Hải Dương bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Với hơn 2.000 di tích, tỉnh Hải Dương đã và đang có nhiều giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa, song song các biện pháp trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Riêng TP Hải Dương có 270 di tích, trong đó có 33 cụm di tích đã được xếp hạng (11 cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia và 22 cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh).
Giai đoạn 2015 - 2018, đã có hàng trăm di tích trên địa bàn tỉnh được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng, trong đó phần lớn từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nổi bật là trùng tu các hạng mục của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ngoài ra, các di tích tiêu biểu của tỉnh như: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn), Văn miếu Mao Ðiền, Ðền Xưa (huyện Cẩm Giàng) cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí mỗi di tích từ 3,5 đến 4 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng quản lý và bảo tồn song song với phát huy giá trị các di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn; tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020. Ðồng thời, tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ giá trị di tích tại địa phương, huy động các nguồn lực xã hội hóa; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích bảo đảm đúng quy định. Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, cần có sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với việc khai thác, phát triển du lịch.
Tại tỉnh Cao Bằng, nhiều lĩnh vực đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào sản xuất, giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, Cao Bằng đã áp dụng giải pháp “Dự phòng truyền dẫn cho trạm di động 2G/3G/4G Nokia”, đáp ứng nhu cầu thực tế khi xử lý các sự cố về truyền dẫn tại khu vực miền núi, nhất là mùa mưa bão. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các khâu ghi chỉ số đồng hồ nước, thu ngân tiền nước và phát hành hóa đơn điện tử cũng được triển khai. Bằng sáng kiến sử dụng điện thoại thông minh để ghi, đọc chỉ số đồng hồ thay cho ghi thủ công trên giấy, thanh toán bằng điện tử thay thế thanh toán tiền mặt truyền thống và thay hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử đã giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ, giảm được các chi phí, đồng thời tạo sự tiện lợi cho khách hàng… Ðây đều là các sáng kiến nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân được ứng dụng vào thực tế.
Theo Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Cao Bằng, hằng năm đơn vị đều tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng. Mỗi lần tổ chức, hội thi tiếp nhận nhiều giải pháp, công trình dự thi của các tác giả, nhóm tác giả thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ các nhà khoa học, giáo viên, doanh nhân đến người nông dân ở nhiều lứa tuổi. Phần lớn công trình, giải pháp đều thể hiện được khả năng sáng tạo, trình độ kỹ thuật tiên tiến và đã khẳng định được hiệu quả thực tế áp dụng tại đơn vị, có khả năng nhân rộng.