiều sản phẩm khác đạt chứng nhập OCOP 3 sao. Mỗi năm, HTX thu về từ 900 triệu đến 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Giám đốc đam mê cây dược liệu

Anh Nguyễn Văn Đức (SN 1991) là Giám đốc HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh xã Trường Sơn (Lục Nam) khi 26 tuổi. Anh chia sẻ, gia đình có truyền thống trồng và chế biến cây thuốc nam nên anh yêu thích những loài cây này từ khi còn nhỏ, đặc biệt hiểu giá trị của cây trà hoa vàng, anh càng trân quý cây hơn.

Anh Nguyễn Văn Đức (bên phải) bên các sản phẩm đặc trưng của HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh.

Anh Nguyễn Văn Đức (bên phải) bên các sản phẩm đặc trưng của HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh.

Khi đang là sinh viên Học viên Y dược Cổ truyền (Hà Nội), anh đã ấp ủ dự định làm ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe từ cây trà hoa vàng. Vừa học, anh vừa nghiên cứu công thức làm trà hoa vàng đóng gói đến thiết kế mẫu mã nhằm tiêu thụ thuận lợi. Năm 2010, anh bán được đơn hàng đầu tiên là 100 túi trà trong túi zip, được khách hàng phản hồi tốt, anh càng có động lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Chị Hương, anh Đức là những giám đốc năng động, sáng tạo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều Giám đốc HTX năng động, tìm hướng đi mới, hiệu quả cho HTX của mình. Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại giúp các giám đốc HTX nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành, kinh doanh".

Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

Có nền tảng, kinh nghiệm, năm 2017, anh cùng các thành viên trong gia đình thành lập HTX. Ban đầu, khu nhà xưởng chỉ rộng 500 m2, đến nay HTX có khu nhà xưởng và trưng bày rộng khoảng 1 nghìn m2 và có văn phòng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội. Sản phẩm chính của HTX là trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, mật ong, nấm linh chi.

Anh Đức nói: “HTX tuân thủ quy trình sản xuất khép kín; trang bị hệ thống sấy thăng hoa, sấy lạnh nên sản phẩm giữ được màu sắc, hương vị, dược tính; sản phẩm bảo đảm “3 không” (không hương liệu, không chất tạo màu, không chất bảo quản)”.

Năm 2021, trà hoa vàng của HTX được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Trung bình một năm, HTX đạt doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 20-30%. Anh Đức dự định thời gian tới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, chị Hương, anh Đức là những giám đốc năng động, sáng tạo. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều giám đốc HTX năng động, tìm hướng đi mới, hiệu quả cho HTX của mình. Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị học tập, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại giúp các giám đốc HTX nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành, kinh doanh.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/412278/hai-dau-tau-tieu-bieu-cua-hop-tac-xa.html